Trạm Kiểm lâm số 1 (hay còn gọi là Trạm Đăn) nằm cách cổng vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) hơn 15km, có 6 thành viên, quản lý gần 7.000ha rừng. Mặc dù sống trong điều kiện không điện, không mạng internet, không sóng điện thoại nhưng những kiểm lâm viên ở đây vẫn chung một ý chí, quyết tâm giữ vững bình yên cho từng cánh rừng.
Là người công tác gần 25 năm ở đây, ông Đỗ Tiến Dũng (54 tuổi), Trạm trưởng Trạm Đăn gọi vui rằng, đây là cuộc sống “3 không” của anh em. “Ngày đầu tiên về đây, trạm có 6 cán bộ, được giao quản lý, bảo vệ gần 7.000ha rừng. Ban đầu, tôi rất lo lắng vì địa bàn quản lý rất rộng, lại không có điện, không có sóng, không có internet thì việc sinh hoạt, trao đổi thông tin của anh em sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng, chúng tôi cũng bắt nhịp và làm quen với những trở ngại, từ đó thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Dũng nhớ lại.
Về thực phẩm sinh hoạt hằng ngày của trạm, ông Dũng cho biết, khi các thành viên được luân phiên nghỉ để ra khỏi rừng, họ sẽ kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ. Khi trở về, thường thì ai nấy sẽ mang thêm gạo, cá khô, tôm khô..., để tiếp tế cho những anh em thường trực tại đây.
Sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên đòi hỏi các cán bộ kiểm lâm phải thích nghi và tận dụng điều kiện tự nhiên của rừng. Bởi vậy, khi thấy có nhiều con suối, họ đã nghĩ cách bọc thịt, cá hay các đồ tươi sống vào túi nilon, sau đó đem ra suối để ngâm. “Dòng suối quanh năm tươi mát, không chỉ phục vụ việc tắm rửa, sinh hoạt mà nó còn là “tủ lạnh” 4 mùa, giúp bảo quản thực phẩm cho anh em", ông Dũng nói.
Trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng, ông Dũng chia sẻ, ông và đồng nghiệp đã nhiều lần chạm mặt lâm tặc và nhóm người săn bắt động vật trái phép. “Những ngày đi tuần đêm, tôi và đồng nghiệp không được bật đèn, không được gây tiếng động mà chỉ dùng các ám hiệu để thông tin cho nhau. Thấy chúng tôi, lâm tặc không hề sợ hãi mà còn manh động dùng dao, súng chống trả. 4 năm trước, khi truy đuổi 3 người săn bắt động vật, đã có một cán bộ của trạm bị trúng đạn, hiện đã trở thành thương binh. Còn riêng tôi, cũng đã 2 lần gặp nguy hiểm khi đối đầu với lâm tặc”, ông Dũng kể.
Sống ở nơi rừng thiêng, nước độc với những điều kiện ngặt nghèo nhưng trong suy nghĩ của mỗi cán bộ kiểm lâm, họ đều tỏ ra rất lạc quan, yêu đời. Có chăng, điều khiến họ bận tâm nhất là gia đình, khi thường xuyên phải công tác xa, không thể gọi điện về nhà thường xuyên.
“Để giúp anh em vơi đi nỗi nhớ nhà, chúng tôi đã cho gia đình, người thân số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp. Khi có thông tin gấp, họ sẽ gọi điện đến những trạm có sóng và người bên đó sẽ qua báo tin cho anh em ở đây”, ông Dũng thông tin.
Ở Trạm Đăn, anh Phạm Phi Long (29 tuổi, quê Hòa Bình) là cán bộ kiểm lâm trẻ tuổi nhất. Anh Long cho biết, anh mới lập gia đình, đứa con đầu lòng hiện còn rất nhỏ. “Khi cưới vợ, tội được đơn vị cho nghỉ 3 ngày để về lo việc, xong xuôi thì trở lại công tác. Nhiều khi nhớ vợ, thương con, tôi nhìn lên trời, cầu cho cả nhà bình an. Tuần nào được nghỉ thì tôi tranh thủ về quê thăm vợ con 1 ngày”, anh Long tâm sự.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, hiện toàn đơn vị có 52 kiểm lâm viên được phân bố 12 trạm, trong đó: Hòa Bình 3 trạm, Thanh Hóa 4 trạm, Ninh Bình 5 trạm và 1 trạm cơ động. Trong số này có 2 trạm nằm trong vùng lõi của rừng không điện, không sóng điện thoại và không internet là Trạm Số 1 (Trạm Đăn) và Trạm số 9 (Trạm Đang).
Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích hơn 22.400ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Vườn có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Vì thế, công tác bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên này trong hàng chục năm qua luôn được đặt lên hàng đầu.
Tối 6/9 vừa qua, tại lễ trao giải của tổ chức World Travel Awards (WTA) lần thứ 30 tại TPHCM, Vườn quốc gia Cúc Phương vinh dự lần thứ 5 liên tiếp được vinh danh là vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023.