Ngày 4/7 không chỉ là ngày quốc khánh của Hoa Kỳ mà còn là ngày mất của vị Tổng thống thứ hai John Adams và vị Tổng thống thứ ba Thomas Jefferson. Cũng trong ngày 4/7 còn có một vị Tổng thống Mỹ nữa qua đời, đó là vị Tổng thống thứ 5 James Monroe. Vị Tổng thống thứ thứ tư của Hoa Kỳ James Madison cũng suýt nữa phải qua đời vào ngày 4/7. Ông này bị ốm nặng nhưng từ chối uống thuốc. Và rốt cuộc là ông Madison đã mất vào ngày 28/6/1836.
Đối thủ là bạn
Giữa ông Thomas Jefferson và ông John Adams còn có những chuyện thú vị khác nữa. Trước khi trở thành vị Tổng thống Mỹ thứ hai, ông John Adams (1735-1826) từng là Phó Tổng thống đầu tiên ở Mỹ và đã ngồi ở vị trí này hai nhiệm kỳ liền (từ năm 1789 tới năm 1796). Trong những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tiên (vào các năm 1789, 1792 và 1796), mỗi một cử tri trong hội đồng bầu cử (Electoral College) được có hai phiếu mà trong đó phải được chia cho hai ứng cử viên từ hai bang khác nhau (khi đó ở Mỹ người ta rất ngại chuyện áp đảo của một số bang riêng rẽ, có thể lũng đoạn chính quyền liên bang). Để lá phiếu thứ hai cũng có sức nặng, người ta nghĩ ra chức vụ Phó Tổng thống. Phó Tổng thống John Adams từng cho rằng đó là một chức vụ vô nghĩa lý và vô ích, là “chức vụ ít quan trọng nhất trong số các chức vụ mà loài người nghĩ ra”. Chính vì thế, trong các kỳ bầu cử sau, khi ông Adams đã trở thành Tổng thống năm 1796, ghế Phó Tổng thống đã được dành cho ông Thomas Jefferson, đối thủ chính trị chủ yếu của ông.
Các tác giả của hệ thống trên đã không ngờ được rằng, về sau, các chính đảng ở Mỹ đã thay đổi được luật chơi và chức Phó Tổng thống đã được tạo nên với nhiều ảnh hưởng. Hệ thống cũ đã được cải tiến sau khi ở cuộc bầu cử năm 1800, hai ứng cử viên Tổng thống là ông Thomas Jefferson và ông Aaron Burr đều thu được số phiếu bằng nhau trong hội đồng bầu cử. Rốt cuộc là, sau một số lần bầu lại và tranh cãi khá nảy lửa, ông Burr đã trở thành Phó Tổng thống của ông Jefferson, còn bản Hiến pháp Hoa Kỳ dưới sức ép từ phía những người đồng chí của Tổng thống Jefferson đã phải chấp nhận tu chính (điều 12) để từ đó về sau, phải tiến hành riêng rẽ việc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống...
Trong cuộc bầu cử vào năm 1800, ông Adams đã bị phơi áo trước ông Jefferson. Trong thực tế, hai nhân vật này vừa là những đối thủ chính trị không khoan nhượng vừa là những bạn hữu giao du khá mật thiết.
Một điều thú vị là cả hai người đều có mặt trong danh sách 6 “trưởng lão” hàng đầu của nền chính trị Mỹ thời lập quốc, cùng với George Washington, Benjamin Frankleen, James Madison và Alexander Hamilton. Trước khi làm chủ Nhà Trắng, John Adams từng làm Phó Tổng thống cho Tổng thống George Washington. Ông xuất thân từ gia đình từng không chỉ một đời theo học thuyết Calvin. Chỉ khi đã trưởng thành rồi, John Adams mới chuyển sang theo thuyết nhất thể thuộc chủ nghĩa giáo hội tự do vì ông không căm ghét ý tưởng chính trong học thuyết Canvin là, trên đời này chỉ một số ít người được chọn mới được cứu vớt linh hồn cũng như ý tưởng con người ta sinh ra đã bị ràng buộc bởi một số phận đã được định sẵn... Adams cũng tham dự các nghi lễ tôn giáo một cách khá thường xuyên, nhưng không bao giờ tỏ ra hào hứng trong các công chuyện nhà thờ. Ông từng viết rằng, ông không bao giờ định trộn lẫn tôn giáo với chính trị và điều này đúng là sự thật. Adams cũng tin vào sức mạnh của trí tuệ con người như tin vào các tín điều tôn giáo và không bao giờ tỏ ra có một mảy may tính cuồng tín tôn giáo. Đối với ông, Đức Chúa trời mang tính biểu tượng của lòng nhân ái, tình anh em giữa con người nhiều hơn là một biểu tượng tôn giáo. Theo ông, muốn là một tín đồ Cơ Đốc giáo thực thụ, chỉ cần làm đúng theo lương tâm thiên phú và những gì ghi trong Kinh Thánh, chứ không cần để cho mình bị lôi cuốn bởi các phù phiếm sinh hoạt nhà thờ thường nhật...
Tương truyền, trước khi thiếp lịm đi vĩnh viễn, John Adams vẫn còn hỏi về tình hình sức khoẻ của vị Tổng thống Mỹ thứ ba là Thomas Jefferson, người bạn thâm giao, từng cùng ông tham gia ký vào Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Còn Thomas Jefferson sinh thời vốn có tiếng là “thoáng” trong tư duy. Ông công khai bày tỏ ác cảm đối với các cha đạo của mọi dòng tu, coi họ là kẻ thù đối với tự do và những nô bộc trung thành của chuyên chế. Jefferson viết rằng, Đức Chúa trong Kinh Thánh nóng nảy, độc ác, thù dai, đồng bóng và không công bằng. Ông coi đạo Thiên Chúa là sự mê tín. Không phải là người vô thần, nhưng ông cũng đã chỉ là một người theo thuyết tự nhiên thần giáo một cách hết sức chừng mực. Jefferson tin (hay nói đúng hơn, cố gắng tin) vào sự bất tử của linh hồn và cuộc sống ở thế giới bên kia cũng như tin vào việc sáng tạo thế giới bởi một đấng toàn năng thiêng liêng. Tuy nhiên, ông lại luôn luôn phủ nhận bản chất thần thánh của Jesus Christos mà chỉ coi đó là một nhà truyền giáo vĩ đại. Jefferson đánh giá các lời dạy dỗ về đạo đức của Jesus Christos là đỉnh cao của đạo đức học nhưng luôn coi đó là thành quả của trí tuệ con người chứ không phải là khải huyền của thần thánh. Ông còn đưa ra một quan điểm mạnh bạo hơn là, các nguyên tắc đạo đức tồn tại ngoài sự phụ thuộc vào tín ngưỡng hay tôn giáo và vì thế, đã kịch liệt bác bỏ ý kiến cho rằng, những người vô thần thì không hiểu được các nguyên tắc đạo đức.
Ngay từ thời trai trẻ, Jefferson đã tin tưởng một cách chắc chắn vào sự tự do của lương lâm, điều mà ông cho là quyền lợi tự nhiên của con người, được Đấng Tối cao ban cho. Chính nguyên tắc này đã được Jefferson đưa vào dự thảo “Luật Tự do Tín ngưỡng của bang Virginia” (Virginia Statute for Religious Freedom) mà ông soạn thảo năm 1779. Trên cương vị Tổng thống, Jefferson đã tiến hành một cách quyết liệt chính sách tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước, đã được ghi rõ trong Điều Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Mỹ...
Bức tranh của John Trumbull, Tuyên ngôn độc lập, mô tả ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn độc lập trình bày công việc của họ trước Quốc hội. (Thomas Jefferson đứng giữa, tay cầm bản soạn thảo).
Hiểu biết là sức mạnh
Theo cách hình dung của các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị về thang bậc của các vị Tổng thống Mỹ, Thomas Jefferson (1801-1809) thường được xếp thứ ba về sự tích cực và uy tín sau vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1789-1797) và “người giải phóng nô lệ” Abraham Lincoln (1861-1865). Jefferson sinh ra tại đồn điền Shadwel thuộc hạt Goochland, bang Virginia vào ngày 13/4/1743. Cha ông là một người rất ham học hỏi và truyền cho con trai tình yêu lớn đối với tri thức. Mặc dù bị mồ côi cha năm 14 tuổi (1757) nhưng suốt đời, Jefferson vẫn luôn gìn giữ trong lòng mình ngọn lửa đam mê trí tuệ và chính điều này đã giúp ông trở thành một trong những chính trị gia có học vấn sâu rộng nhất không chỉ trong quy mô nước Mỹ mà cả trên tầm thế giới. Ngay từ bé, Jefferson đã tỏ ra có năng khiếu khá đặc biệt về ngôn ngữ và được người thầy gần gụi là mục sư James Maury khuyến khích nghiên cứu sâu các ngôn ngữ cổ để đọc các tác phẩm cổ điển bằng chính nguyên bản. Năm 16 tuổi, Jefferson vào học ở trường William and Mary (Williamsburg) và đã sớm được làm quen với các tư tưởng chính trị của các nhà kinh điển Hy Lạp và La Mã. Cũng tại đó, vị giáo sư toán người Scotland đã truyền cho ông đam mê thu thập sự kiện và dữ liệu, niềm tin tưởng vào cách đặt vấn đề hợp lý tỉnh táo và có lẽ cả tư tưởng mỹ học Thiên chúa giáo ngoài nhà thờ. Từ năm 1762, ông nghiên cứu về luật pháp Anh và lịch sử hiến pháp tại văn phòng của vị luật gia nổi tiếng George Wythe và tói tháng 4/1767, được phép hành nghề luật sư. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ông, cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã bỏ nghề luật sư vì cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập cho nước Mỹ buộc họ phải trở thành những nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp (với thu nhập tư nhân). Những chủ đồn điền lớn ở Virginia trong nhiều thế hệ giữ các chức vụ nhà nước và nhận về mình trách nhiệm lo toan cho xã hội. Bởi vậy không có gì lạ là vào năm 1769, những trại chủ hàng xóm ở hạt Albemarle đã cử chàng trai 26 tuổi Jefferson vào đại diện cho họ ở Viện đại biểu thị xã tại Williamsburg... Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Jefferson đã trải qua nhiều cương vị khác nhau và đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của lịch sử nước Mỹ. Ông là người được chọn để soạn văn bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 với những chân lý bất hủ hữu ích cho không chỉ riêng người Mỹ: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được, trong đó có quyền được Sống, được Tự do và quyền được Mưu cầu hạnh phúc...” Năm 1786, Đạo luật Tự do Tín ngưỡng của Virginia mà Jefferson là tác giả cũng đã được thông qua, tạo nên một bước tiến mạnh mẽ cho quyền tự do tôn giáo trong lòng nước Mỹ...
Nhà khai sáng
Nhìn trên góc độ nào đó, Jefferson có tầm vóc của một nhà khai sáng như trong thời kỳ Phục hưng theo tư tưởng dân chủ. Trong môn chính trị học hiện đại, thuật ngữ nền dân chủ theo kiểu Jefferson, chủ nghĩa Cộng hòa theo kiểu Jefferson được dùng để chỉ sự liên kết giữa quyền của một số bang với sự tự quản ở địa phương, được quy định chặt chẽ bởi những điều ghi trong Hiến pháp (hạn chế quyền hành của chính phủ liên bang), khuyến khích nông nghiệp và đời sống nông thôn, chứ không phải thương mại và công nghiệp trong thành phố và trước hết là sự rất tin tưởng và khả năng trí tuệ của đại đa số cử tri (là những người bình thường). Vói Jefferson, sự tín nhiệm của đa số nhân dân là yếu tố tối cần thiết, thậm chí duy nhất để biện minh cho quyền lực của bộ máy hành chính. Không được đa số nhân dân tin tưởng, không một vị nguyên thủ quốc gia nào có thể tự nhận cho mình thực quyền.
Tuy nhiên, do hạn chế của thời đại và cả cá nhân nữa, cách hành xử cả trên chính trường lẫn trong đời tư của Jehferson ẩn chứa không ít những mâu thuẫn. Công việc xây dựng “nơi trú ẩn trọn đời” này của ông được bắt đàu từ năm 1769. Ngay cả công trình “tổ ấm suốt đời” mà ông đã tự tay thiết kế và cho xây ở Monticello từ năm 1769 cũng thể hiện rõ điều này. Ngôi nhà thanh mảnh trên quả đồi cao nhất vùng với bức tượng Voltaire ở tiền sảnh và những căn phòng dành cho các nô lệ ở tầng hầm là biểu tượng cho những căng thẳng trong cuộc sống của Jefferson và những mâu thuẫn giữa cách hình dung lý tưởng của ông về con người tự do, đơn thương độc mã hành đạo (một nhà quý tộc bẩm sinh, như ông vẫn gọi) và thực tế cuộc sống của đại đa số dân chúng, vốn bị bó buộc bởi quá nhiều những khúc mắc vật chất và xã hội. Jefferson đã cố làm giảm sự căng thẳng đó không phải bằng cách hạn chế các chủ đồn điền mà bằng cách làm giảm nhẹ khó khăn trong việc mua đất đai đối với các công dân Mỹ gốc Âu.
Jefferson bác bỏ mô hình xã hội của châu Âu thời đó với những ưu tiên, ưu đãi dành cho các vương triều, các nhà quý tộc và hệ thống giáo quyền như một thế lực lũng đoạn gây tác hại cho đại đa số nhân dân. Một mặt, với tư cách thủ lĩnh phe đối lập, ông luôn kêu gọi cảnh giác với nguy cơ của những xu thế phong kiến, quý tộc hay của xu thế Tổng thống toàn năng. Mặt khác, ông cũng sử dụng đầy đủ những quyền hạn của Tổng thống được ghi trong Hiến pháp, thí dụ như vào năm 1803, với việc mua bang Louisiana đã làm tăng gần gấp đôi diện tích Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Và năm 1807 bằng đạo luật cấm vận, ông cũng đã cắt bỏ tự do thương mại của một số bang riêng lẻ và một số cá nhân riêng lẻ nhiều hơn bất cứ một chính trị gia theo chủ nghĩa liên bang nhiệt thành nào. Năm 1785, Jefferson viết: “Những người làm ruộng chính là nhân dân, được tạo hóa lựa chọn”. Tuy nhiên, với tư cách Tổng thống, ông không hề làm gì cản trở buổi bình minh của quá trình công nghiệp hóa; chính sách cấm vận của ông thậm chí còn khuyến khích thêm quá trình này. Việc công nhận những chuẩn mực và giá trị trong các trường hợp cụ thể của Jefferson lắm khi trái ngược với những quyết định chính trị của ông. Điều này nếu nhìn từ góc độ hôm nay thì cũng không có gì là quá lạ vì mâu thuẫn mới chính là động lực của phát triển.
Chỗ dựa của ứng cử viên Jefferson trong cuộc vận động tranh cử năm 1800 là các chủ đồn điền nhỏ, những người bán hảng lẻ và những người dân lao động bình thường khác. Uy tín của ông được dâng lên cao vì đã biết dựa vào những lý tưởng Mỹ quen thuộc. Trong bài phát biểu nhậm chức, Jefferson đã hứa sẽ điều hành đất nước không hoang phí, vừa đảm bảo trật tự vừa đảm bao cho các công dân một nền tự do toàn phần để họ có thể làm mọi việc nâng cao đời sống của cá nhân mình. Theo ông, ý muốn của đại đa số phải được thể hiện trong mọi trường hợp nhưng ý muốn này cần phải ở mức hợp lý. Thiểu số cũng có thể có quyền và luật pháp cũng cần phải bảo vệ những quyền lợi chính đáng của thiểu số. Chính với quan điểm đó nên trên cương vị Tổng thống, Jefferson đã khéo léo tiến hành chính sách nhân sự để tập trung được nhiều tinh hoa nhất cho bộ máy điều hành quốc sự. Ngay cả với những viên chức không cùng đảng phái, ông cũng có nhiều phương thức khôn khéo để huy động tài năng của họ vào việc công.
Có mặt trong Nhà trắng hai nhiệm kỳ liên tiếp, Tổng thống Jefferson duy trì tác phong rất giản dị, dân chủ. Ông đối xử với các viên chức cao cấp và các đại diện giới bình dân đều với sự tôn trọng như nhau. Những viên chức trong bộ máy của Tổng thống Jefferson được dạy cho quen với ý nghĩ rằng họ chỉ là công bộc của nhân dân.
Khi Tổng thống Jefferson chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ hai trong Nhà trắng, uy tín của ông đã ở mức khá cao. Tuy nhiên, ông đã biết rời khỏi vị trí đúng lúc để không phá vỡ những ranh giới hợp lý trong nền chính trị Mỹ thời đó. Rời khỏi Nhà trắng, ông đã viết: “Không có một người tù nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn tôi khi tôi trút được gánh nặng quyền lực”.
Gian khó đời tư
Ngày 1/1/2772, Jefferson cưới một thiếu phụ đã qua một đời chồng là Martha Wayles Skelton. Bà vốn là con gái trong một gia đình luật sư, chủ đồn điền nổi tiếng trong vùng, rất xinh đẹp. Lấy chồng năm 18 tuổi, Martha trở thành góa phụ năm 20 tuổi. Jefferson đã sống cùng vợ rất hạnh phúc. Hai người có với nhau 6 mặt con trong 10 năm, cho tới khi bà Martha mất vào ngày 6/9/1782, bốn tháng sau khi sinh người con gái cuối cùng. Jefferson đã bị sốc nặng sau cái chết của vợ. Chỉ có hai người con gái của Jefferson và bà Martha sống tới tuổi trưởng thành (có thông tin rằng ông còn có một người con ngoài giá thú nữa do người nữ nô lệ da đen sinh ra).
Một đời hào sảng, nhưng Jefferson cũng không tránh khỏi nhiều nỗi buồn riêng tư khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới những công việc lớn của ông. Khi Jefferson viết Tuyên ngôn Độc lập, hai người con của ông bị chết vì bệnh tật. Thân mẫu của ông, bà Jane Randolph Jefferson, cũng đã mất trước khi ông viết Tuyên ngôn Độc lập vài tháng.
Năm 1764, Jefferson được thừa kế từ cha mình đồn điền thuốc lá ở Virginia với hơn 200 nô lệ. Hoạt động chính trị không cho phép Jefferson trực tiếp quản lý công việc ở đồn điền mà chủ yếu phải giao cho các viên quản lý và người vợ, bà Martha. Sau khi bà Martha nhận được thừa kế từ cha mình, diện tích đồn điền của Jefferson đã được tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nhận được số đất này, Jefferson đồng thời cũng phải nhận luôn cả số tiền mà ông bố vợ đã nợ nên cho tới cuối đời, ông cứ phải giật gấu vá vai trong vấn đề tài chính. Và có lẽ cũng chính vì thế nên đã không thể trả lại tự do cho tất cả các nô lệ của mình như ông hằng mong muốn (ông chỉ giải phóng được 5 người nô lệ gần gụi nhất với mình) . Hơn thế nữa, sau khi qua đời, Jefferson còn để lại món nợ chưa thanh toán hơn 100 nghìn USD, buộc những người thừa kế phải bán đấu giá nhiều đồ đạc trong khu Monticello. Con gái ông đã phải sống nhờ vào các quỹ từ thiện…
Trước khi qua đời không lâu (ngày 4/7/1826), vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã tự tay thiết kế bia mộ cho mình với những dòng chữ khiêm nhường nhưng kiêu hãnh: “Nơi đây yên nghỉ Thomas Jefferson – tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, Đạo luật Tự do Tín ngưỡng của Virginia và người sáng lập nên Trường Đại học Tổng hợp Virginia”. Còn theo lời kể của nhà báo lão thành Hữu Thọ, khi ông tới thăm phần mộ của Jefferson tại khu mộ dòng tộc ở Monticlle, ông đã nhìn thấy một tấm bia mộ khác mà hậu thế dựng lên, trên đó có dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ người tài dùng người tài”. Không rõ ở nơi chín suối, ông Jefferson sẽ cảm thấy thích thú với tấm bia mộ nào hơn?