Sớm cứu nhà cổ Đường Lâm

Triết Giang 11/12/2015 12:25

Trước thông tin Hà Nội sẽ dành 12,939 tỉ đồng đầu tư nhằm bảo tồn 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng thuộc làng cổ xã Đường Lâm (Hà Nội) thì người dân vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Mừng vì theo chủ trương, việc tôn tạo, tu bổ đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Nhưng phần lo lắng cũng không phải không có cơ sở…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Mục tiêu của dự án là bảo tồn 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, việc tôn tạo, tu bổ phải đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2018.

Mừng và lo

Đã có nhiều dự án trùng tu, nhiều kế hoạch bảo tồn được đưa ra và dần dà thực hiện. Nhưng những dự án thể hiện sự nỗ lực bảo tồn làng cổ Đường Lâm cứ chậm như “rùa bò” trước “cơn lốc” đô thị hóa. Trước khi có dự án tu bổ 10 ngôi nhà cổ Đường Lâm vừa được phê duyệt, năm 2012 nhờ sự giúp đỡ của tổ chức JICA (Nhật Bản), cũng đã có 10 ngôi nhà cổ tại đây được chọn để trùng tu. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành thì đã có không ít lời ra tiếng vào về những cái sự “cực chẳng đã” của nó. Người ta kêu ca rằng vật liệu thi công không tốt, quá trình thi công luộm thuộm, cẩu thả, thậm chí “ăn bớt” các hạng mục công trình…

Hiện nay, nếu chỉ tính riêng 3 ngôi làng chính trong quần thể di tích Đường Lâm là Mông Phụ, Đông Sàng và Cam Thịnh đã có tới hơn 800 ngôi nhà cổ truyền thống được xây chủ yếu bằng đá ong, trong đó nhiều ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. Trong đó có khoảng 30 nhà cổ được xếp loại 1, còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ, niên đại trên dưới 200 năm. Làng cổ tại xã Đường Lâm lâu nay đã trở thành điểm đến trong các tuyến du lịch, nhưng vẫn còn đó những vấn đề tồn tại như thiếu chiến lược và thiếu đồng bộ. Đặc biệt là sự không đồng thuận của người dân khi lợi ích không được đáp ứng công bằng.

Trong tổng số di sản nhà cổ đã kể trên thì mới chỉ có khoảng 30 hộ nhạy bén, chuyển hướng sang làm du lịch. Số gia đình được hưởng lợi ích từ danh hiệu làng cổ không nhiều, do đó người dân không mặn mà giữ gìn nhà cổ. Cả thôn Mông Phụ chỉ có vài ngôi nhà cổ được hưởng khoản phụ cấp ít ỏi (vài trăm nghìn đồng/tháng) từ nguồn bán vé của Ban quản lý di tích. Số nhà cổ đón hàng trăm khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, đại đa phần những hộ dân sinh sống xung quanh không được hưởng lợi gì nhưng phải chịu tuân theo những quy định ngặt nghèo của BQL di tích và Luật Di sản…

Vì vậy, trước thông tin Hà Nội sẽ dành 12,939 tỉ đồng đầu tư nhằm bảo tồn 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng thuộc làng cổ xã Đường Lâm thì người dân vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Mừng vì theo chủ trương, việc tôn tạo, tu bổ đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Nhưng phần lo lắng cũng không phải không có cơ sở, vì bài học trùng tu 10 ngôi nhà cổ làng Đường Lâm năm 2012 vẫn còn đó. Bởi lần này được biết, chỉ riêng phần kinh phí chuẩn bị đầu tư đã vào khoảng 350 triệu đồng, trích từ ngân sách thị xã Sơn Tây thực hiện năm 2015.

Theo tinh thần chỉ đạo, trước mắt, UBND TP Hà Nội giao UBND thị xã Sơn Tây - chủ đầu tư dự án - thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng. Đồng thời thẩm tra, thẩm định và trình phê duyệt dự án theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện có liên quan.

Không gian làng cổ ở xã Đường Lâm, nhìn từ đình làng Mông Phụ. Ảnh: Vương Anh.

Để di sản không là gánh nặng…

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày di tích làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia hồi tháng 11 vừa rồi, UBND thị xã Sơn Tây đã khẳng định, năm 2016, địa phương sẽ phấn đấu để làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tiến tới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong 10 năm qua, từ khi di tích làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, thị xã Sơn Tây đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như quản lý cấp phép xây dựng, thiết kế nhà mẫu cho người dân áp dụng trong xây dựng; bảo tồn, tu bổ di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, bảo tồn 12 điểm và 10 giếng cổ, 10 nhà cổ, cảnh quan khu vực cổng làng Mông Phụ đến đình Mông Phụ…

Dẫu vậy, vẫn còn đó những mâu thuẫn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà trong nhiều hội thảo cùng chủ đề- câu chuyện làng cổ Đường Lâm luôn được coi là một bài học kinh nghiệm điển hình để các chuyên gia phân tích, mổ xẻ.

Theo kế hoạch, năm 2016 làng cổ xã Đường Lâm sẽ đón được 15 vạn lượt khách tham quan, từ 10-15% các hộ dân tại di tích tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cho khách đem lại thu nhập ổn định. Đồng thời cũng để bảo tồn di tích làng cổ và giải quyết nhu cầu cuộc sống người dân, thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành việc giãn 150 hộ dân trong dự án giãn dân giai đoạn 1 sang nơi ở mới.

Làm thế nào để di sản phải là niềm tự hào, chứ không phải là gánh nặng của người dân? Làm thế nào để người dân sẽ không còn cảnh sống khổ trong nhà cổ? Câu chuyện bảo tồn làng cổ Đường Lâm cũng giống như chuyện nan giải bài toán bảo tồn nhà vườn xứ Huế. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi được cấp kinh phí bảo tồn, trùng tu thì không ít chủ nhân các nhà vườn đã buộc phải bán bớt diện tích đất vườn để lấy tiền tu sửa nhà. Một số ít nhà vườn khác bị hư hỏng, xuống cấp nên bị phá bỏ để xây mới... Vì thế mà số nhà vườn cổ ở Huế ngày càng giảm dần theo thời gian.

Nếu không sớm có chủ trương, cơ chế để cứu những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm; hoặc khi chủ trương đã có mà nhà chức trách vẫn chưa tiến hành ngay, e việc gìn giữ nguyên vẹn, nguyên gốc những ngôi nhà cổ sẽ ngày một khó khăn hơn.

Theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội: Danh sách 10 nhà cổ được chọn đầu tư tu bổ tới đây do thị xã Sơn Tây đề xuất. Những ngôi nhà thuộc diện được đầu tư bảo tồn là những ngôi nhà cổ đã bị hư hỏng nặng.

Liên quan đến vấn đề này, KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho hay, ông chưa nghiên cứu về dự án tu bổ này. Nhưng theo như ông biết, trước mắt đó mới là kế hoạch.

Hoàng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm cứu nhà cổ Đường Lâm