Ngày 28/12, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS tổ chức tọa đàm khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân.
Đề cập đến khai thác tài nguyên dữ liệu trong khu vực công phục vụ quản trị Nhà nước, PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh (Học Viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cho rằng, trong Chính phủ điện tử, chuyển đổi số sau này, hay dịch vụ công trực tuyến có nhiều vấn đề. Là người sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến, ông Hạnh lưu ý, dịch vụ công trực tuyến cần đảm bảo tính thông suốt, minh bạch trong việc sử dụng.
Theo ông Hạnh, trong chuyển đổi số vai trò của dữ liệu cực kỳ quan trọng, trụ cột. Làm sao dữ liệu cung cấp phải dễ truy cập, dễ sử dụng, và dễ sử dụng lại, và năng suất sử dụng dữ liệu. Việc sử dụng dữ liệu tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế, nếu việc cung cấp dữ liệu có chất lượng. Vì vậy làm sao thúc đẩy khối các cơ quan nhà nước xuất bản dữ liệu có chất lượng lên các cổng dịch vụ công quốc gia, như thế cộng đồng sẽ được lợi.
Liên quan đến khai thác dữ liệu và đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu và quyền riêng tư công dân, ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) cho rằng chúng ta cần sớm có chiến lược quốc gia về dữ liệu. Vai trò mô hình của các bộ, ngành địa phương ở trong dữ liệu đang “chưa ổn” khi đang có sự “dẫm chân” lên nhau. Đặc biệt, cần có chính sách để phân loại dữ liệu; cần có các cơ chế khai thác dữ liệu.
“Cần có danh mục dữ liệu ưu tiên vì có nhiều loại dữ liệu, và chúng ta hay làm theo kiểu dàn hàng ngang chứ không có danh mục dữ liệu ưu tiên để các địa phương nhìn vào đó có thể thấy năm tới, 3 hay 5 năm tới chúng ta ưu tiên cho cái gì”- ông Đồng nói và cho rằng cần quan tâm tới dữ liệu về y tế và du lịch cũng như tiêu chuẩn để kết nối khi đây đang là 2 mảng đang bị “bỏ bê” về kiến trúc dữ liệu.
Còn theo bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách của UNDP Việt Nam thì phải tạo ra nhiều bộ dữ liệu hơn nữa, làm sao để cổng dữ liệu quốc gia không dừng ở 84 bộ dữ liệu, đảm bảo tính khách quan và khoa học trong quản lý dữ liệu. Bởi cơ quan nhà nước tạo ra dữ liệu, cơ quan bên ngoài tạo ra dữ liệu cuối cùng vạch ra ranh giới giữa dữ liệu chính thống và dữ liệu không chính thống.
Bà Huyền dẫn chứng: “Ví dụ PAPI hiện nay có 63 tỉnh, thành sử dụng nó để hoạt động ở địa phương nhưng vẫn bị coi là không chính thống, bị coi là nguồn từ bên ngoài. Do đó cần xoá đi rào cản chính thống và không chính thống để tích hợp vào một hệ thống dữ liệu cực lớn đến tận cấp xã, đến từng thôn để có thông tin bài bàn và khoa học. Trường dữ liệu càng rộng càng dài sẽ có nhiều thông tin, thông số giúp ích cho Trung ương và địa phương”.