Sáng 24/9, Hội thảo khoa học quốc gia về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Gần 70 báo cáo khoa học gửi tới Hội thảo cũng như các ý kiến phát biểu của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, quân sự… tại đây đều có chung một nhận định: Không còn là truyền thuyết dân gian, thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Nhiều nghiên cứu mới về thời đại Hùng Vương
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu rõ: Trong 50 năm qua, giới nghiên cứu trong nước với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những nghiên cứu mới với nhiều kết quả khả quan về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam. Các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực hoạt động đã đạt nhiều thành tựu mới, làm rõ nét hơn về thời đại Hùng Vương. Vì vậy, từ Hội nghị về Hùng Vương dựng nước được tổ chức lần đầu (1968), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo nhằm tập hợp, tổng kết đánh giá những kết quả nghiên cứu mới trong hơn 50 năm qua và đưa ra những đề xuất cho các bước phát triển tiếp theo nghiên cứu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về thời đại Hùng Vương.
Nhận định về vị trí của thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng: Bằng sự hợp tác khoa học và bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, cho đến ngày nay giới khoa học trong và ngoài nước đã cơ bản thống nhất nhận định: Thời đại Hùng Vương là một thời đại có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tồn tại khoảng 2000 năm TCN, bao quát các giai đoạn phát triển từ sơ kỳ thời đại đồ đồng đến sơ kỳ thời đại đồ sắt. Tức trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II TCN đến đầu thiên niên kỷ thứ I TCN (cho tới vài thế kỷ SCN).
Phân tích một cách cặn kẽ hơn, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Việc cho rằng nước Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thật ra chỉ là một cách gọi chung chung theo quan niệm truyền thống về lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc, nhưng không dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học thực sự, lại không có sự kiểm chứng của khảo cổ học. Và như thế không phản ánh một cách chuẩn xác sự thật lịch sử. Nếu nói Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thì thực ra chúng ta đang nói tới thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồ đồng) cách ngày nay khoảng từ 4.000-3.500 năm). Khảo cổ học trong mấy thập kỷ gần đây đã chứng minh một cách rõ ràng xã hội thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn là công xã nguyên thủy, chưa có giai cấp và tất nhiên là chưa có Nhà nước, thì cũng chưa có Sử theo quan niệm chặt chẽ của thuật ngữ này. Chắc chắn Nhà nước Văn Lang ra đời muộn hơn nhiều so với mốc thời gian 4.000-3.500 năm cách ngày nay.
PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc lý giải, do có nhiều cách quan niệm về thời điểm mở đầu của lịch sử Việt Nam và ngay trong mỗi cách quan niệm cũng vẫn còn những đánh giá không thật giống nhau, nên theo chúng tôi trước khi đi sâu nghiên cứu về thời điểm ra đời của Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương, chúng tôi không thể không khẳng định mình sử dụng thuật ngữ Lịch sử theo nghĩa hẹp, với yêu cầu chặt chẽ là gắn với sự ra đời của Nhà nước đầu tiên, và trong khi nghiên cứu mặc nhiên phải triệt để khai thác tất cả các nguồn tư liệu, trong đó có tư liệu khảo cổ học là quan trọng hơn cả. Cùng với đó phải sử dụng hiệu quả tất cả các phương pháp chuyên ngành, đa ngành và liên ngành. Kết hợp tất cả các nguồn tư liệu, chúng ta đã giải mã, tìm ra được sự hợp lý và thống nhất của tất cả các nguồn tư liệu, làm cơ sở chứng minh thời đại Hùng Vương dựng nước là có thật trong lịch sử Việt Nam, nằm trong khung niên đại của văn hóa Đông Sơn.
Cập nhật thông tin mới trong giảng dạy Lịch sử
Báo cáo khoa học của hai tác giả, PGS.TS Đào Tố Uyên và TS Nguyễn Thị Phương Thanh (Khoa Lịch sử- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề cập tới vấn đề giảng dạy về thời đại Hùng Vương tại bộ môn Lịch sử trong Chương trình GDPT hiện nay. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm, bởi thời gian qua câu chuyện dạy và học sử trong nhà trường cũng như việc biên soạn SGK phục vụ cho chương trình GDPT mới đang được trông đợi, kỳ vọng.
Nghiên cứu của các tác giả này đã chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong quá trình giảng dạy về thời đại Hùng Vương cho học sinh. Qua khảo sát đối với 60 giáo viên tại 25 trường tiểu học, THCS, THPT tại các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định…, đại đa số các giáo viên đều cho rằng đây là một nội dung kiến thức tương đối khó và phức tạp, vì thời đại này rất xa với hiểu biết và trí tưởng tượng của học sinh. Mặc dù SGK đã đưa vào nhiều tư liệu hình ảnh có giá trị khai thác kiến thức cơ bản, nhưng trong quá trình giảng dạy giáo viên phải sưu tầm thêm rất nhiều tư liệu từ các kênh khác như các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết… để làm cho tiết học thêm sinh động, hấp dẫn.
Theo hai tác giả nghiên cứu của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện xung quanh thời đại Hùng Vương vẫn còn có những quan điểm và ý kiến khác nhau. Thêm vào đó, phần thời lượng dành cho phần lịch sử Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông về thời đại Hùng Vương còn ít. Do đó, kiến thức lịch sử được trình bày trong SGK phổ thông cũng chỉ có thể nêu lên những luận điểm, đánh giá cơ bản nhất về thời đại này. Trong khi để phát huy tối đa hiệu quả của giờ giảng, yêu cầu đặt ra là giáo viên cũng phải thường xuyên sưu tầm tư liệu, cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới về thời đại Hùng Vương, từ đó mới có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức mới, những quan điểm mới trong nhận thức về một giai đoạn lịch sử. Hay nói cách khác là giáo viên phải nắm chắc tư liệu, làm chủ kiến thức mới có thể tự tin trong giờ dạy lịch sử về một thời kỳ xa xưa của dân tộc.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho hay, từ những đóng góp quý báu của giới khoa học về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam tại Hội thảo này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ có đề xuất, kiến nghị đưa những nghiên cứu mới vào bộ quốc sử Việt Nam tới đây; đồng thời cũng sẽ kiến nghị cập nhật bổ sung những nghiên cứu mới vào SGK và giảng dạy trong Chương trình GDPT mới, giúp học sinh có kiến thức đầy đủ và chính xác về lịch sử nước nhà. Quan trọng hơn cả nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thời đại Hùng Vương trong thời đại ngày nay.