Ngày 19/7 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho biết không chỉ các DN FDI mà nhiều DN nội cũng có dấu hiệu chuyển giá. Hậu quả không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn khiến thị trường không minh bạch.
PGS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế-Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Khi một DN được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, DN này sẽ thu lợi cao hơn những DN khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá. Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các DN có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các DN khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các DN khác vào tình trạng phá sản.
Thực tế giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền. Mặc dù kê khai lỗ liên tục, song nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất. Có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, không chỉ các DN FDI mà đến nay có cả các DN nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco.
Cũng theo TS Hồ Đức Phớc, công tác kiểm toán chống chuyển giá phải cần được nghiên cứu, xem xét một cách hệ thống, bài bản, nghiêm túc, từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, chất lượng kiểm toán được cao hơn, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá của DN, chống thất thu ngân sách nhà nước. Theo đó những vấn đề trong quá trình kiểm toán chống chuyển giá cần được làm rõ từ vấn đề pháp lý đến mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và tổ chức thực hiện kiểm toán đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn , Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, khung pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, rời rạc. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế trong việc đưa ra các lập luận pháp lý nhằm đấu tranh với các hành vi chuyển giá của các DN. Khung pháp lý thiếu và yếu cũng làm cho các DN khó nắm được các quy định chuyển giá nào được phép hoặc không được phép để có thể tuân thủ đúng.
“Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh và hiệu lực nhằm hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá của cơ quan thuế Việt Nam, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, rõ ràng và minh bạch để các doanh nghiệp có cơ sở tuân thủ. Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam, hạn chế các khác biệt hóa trong các quy định vì điều này có thể gây khó khăn cho vấn đề hợp tác quốc tế về chống chuyển giá” – TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.