Nằm ngay bên cạnh 2 dự án thủy điện tầm cỡ là Thành Sơn, Trung Sơn đã đi vào vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, 78 hộ dân thuộc bản Sậy, xã Trung Thành, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) vẫn phải chịu cảnh đèn dầu lay lắt. Giữa thế kỷ 21, không có điện lưới khiến đời sống của người dân ở ngôi làng heo hút. nghèo xơ xác này thêm muôn vàn khó khăn.
Sinh hoạt thường ngày của người dân Bản Sậy.
Sống cạnh thuỷ điện vẫn “đói” điện
Bản Sậy, xã Trung Thành, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) một ngày mưa rả rích. Cái se lạnh, khung cảnh ảm đạm một ngày mưa lâm thâm tháng 3 như phủ thêm lên bức tranh nghèo xơ xác của xóm núi. Bản Sậy nơi quy tụ của gần 80 hộ dân, thế nhưng bức tranh bản làng trước mắt chúng tôi là những nếp nhà cũ kỹ, lụp xụp. Cuộc sống của các hộ dân chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông Mã, trồng cây ngô, cây sắn… Thâm canh theo truyền thống lạc hậu nên chuyện năng suất thấp, đói ăn theo mùa là điều không cần phải bàn thêm nữa.
Ông Vi Văn Lân-Trưởng bản Sậy, người dẫn chúng tôi tham quan một vòng của bản mà năm lần bảy lượt thở dài nói: “Bản nằm bên cạnh bờ sông Mã, giữa 2 nhà máy thủy điện lớn Thành Sơn và Trung Sơn. Từ lâu, 2 nhà máy thủy điện này đã phát điện hòa vào điện lưới quốc gia. Dù ở sát vách 2 nhà máy thế nhưng đến nay cả bản vẫn chưa có điện!”.
Cũng theo ông Lân, thiếu điện giữa thế kỷ 21 khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây chẳng khác mấy thời kỳ những năm 1945 đèn dầu. Không điện muốn mua cái máy xay xát gạo cũng chịu. Nông nghiệp muốn có năng suất, phải làm tốt thủy lợi, phải có cái máy bơm đưa nước ngược non… Thiếu điện, những phương tiện khoa học kỹ thuật tối thiểu đó cũng muôn đời không thể áp dụng vào nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như sắm cái tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện… vật dụng trong nhà cũng chỉ là những mơ ước có trong tiềm thức người dân.
Ông Hà Văn Quỵnh, một già làng của bản mong mỏi: “Hơn 60 năm qua không có điện cũng chẳng sao. Chỉ mong trước khi thân già về với núi rừng được một lần thấy ánh sáng điện đèn, được nghe chủ trương về tư tưởng Cụ Hồ trên cái ti vi. Và mong hơn, là cho mấy đứa cháu, đứa chắt đời này chúng nó có ánh sáng để học con chữ. Không biết chữ thời này là đói”.
Không cam chịu cảnh không điện, và ngồi chờ điện sáng từ Nhà nước, nhiều hộ thanh niên xông xáo của bản đã ngăn suối, mua tua-bin về phát điện. Trường hợp anh Hà Văn Thiệp là một điển hình. Anh Thiệp cho biết: Để có điện sử dụng, anh và người dân trong bản đã mua tua-bin cùng với hàng trăm mét dây dẫn về đặt ở suối Cú. Lợi dụng dòng nước để phát điện. Dù vậy, anh Thiệp cũng không hài lòng với giải pháp tình thế trên. Điện chập chờn và rất yếu, chỉ thắp sáng được bóng đèn. Ngoài ra, không sử dụng được bất kỳ thiết bị điện nào nữa cả.
Anh Thiệp thở dài cho biết: “Nhìn những bản làng bên cạnh họ có điện sáng vừa thèm lại vừa xót xa cho bản mình. Họ làm nông nghiệp, họ buôn bán kinh doanh, con cái được học hành đến nơi đến chốn… Trong khi bản mình, người dân chịu khó lên nương, lên rẫy nhưng không có điện chỉ trông vào nước trời để tưới cây thì có làm mấy, năng suất cũng không thể sánh bằng bản họ, có máy bơm nước lên nương, lên rẫy. Thương nhất là mấy đứa trẻ, không có điện để học, phải thắp đèn dầu, cặm cụi, tù mù… Trước thực trạng này, bà con đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần nhưng chưa thấy… trả lời”?- anh Thiệp buồn bã nói.
Chờ đến bao giờ?
Đây là câu hỏi mà bản thân chúng tôi cũng như chính quyền xã Trung Thành này không biết trả lời như thế nào với bà con bản Sậy. Bên cạnh đó, điều người dân nơi đây thắc mắc và cho rằng: Kể từ khi nghe tin thủy điện Thành Sơn sẽ được xây dựng, vận hành, bà con đã sẵn lòng đón nhận, tạo điều kiện tốt nhất có thể để dự án sớm hoàn thành. Phải chi, nếu như có sự hỗ trợ, giúp đỡ, trích một phần nhỏ kinh phí từ các nhà máy thủy điện này đầu tư kéo lưới điện cho bà con thì cuộc sống của người dân đã không phải chịu khổ bao năm.
Ông Vi Văn Lân -Trưởng bản Sậy cho biết: Kể từ khi bản được thành lập (năm 1935) đến nay có 78 hộ dân sinh sống. Chuyện bà con kiến nghị tại các cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri không phải một lần mà rất nhiều lần. Niềm vui đến với bà con khi năm 2010, bản đã có quy hoạch để kéo điện lưới cho bà con nhưng không hiểu lý do gì đến nay vẫn chưa được cấp điện và cũng không có hồi âm. “Có điện, người dân sẽ phát triển kinh tế, xã hội. Điều mong mỏi chính đáng đó không phải chính quyền không biết, phía thủy điện không biết, vậy tại sao không có một câu trả lời trước dân, và người dân sẽ tiếp tục phải chờ đến bao giờ?”
Trao đổi với chúng tôi vấn đề tại bản Sậy, ông Hoàng Hồng Hải- Giám đốc Điện lực Quan Hóa cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện Quan Hóa còn 7 bản là chưa có điện lưới quốc gia. Trường hợp bản Sậy, thuộc diện bản đặc biệt khó khăn được Chính phủ đầu tư theo Quyết định số 2081.
Được biết, theo Quyết định số 2081, các tỉnh giao cho Sở Công thương phối hợp với các huyện trên địa bàn lập danh sách đầu tư. Hàng năm, Trung ương sẽ rót vốn đầu tư theo báo cáo, lộ trình. Tại huyện Quan Hóa, năm 2020 sẽ có 4 bản gồm: Bản Bâu, bản Nót (xã Nam Động); bản Pượn (xã Trung Sơn) và bản Yên (xã Hiền Chung) được đầu tư kéo điện lưới về bản. Trường hợp bản Sậy, theo lộ trình năm 2020 chưa được đầu tư.
Nói như vậy, đồng nghĩa với việc 78 hộ dân bản Sậy, xã Trung Thành (huyện Quan Hóa) đến bao giờ thoát cảnh đèn dầu vẫn chưa có câu trả lời.