Sống chung với Covid-19, sự chọn lựa khó khăn

Phan Quang Vũ  (Tổng hợp) 07/08/2021 11:00

Người đứng đầu Cơ quan khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan khuyến cáo: “Chúng ta muốn trở lại bình thường. Nhưng tôi nghĩ điều này còn rất sớm. Chúng ta cần kiên nhẫn hơn một chút.

Đừng quên bài học hồi mùa hè năm 2020 khi mọi thứ trở nên tốt đẹp và mọi người đều cảm thấy thoải mái, nhưng sau đó tháng 9, tháng 10 mọi chuyện lại trở nên khó khăn. Chúng ta sẽ lại phải đối mặt với một biến thể dễ lây lan hơn và đó thực sự là vấn đề”. Ý kiến này được nêu lên khi mà không ít quốc gia, vùng lãnh thổ đã lên kế hoạch “sống chung với Covid”, cho dù vẫn phải đối đầu với tình trạng dịch bệnh.

Ở thời điểm này, thế giới đang dõi theo nước Anh để đánh giá việc sống với Covid-19 và tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ dẫn đến điều gì. Giới chuyên gia dịch tễ học Vương quốc Anh đang chuyển trọng tâm sang những biện pháp khác trong bối cảnh đại dịch toàn cầu bước vào giai đoạn mới, trong đó có việc sống chung với Covid-19.

Theo Bloomberg, với tỉ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh trong các nhóm dân cư dễ tổn thương, đặc biệt tại những nước giàu, mối liên hệ giữa số ca bệnh với số ca tử vong vì Covid-19 ở nước Anh đã giảm. “Có thể chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn chỉ theo dõi số ca nhập viện”- bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Nguồn lực chống Covid-19 thuộc Đại học Johns Hopkins, nói.

Người London (Anh) đã “vui trở lại”.

Sự chọn lựa của người Anh

Như vậy có thể hiểu rằng virus Delta biến thể mới vớ tốc độ lây lan rất nhanh đi chăng nữa, có tạo thành “làn sóng mới” đi chăng nữa thì người Anh vẫn chọn cách “sống chung với Covid-19”. Giới khoa học nước Anh cho rằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng đã giúp phá vỡ tình thế phải phong tỏa và cũng hạn chế rất thấp số người tử vong do Covid-19. Tới cuối tháng 6, Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 46% dân số, giúp giảm số ca tử vong theo ngày xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng do sự lây lan của biến thể Delta, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch thêm tới ngày 19/7, để tạo điều kiện cho nhiều người trưởng thành được tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai. Nói như bà Jennifer Nuzzo thì đây chính là thời điểm “bài kiểm tra” đối với chiến dịch tiêm chủng và miễn dịch ở Anh, với chứng thực số ca nhập viện và tử vong có giảm xuống mức thấp hay không. “Nếu ở mức thấp, Covid-19 sẽ không còn là một đại dịch không thể kiểm soát mà sẽ giống hơn với một loại bệnh theo mùa kiểu như cúm” - Bloomberg dẫn lời bà J.Nuzzo.

Còn Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phát biểu trước Quốc hội rằng “chúng ta hướng tới việc sống chung với virus này như cách chúng ta sống chung với cúm”. Ông Hancock dẫn số liệu so sánh rằng, với cúm mùa - căn bệnh khiến khoảng 650.000 người chết mỗi năm trên toàn cầu, sẽ là thước đo quan trọng trong mùa thu và mùa đông năm nay với số ca tử vong liên quan tới Covid-19. Về vấn đề này, theo bà Nuzzo, so sánh với ảnh hưởng của cúm mùa là phù hợp khi nói đến các biện pháp như đóng cửa trường học. “Chúng ta có làm điều này với bệnh cúm mùa thông thường không?” - bà Nuzzo nêu vấn đề nói.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại, đại dịch Covid-19 đã giết hơn 3,8 triệu người trên toàn cầu kể từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2021.

Marille Compassino, nhà vi trùng học Liên minh châu Âu cho rằng, thế giới cũng không thể tự đóng cửa mãi, mà phải tìm ra lối thoát, vì rằng đã xác định Covid-19 là một dạng cúm thì không thể tiêu diệt hêt được chúng. “Vậy thì, chúng ta phải ổn định cuộc sống của mình, với vũ khí vaccine giúp cơ thể mỗi người tự đề kháng”- giáo sư Marille nói và cho rằng phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đối phó với những biến thể mới, kể cả ở những quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ thì số ca bệnh mới vẫn là vấn đề cần được lưu tâm. Vì rằng theo quy luật, virus càng lây nhiều thì càng có khả năng xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể đó có thể nguy hiểm hơn và có khả năng kháng những vaccine hiện nay.

Theo một nghiên cứu của Scotland, những người nhiễm biến thể Delta (B.1.617 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi những người nhiễm biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh). Do đó, việc giảm số ca nhiễm về 0 sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần, ngay ở cả những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao. “Chúng ta phải sống với thực tế là sẽ có những biến thể mới. Đó là điều luôn xảy ra” - bác sĩ Marc Baguelin, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Hoàng gia London (Anh), nói.

Trước việc nước Anh dự định chọn “con đường sống chung với Covid-19” tương tự với chủ trương sống chung với cúm mùa, thế giới hồi hộp dõi theo. Anh là quốc gia có chương trình tiêm vaccine được tiến hành nhanh chóng nhưng nay lại phải đối mặt với số ca mắc mới Covid-19 tăng trong nhóm thanh niên và những trường hợp không tiêm vaccine. Làn sóng mắc mới Covid-19 chủ yếu bắt nguồn từ biến thể Delta.

Theo tờ Guardian (Anh), vaccine phòng Covid-19 phổ biến nhất trong chương trình tiêm chủng của nước này là Oxford/AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Dữ liệu nghiên cứu do Cơ quan Y tế công cộng Anh thực hiện cho thấy việc tiêm đủ 2 liều một trong những vaccine trên có thể giảm nguy cơ nhập viện của người nhiễm biến thể Delta tới 90%. Nghiên cứu được thực hiện trên 14.019 trường hợp nhiễm biến thể Delta trong đó có 166 người nhập viện. Với thực tế số ca mắc Covid-19 phải nhập viện và tử vong mặc dù có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, chính phủ Anh coi đây là dấu hiệu của thời điểm để học cách đương đầu với dịch bệnh này.

Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đánh giá: “Số ca mắc mới sẽ tăng. Tôi biết nhiều người sẽ cẩn trọng về việc nới lỏng các hạn chế, đây là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bất kể ngày nào chúng tôi lựa chọn để nới lỏng hạn chế đều đi kèm rủi ro, do vậy chúng ta cần có tầm nhìn rộng và cân bằng”.

Tiến sĩ Devi Sridhar - người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh chia sẻ với The New York Times (Mỹ) rằng: “Cả thế giới đang dõi theo Anh để đánh giá việc sống với Covid-19 và tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ dẫn đến điều gì. Một vài tuần tới sẽ cho kết quả liệu chúng ta có đúng hay không hoặc rơi vào làn sóng nhập viện mới”.

Cũng cần nhắc lại, mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không còn là quy định bắt buộc trong giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa tại nước này, dự kiến vào ngày 19/7 tới. Phát biểu tại cuộc họp báo tại phố Downing, Thủ tướng Johnson cho biết ông hy vọng lộ trình dỡ bỏ phong tỏa của Anh sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 12/7 sau khi Chính phủ Anh đánh giá dữ liệu mới nhất. Ông Johnson cho rằng nếu lúc này không tiếp tục thực hiện lộ trình mở cửa trở lại theo kế hoạch, thì khó có thể biết khi nào mới có thể chấm dứt lệnh phong tỏa, tuy nhiên các quy định tự cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục được áp dụng.

Thủ tướng Anh nói rằng, ông sẽ tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi đông người như “một phép lịch sự” ngay cả khi đây không còn là quy định bắt buộc. Giám đốc Y tế nước này, Giáo sư Chris Whitty, cũng đồng tình rằng ông sẽ đeo khẩu trang tại nơi đông người, trong không gian kín, hoặc khi được yêu cầu bởi cơ quan có thẩm quyền, trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 vẫn gia tăng do biến thể Delta.

Như vậy, giai đoạn cuối cùng trong lộ trình 4 bước dỡ bỏ phong tỏa của Anh đã bị lùi lại từ ngày 21/6 sang ngày 19/7 do các ca mắc Covid-19 với biến chủng Delta tăng cao tại nước này. Nếu lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 19/7 tới, các câu lạc bộ đêm và các quầy bar lần đầu tiên có thể mở cửa trở lại kể từ khi đại dịch bùng phát mà không phải áp dụng các quy định về giãn cách xã hội, bao gồm quy tắc giữ khoảng cách trên 1m. Đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng cũng sẽ không còn là quy định bắt buộc.

Sân cỏ châu Âu sôi động bất chấp dịch Covid-19.

Châu Âu hồi hộp

Tương tự như nước Anh, người dân Pháp cũng được cho là phải chuẩn bị tinh thần “chung sống lâu dài với siêu vi Corona”. Thủ tướng Pháp cho biết đang chuẩn bị những “quy tắc” sinh hoạt từ nay cho đến khi có được vaccine hữu hiệu nhất và hơn 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Thận trọng dự phòng mọi tình huống, đó chính là thông điệp của nước Pháp. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Le Monde, Thủ tướng Jean Castex phác họa một số biện pháp mà ông gọi là những quy tắc sinh hoạt an toàn để “chung sống với siêu vi Corona”.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng “vậy là chúng ta cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” khi mà EU dường như đã phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ ba. Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đều đã lên phương án nới lỏng những hạn chế được áp đặt trong suốt thời gian qua, trong đó chiến lược sống chung với dịch bệnh được coi là sự quyết định dũng cảm. Với nước Đức, kể từ khi luật “phanh khẩn cấp” được áp dụng một cách tự động và ràng buộc trên cả nước, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm hẳn. Hiện nhiều bang đã lên kế hoạch cụ thể để nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó Thủ đô Berlin đã bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 19/5.

Thực tế cho thấy hầu hết các nước châu Âu đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 với tỷ lệ nhiễm mới cũng như các ca tử vong liên quan đến Covid-19 cùng giảm mạnh. Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu mới đây cho thấy sự hứng khởi “vô bờ bến” trên các khán đài, khi mà số người đến sông đông nghìn nghịt.

“Hành vi của người dân châu Âu đang thay đổi” - các tờ báo thể thao nhận xét. Trải qua hai làn sóng lây nhiễm, tới làn sóng thứ ba hiện nay, phần lớn người dân châu Âu đã ý thức hơn được việc tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, với việc phần lớn người dân đã đăng ký lịch hẹn tiêm chủng, chẳng ai muốn bản thân bị mắc bệnh khi sắp tới lượt tiêm, điều khiến chính họ có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân. Trong khi các chuyên gia đều nhất trí rằng cách duy nhất để thoát khỏi cơn ác mộng Covid-19 là tiêm chủng càng sớm càng tốt cho nhiều người.

Hiện các nước châu Âu đang sử dụng 4 loại vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận gồm BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ tiếp tục tăng tốc tiêm chủng cho hơn 447 triệu dân nội khối và điều đó sẽ khiến châu Âu “được giải phóng”.

Một thông tin nữa cũng rất đáng chú ý đến từ tạp chí “Nature Communications”, cho rằng bệnh nhân Covid-19 có kháng thể trong máu đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh này trong ít nhất 8 tháng sau khi mắc bệnh. Những tín hiệu lạc quan khiến các nước châu Âu kỳ vọng vào khả năng có thể tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế, song song với việc cấp “thẻ thông hành chứng nhận không mắc Covid-19”.

Tuy thế thì Giáo sư, Tiến sĩ David Heymann (Khoa Dịch tễ học Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London) vẫn cảnh báo sự bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra từ biến thể virus Delta. Khi chưa đạt đủ 80% dân số được tiêm chủng để có thể miễn dịch cộng đồng thì các nguy cơ vẫn hiệu hữu. Chuyên gia dịch tễ học Markus Scholz (Đại học Leipzig, Đức) cũng cảnh báo nguy cơ tiếp theo sẽ là sự lây lan ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên do nhóm đối tượng này hầu hết chưa được tiêm chủng.

Một cửa hàng ăn uống tại Singapore.

Biến thể Delta vẫn là thách thức

Tại châu Á, nơi được cho đang là tâm điểm của dịch, thì cũng đã có một vài quốc gia lên phương án “sống chung với Covid-19”, trong số đó Singpore được coi là quốc gia tiên phong. Nước này đang có kế hoạch coi Covid-19 như một loại bệnh ít đe dọa hơn, giống như bệnh cúm và không còn gây ra tình huống làm tê liệt cuộc sống bình thường.

Trong nhiều tháng, Singapore đã thực thi các quy tắc nghiêm ngặt để giữ cho con số lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 càng gần mức 0 càng tốt. Phần lớn biên giới của nước này vẫn được đóng kín. Tới nay, con số đủ để áp tiêu chuẩn rủi ro ở mức thấp. Với gần 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Singapore chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn mà họ không còn cố gắng truy vết mọi trường hợp.

Nhóm các bộ trưởng trong Chính phủ Singapore viết trên tờ Straits Times: “Tất cả đều đang hỏi: Khi nào thì đại dịch kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào?”, bài viết nêu vấn đề và tự đưa ra câu trả lời: “Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó”.

Nhưng, dẫu thế thì con đường để trở lại cuộc sống bình thường được đánh giá là sẽ rất dài và lắm chông gai. Mặc dù một số nước giàu đang bắt đầu khép lại những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch, nhưng virus SARS-CoV-2 chết người vẫn chưa được kiểm soát ở phần lớn các nước trên thế giới.

Giáo sư Yik-Ying Teo - Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock (Singapore) nói: “Các quốc gia có những loại vaccine hiệu quả sẽ có điều kiện tốt hơn để thoát khỏi đại dịch. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp và trung bình có thể buộc phải áp dụng “thế trận” chống dịch lâu hơn, đơn giản vì họ vẫn chưa thể tiếp cận các loại vaccine an toàn, hiệu quả để tiêm cho phần lớn người dân”.

Cũng chính vì thế, Catherine Bennett - Chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học Đại học Deakin (Australia) cho rằng một nỗ lực toàn cầu là cần thiết để giúp tất cả các quốc gia tiêm chủng cho người dân của họ ở mức độ cao; đồng thời nhận định đại dịch Covid-19 đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu. Bà Bennett lưu ý, các chính phủ và giới chuyên gia y tế công cộng cần phải theo dõi Covid-19, không phải bằng cách truy vết mọi trường hợp lây nhiễm hoặc cố để tìm hiểu có bao nhiêu ca mắc trong cộng đồng mà bằng cách cập nhật liên tục các biến thể đang lưu hành. Theo bà Bennett, các thế hệ vaccine mới có thể được phát triển để ngăn chặn virus và làm chậm tốc độ đột biến của nó.

“Bất kỳ ai vẫn phủ nhận và nghĩ rằng có thể bạn không cần tiêm vaccine vì bạn có thể tự ngăn chặn virus thì giờ phải nghĩ khác đi” - bà Bennett cảnh báo.

Biến thể Delta, giờ đây có mặt tại ít nhất 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, được cho lây lan mạnh gấp 60% so với biến chủng Alpha (lần đầu tiên phát hiện ở Anh). Bản thân Alpha lây nhiễm gấp 50% lần so với chủng SARS-CoV-2 đầu tiên. “Biến chủng Delta rõ ràng lây lan mạnh hơn, mang đến thách thức lớn cho những quốc gia có nguồn cung vaccine hạn chế” - nhà dịch tễ học Zoe Hyde của Đại học Miền Tây Úc, nói.

Tại thời điểm này, tốc độ bao phủ vaccine và “hộ chiếu vaccine” được coi là điều kiện tiên quyết để có thể sống chung với Covid-19 như một dịch cúm mùa. Vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu và sản xuất nhanh nhất trong lịch sử điều chế, khi mà chỉ cần 10 tháng thay vì 10 năm như trước. Tuy nhiên, lượng vaccine hiện có đang rất ít so với tổng số gần 7 tỷ người trên trái đất. Đặc biệt, nó phổ biến ở các quốc gia giàu có nhưng lại rất hiếm ở các quốc gia nghèo. Cùng với đó, việc vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm chủng cũng không đơn giản, nhất là với những nơi hệ thống y tế yếu kém.

Còn với “hộ chiếu vaccine”, nó cũng chỉ phổ biến khi số người được tiêm chủng ít nhất cũng phải 40%. Cũng không phải nước nào cũng ủng hộ việc này cho dù nền kinh tế bị “mắc cạn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống chung với Covid-19, sự chọn lựa khó khăn