Sống đẹp

Vi Cầm 02/04/2016 11:15

Nếu dùng từ “xấu xí” để nói về người Việt, chắc chắn cộng đồng sẽ phản ứng kịch liệt. Nhưng nói rằng có một số người Việt mang thói quen xấu, những hành vi ứng xử khiếm nhã ra nơi công cộng, ra nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt nói chung, thì điều đó tiếc thay lại không sai. Và cũng thật buồn khi những thói tật xấu của một bộ phận người Việt khi đi du lịch ở nước ngoài lại vừa được “mổ xẻ” trong một hội thảo mới đây do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.

Ảnh minh họa.

Cũng không phải chúng ta ngại khi nói về những thói xấu của chính mình, bằng chứng là vấn đề đó từng không ít lần được nhắc tới trong các tọa đàm, hội thảo, thậm chí có những hội thảo còn đề cập ở tầm vĩ mô về “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Có thể không cần đến một cuộc hội thảo, không cần đến phân tích của các chuyên gia, những người Việt bình thường nhất cũng có thể chỉ ra được những thói quen không tốt lắm của những người sống xung quanh mình. Chỉ có điều đại đa số những người mắc phải các tật xấu không bao giờ thấy rằng họ có lỗi. Đó mới là vấn đề.

Tất nhiên cũng không phải ra tận nước ngoài mới có thể nhìn thấy cách hành xử kém văn minh của một bộ phận người Việt mình. Ta có thể gặp những hành vi xấu ở nhiều nơi.

Đơn cử như có những ông bố, bà mẹ chở con đi học cố tình vượt đèn đỏ; trên xe bus thanh niên rất ít khi nhường chỗ cho phụ nữ, người già; còn nữa với nhiều người thói quen xếp hàng là một cái gì đó rất xa xỉ; rồi đơn cử ở những nơi ghi biển “Cấm…” lại là những chỗ người ta cố tình vi phạm nhiều nhất, như ở chỗ “Cấm đổ rác”, “Cấm hút thuốc”, “Cấm phóng uế bừa bãi”…

Nhưng không phải ai cũng thế, mà đó chỉ là số ít trong cộng đồng. Ta vẫn bắt gặp trên đường những người không quen biết nhắc nhau về chiếc chân chống xe máy quên chưa gạt lên; người đi đường cũng nhắc nhở phụ huynh sau một ngày mệt mỏi đi xe máy chở những đứa con đang ngủ gật sau lưng mình; có những gia đình nghèo khó tình nguyện chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi; có những câu chuyện về người đi đường nhặt được ví tiền đem trả lại…

Chỉ có điều giữa cuộc sống chật vật, bộn bề, gương người tốt, việc tốt ấy chưa được nhân lên, những giá trị sống tốt đẹp cũng chưa được lan tỏa trong cộng đồng. Âu cũng bởi một phần do lỗi ở truyền thông.

Nhân đây, lại liên tưởng tới câu chuyện đi tìm Đại sứ du lịch của Bộ VHTT&DL. Hiểu nôm na, Đại sứ du lịch chính là người đại diện và quảng bá cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài. Có một thời truyền thông “sốt” xình xịch với câu hỏi sau người đẹp Lý Nhã Kỳ sẽ đến lượt ai làm Đại sứ du lịch của Việt Nam? Nhưng rồi chuyện ấy lâu dần cũng không khiến dư luận phải quan tâm quá mức nữa. Suy cho cùng, mỗi người Việt chính là một đại sứ thiện chí. Đơn cử như mỗi người Hà Nội sống thanh lịch văn minh sẽ là một đại sứ thiện chí trong mắt du khách bốn phương.

Việc thay đổi thói quen xấu của một bộ phận người Việt - khó có thể kỳ vọng vào một bộ qui tắc ứng xử dành cho khách du lịch, với cơ man nào là qui định. Nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự làm gương của người lớn ở mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, trước khi trở thành một du khách Việt mang văn hóa bản địa ra thế giới, chỉ cần mỗi người hãy là một người Việt sống đẹp, văn minh trong mỗi hành vi ứng xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống đẹp