Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân tại mặt bằng 1876, thuộc khu đô thị Bình Minh, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) không có điện sinh hoạt. Nguyên nhân là do chưa hoàn tất cơ sở hạ tầng lưới điện.
Có tiền cũng không mua được điện
Sau nhiều sự chuẩn bị, năm 2017, anh Lê Khánh Toàn quyết định xây dựng cho mình căn nhà 3 tầng khá khang trang tại số 34/02 - lô C, mặt bằng 1876, khu đô thị Bình Minh, TP Thanh Hóa. Đây là khu đất được đánh giá khá đẹp và dành cho những gia đình điều kiện kinh tế khá giả sinh sống. Tuy nhiên, ngay từ khi làm nhà, gia đình anh đã phải xin câu nhờ điện, cách hàng trăm mét, từ khu dân cư lân cận để sử dụng, do mặt bằng “hoành tráng” này vẫn chưa được đấu nối điện lưới. Nhưng khó khăn vẫn chưa hết, do có tới 5 hộ dân khác là hàng xóm chung cảnh ngộ cũng xin sử dụng điện cùng một đường dây nên chất lượng không ổn định.
“Rất bất tiện và khó khăn cho sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Do có nhiều nhà cùng sử dụng một đường dây, điện thường rất yếu, nhất là vào các giờ cao điểm mùa hè. Cơm cắm từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối chỉ trương sình lên mà không sôi, điều hòa thì không thể làm mát… Vì tiền điện được tính theo bậc thang nên thường chúng tôi phải trả tới 3.000 đồng cho một số điện thay vì 2.700 đồng như thông thường” - anh Toàn mệt mỏi nói.
Chung hoàn cảnh như anh Toàn, ông Vũ Đình Tạo sau nhiều lần đắn đo đã quyết định xây nhà tại mặt bằng 1876. Mặc dù nhà nằm cách tủ biến áp chưa đầy 20m, nhưng kể từ khi động thổ làm móng, ông Tạo đã phải tự đấu nối đường dây điện dài đến hơn 100m sang khu dân cư bên cạnh mới có điện để thợ thi công xây dựng căn nhà.
“Đáng lẽ chúng tôi mua đất xây nhà ở đây thì chính quyền phải có trách nhiệm xây dựng hạ tầng công cộng thiết yếu. Nhưng mấy năm rồi đến cả bóng đèn cao áp người dân trong khu cũng phải tự bỏ tiền nối dây điện thì mới sáng, trước đây, cứ đêm xuống là cả khu tối mù như ở nơi rừng sâu, núi thẳm” - ông Tạo nói.
Bao giờ có điện?
Được biết, tháng 7/2014, UBND TP Thanh Hóa ra quyết định về kế hoạch đấu giá các lô đất tại mặt bằng 1876. Sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, mặc dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng yêu cầu của UBND TP Thanh Hóa từ năm 2015, nhưng phải đến tháng 4/2018, khu dân cư này mới có đường bê tông, đến tháng 2/2019 mới được lắp đường nước. Riêng phần điện lưới thì còn phải chờ! Nguyên nhân chính là do vào năm 2019, sau khi UBND TP Thanh Hóa cấp đất cho trường liên cấp Newton Thanh Hóa sử dụng, đã cấp luôn phần đất được quy hoạch để đặt trạm biến áp, khiến đường điện trung thế cũng như các đầu mối vào nhà dân đã được chuẩn bị trước đó đành phải bỏ không vì không có trạm hạ thế.
Bức xúc vì không có điện để sử dụng, người dân ở khu C - mặt bằng 1876 đã kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh và TP Thanh Hóa. Trước những bất cập nêu trên, vào đầu năm 2021, UBND TP Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thực hiện điều chỉnh hạng mục cấp điện, thỏa thuận với trường liên cấp Newton để sử dụng trạm biến áp của trường cấp điện cho các hộ dân. Nhưng sau 9 tháng kể từ khi có công văn trả lời, đến nay người dân vẫn mòn mỏi chờ điện.
Về việc này, ông Nguyễn Huy Hải - Phó Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (chủ đầu tư) cho biết: Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người dân cũng như chỉ đạo của UBND TP Thanh Hóa, Ban đã thỏa thuận được với trường liên cấp Newton, lấy điện từ trạm biến áp của trường, đấu nối ra trạm biến áp của khu C. Mọi hồ sơ thủ tục đã được hoàn chỉnh và gửi lên Chi nhánh điện lực TP Thanh Hóa. Hiện nay chỉ còn chờ phía điện lực xuống nghiệm thu và ký hợp đồng sử dụng điện với bà con nữa là xong. Chậm nhất là đến cuối tháng 11/2021, người dân tại khu C sẽ có đường điện riêng để sử dụng.
Nghị định 02/2006 và Nghị định 11/2013 của Chính phủ quy định khi Nhà nước tổ chức bán đấu giá đất cho hộ gia đình, cá nhân tại các dự án khu đô thị mới thì phải đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật... Theo đó, việc chủ đầu tư dự án tại mặt bằng 1876 là UBND TP Thanh Hóa đã không hoàn thiện hạ tầng trước khi người dân vào ở là thiếu trách nhiệm đối với dân.