Chiều 28/5, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 dự án luật trên.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 27/8/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là hết sức cần thiết.
Thẩm tra dự án luật trên, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Quốc phòng an ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, đồng thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Lực lượng dự bị động viên bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Liên quan đến Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và triển khai Đề án sản xuất, phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó việc xây dựng, ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, để vừa tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.
Thẩm tra dự án luật trên, ông Võ Trọng Việt cho biết, từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”. Do đó đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho việc sản xuất hộ chiếu có gắn chíp điện tử và vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) bày tỏ quan điểm tán thành với sự cần thiết của dự thảo luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên, để vừa tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh. Tuy nhiên theo ông Tuấn cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.