Bảo Lộc (Lâm Đồng) khá giống Đà Lạt nhưng không sôi động bằng. Những người muốn tách mình khỏi cuộc sống ồn ã thì đừng bỏ qua Bảo Lộc- nhiều người nói như thế.
Tu viện Bát Nhã.
Cách Đà Lạt chừng 100 km, Bảo Lộc là thành phố thứ hai ở Lâm Đồng mang dáng vẻ khiêm nhường và yên tĩnh. Đến nay Bảo Lộc vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn sự mộc mạc của vùng đất cao nguyên.
Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, Bảo Lộc có thời tiết ôn hòa với nhiệt độ trung bình vào khoảng 21- 23 độ C. Ít nắng, nhiều mưa và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm- những đặc điểm về thời tiết khiến cho thành phố Bảo Lộc lãng đãng chẳng kém xứ sở Đà Lạt mộng mơ. Cách trung tâm Bảo Lộc 18km, thác Dam B’ri cao gần 57m, rộng 30m là thác nước rất đẹp.
Từ độ cao này, nước đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo thành một lớp sương mờ ảo. Cũng chính vì thế, những ngày có nắng, du khách luôn được chiêm ngưỡng cầu vồng tuyệt đẹp ngay dưới chân mình. Dưới chân thác có một cây cầu nhỏ nối hai bờ, quanh năm bám rêu xanh, tạo nét cổ kính.
Ngọn thác Dam B'ri.
Đến thăm Dam B’ri vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, du khách còn được chiêm ngưỡng những dải hoa màu hồng khoe sắc rực rỡ. Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ với diện tích gần 300ha với đủ loài chim chóc. Nhiều cây cổ thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi… gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt tại khu rừng này.
Ngược lại với ngọn thác Dam B’ri đổ ào ạt đêm ngày, Bảo Lộc còn có những bờ hồ tĩnh lặng, xanh trong và không một gợn sóng. Bắt đầu buổi sáng bằng cách thả lỏng người, rảo bước dọc hồ Bảo Lộc hay chiều về ngắm nhìn thành phố bên bờ hồ Nam Phương, du khách sẽ có cảm giác vô cùng thư thái.
Đồi trà Bảo Lộc.
Đồi trà Tâm Châu được mệnh danh là thành phố trà, Bảo Lộc có diện tích trồng trà lớn nhất tại Lâm Đồng, cũng là nơi có diện tích trồng trà lớn nhất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Trà được trồng ở đây chủ yếu là Ô long, thân thấp. Thương hiệu trà B’lao (tên cũ của Bảo Lộc) đã quen thuộc với những người yêu trà từ lâu.
Trà B’Lao không có vị đắng như trà xứ Bắc, vị chát nhiều hơn, ngọt hậu và rất thơm. Không có lịch sử lâu năm như đồi trà Cầu Đất (Đà Lạt), đồi trà Tâm Châu vẫn khiến du khách say lòng. Nếu có thể, hãy dậy thật sớm, chừng 3-4 giờ sáng, sẽ thấy được sự cần mẫn của con người nơi đây. Họ nâng niu từng lá chè, tay nhanh vun vút hái những đọt chè bỏ vào sọt.
Chè được hái từ sáng sớm tinh mơ, lúc mặt trời chưa lên, luôn được đánh giá là trà thượng hạng, chất lượng chén trà xanh thơm mát là tâm huyết chăm sóc của người dân.
Tới Bảo Lộc, muốn uống trà, không thể không ghé “Vọng nguyệt trà” cách thành phố khoảng 5km- nơi đây từng viên ngói lợp âm dương, từng cây cột, kèo cho tới bộ tủ, bàn ghế, sập gụ đều là đồ cổ cách đây cả trăm năm. Mỗi khu nhà mang một cái tên riêng. Ngôi nhà lớn mang tên “Vọng nguyệt trà” đậm dấu ấn của những viên quan lại thời xưa vào những đêm trăng sáng ngồi nhâm nhi chén trà, thưởng nguyệt, làm thơ.
Khu kế bên là “Trà uyển” với lối đi dẫn chân du khách vào một khu vườn thơ mộng… Cả một khuôn viên rộng được thiết kế hài hòa, liên thông với nhau. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc cổ xưa mà còn được thưởng ngoạn nghệ thuật pha trà bài bản, cầu kỳ của người xưa do những cô gái xinh đẹp, trẻ trung biểu diễn; được nếm mùi vị của từng loại trà trồng ngay tại đất Bảo Lộc.
Nếu muốn trải lòng ở một nơi tín ngưỡng tôn giáo mà ngại đi xa, bạn có thể ghé qua nhà thờ Bảo Lộc hay chùa Phước Huệ ở ngay trung tâm thành phố với những nét kiến trúc khá độc đáo. Còn nếu muốn thật sự tĩnh tâm nơi thiền tịnh, bạn hãy đến Tu viện Bát Nhã, nằm giữa một vùng đồi mênh mông trà và thông xanh mát. Chỉ riêng cái tên thôi đã gợi lên một vẻ thanh tao. Là chốn du lịch tâm linh, Bát Nhã mang không khí tĩnh tại trầm mặc, với những gian thờ ẩn mình trong rừng thông xanh mát.
Đến đây, du khách có thể tham quan, lễ Phật, và nghỉ lại qua đêm trong những gian nhà khách sạch sẽ. Nước sử dụng trong tu viện được lấy từ những con suối trong rừng, quanh năm luôn dồi dào và mát lạnh. Men theo con đường mòn nhỏ ven suối, du khách sẽ tìm thấy một thác nước nhỏ, nằm ẩn sau những cây lớn. Đến thác, các bạn nhớ giữ yên lặng, vì các sư thầy vẫn thường chọn những tảng đá lớn dưới chân thác làm nơi ngồi thiền hàng giờ.
Bên cạnh đó, Chùa Di Đà xưa có tên là Đăng Đừng (lấy tên của buôn Đăng Đừng ở đây), trước cổng chùa có tượng phật A Di Đà rất lớn nên phật tử viếng thăm thường gọi là chùa A Di Đà, lâu dần rồi quen nên giữ tên gọi này để những người đến dâng hương dễ tìm đến. Vừa bước qua cổng chùa là thấy ngay một khung cảnh mát rượi cây xanh, men theo lối vào là hai hàng phong linh bằng tre.
Phong linh được làm hoàn toàn bằng ống tre do chính tay những chú tiểu trong chùa làm. Phong linh được treo khắp mọi nơi trong khuôn viên chùa, nên cho dù ở bất kỳ chỗ nào ta cũng có thể nghe được tiếng lộc cộc của hàng trăm chiếc phong linh. Một âm thanh đặc trưng mà không một nơi nào có được mang cảm giác bình yên lạ kỳ...
Bảo Lộc đã trải qua nhiều thăng trầm, từ một quận của Đồng Nai Thượng trở thành tỉnh lỵ của Lâm Đồng cũ rồi thị xã Bảo Lộc và ngày nay là cái tên thành phố Bảo Lộc. Nhưng nơi đây vẫn luôn giữ được vẻ đẹp yên bình và gần gũi như những cư dân người Mạ của xứ B’Lao xưa kia. Để chuyến đi Bảo Lộc lưu giữ trong lòng du khách một hình ảnh của phố núi thật hiền hòa và ưa sống chậm.