Diễn xướng ca trù vốn được xem là thể loại âm nhạc bác học với những ca từ sâu sắc. Ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, ca trù “lọt thỏm” giữa các loại hình âm nhạc đương đại. Làm sao để ca trù “sống” khỏe ở thời này?
Trong kho tàng văn hóa xứ Nghệ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian như: Vè, hò, ví, dặm, diễn tích trò Kiều, hát tuồng, hát ru, ngâm Kiều, sắc bùa… Riêng ca trù có một vị trí rất đặc biệt. Tương truyền, “đất tổ” của ca trù là ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân).
Chuyện kể rằng, xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với tiếng hát cây đàn. Có lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy, khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Với cây đàn, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát làm say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là ca trù.
Có lần, chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa). Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi đã tròn đôi muơi mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát và khi dứt tiếng đàn, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi là ca trù. Về sau cả hai đều không bệnh về trời. Dân Cổ Đạm lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù.
Vào thế kỷ XVII, ca trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các địa phương khác trên cả nước có ca trù, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo về ca trù và cũng bắt đầu từ đây ca trù Cổ Đạm được khôi phục và bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Ngày 1/10/2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm tiếp theo được nhiều ban, ngành, địa phương quan tâm khôi phục, ca trù dần có được hơi thở và sức sống mới. Dẫu vậy, trong vòng xoáy của sự nghiệp công nghiệp hóa, chuyển đổi số và sự phát triển đa dạng của các loại hình âm nhạc, ca trù vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong hành trình thoát ra khỏi bảo vệ khẩn cấp.
Chiều thứ 7 một ngày cuối đông, gió lạnh ùa về đem theo tiếng hát lảnh lót của các ca nương và tiếng kép đàn, trống chầu âm vang trầm ấm của Câu lạc bộ (CLB) ca trù Nguyễn Công Trứ. Giữa không gian tĩnh mịch của Khu di tích Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân), tiếng hát cất lên như mời gọi du khách:
“Nghi Xuân nhân kiệt địa linh
Danh lam thắng cảnh hữu tình non sông
Ca trù lời ngọc Tướng Công
Trang Kiều Cụ Nguyễn soi lòng thế gian…”
(Trích tác phẩm mới“Địa linh nhân kiệt” của tác giả Nguyễn Long Thiên)
Ở Nghi Xuân đang song song tồn tại 2 CLB ca trù: Nguyễn Công Trứ và Cổ Đạm, với số lượng thành viên dao động từ 30-50 người. Mỗi khi cất lên tiếng phách, tiếng đàn, các ca nương, kép đàn ở đây như đắm mình vào một thế giới chỉ có âm nhạc. Cứ ngỡ những cặp ca nương, kép đàn kia không vướng bận với nỗi lo cơm áo gạo tiền… Nhưng thực tế lại rất phũ phàng: “Nghề không nuôi nổi nghề”.
Nghệ nhân Ưu tú, ca nương Dương Thị Xanh đã phải thốt lên như thế khi chị trót yêu ca trù từ thuở ấu thơ, gắn bó với 2 CLB ca trù ở Nghi Xuân hàng chục năm nhưng phải “tha phương cầu thực” nơi xứ người suốt 3 năm để “nuôi” đam mê. “Tôi đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan 3 năm, từ 2016 đến 2019. Thời điểm đó, cả 2 vợ chồng đều là hạt nhân nòng cốt ở các CLB nhưng kinh tế gia đình không gánh được cho hoạt động văn hóa, văn nghệ nên tôi buộc phải đi nước ngoài để kiếm kế sinh nhai”, Nghệ nhân Ưu tú Dương Thị Xanh bày tỏ.
Kép đàn Trần Văn Đài - Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm chia sẻ: Vì lòng đam mê và mong muốn giữ lại nét văn hóa quý giá của quê mình, mấy năm nay vợ chồng chúng tôi (vợ là ca nương Dương Thị Xanh) đã nhận nhiệm vụ cùng các cơ quan, địa phương khôi phục lại ca trù. Hai CLB quy định lịch sinh hoạt 2 buổi/tuần tuần nhưng vào mùa hè hoặc khi có hội thi, 2 CLB đông đúc, náo nhiệt hơn. Hai vợ chồng tôi yêu ca trù từ nhỏ, hễ ai gọi là vợ chồng đóng cửa đi. Chúng tôi yêu ca trù đến mức, vợ chồng tự bỏ tiền ra Hà Nội học ca trù để nuôi dưỡng đam mê. “Với nghiệp ca trù, nếu không yêu, không đam mê thì bỏ lâu rồi”, kép đàn Trần Văn Đài nói.
Về cái nôi của ca trù ở xã Cổ Đạm, chúng tôi cố tìm nghệ nhân thuộc thế hệ đời trước, với mong muốn được nghe những “báu vật sống” ngân lên những lời ca cổ một thời làm đắm say những bậc quý nhân quân tử nhưng… không còn một ai. Ở làng Cổ Đạm giờ chỉ có vợ chồng nghệ nhân Trần Văn Đài, Dương Thị Xanh thuộc lớp thế hệ thứ 2. Điều lấy làm day dứt là dường như loại hình nghệ thuật này vẫn chiếm giữ một cõi thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Cổ Đạm, song có những lý do bất khả kháng mà ca trù dần phai nhạt ngay tại chính quê hương của nó.
Ca trù Cổ Đạm được giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa đánh giá là có nét riêng về bản sắc với những ca từ, âm vần, nhạc điệu, được thẩm thấu, sàng lọc và cô đọng qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cho đến nay, ca trù Cổ Đạm vẫn còn nguyên những giá trị nhất định về lịch sử, văn hóa và xã hội...
“Dù ca trù có giá trị đặc sắc, được UNESSCO công nhận và yêu cầu bảo vệ khẩn cấp nhưng có một thực tế đáng ngại là hơn 15 năm trôi qua, ca trù vẫn đang bị đe dọa. Với các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay, sự giao lưu các nền văn hoá, sự phát triển truyền thông đại chúng, sự thay đổi nếp sống, lối sống, sự tấn công vào truyền thống dân gian của các hình thức âm nhạc, vui chơi giải trí... đang khiến cho vị trí của ca trù bị lung lay trong lòng dân chúng”, ông Nguyễn Long Thiên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Nghi Xuân nhấn mạnh.
Chủ nhiệm CLB ca trù Nguyễn Công Trứ Lê Xuân Hải cũng bày tỏ, ca trù vốn kén người nghe, không gian diễn xướng thính phòng ở các triều đại đã mất đi, chế độ cho nghệ nhân, CLB không đảm bảo, việc sáng tác ca khúc mới hạn chế… Thế hệ học sinh biết hát trù do 2 CLB trên địa bàn huyện Nghi Xuân đào tạo lên đến con số hàng trăm người nhưng khi học hết lớp 12 đều rời xa quê hương để kiếm kế sinh nhai. 15 năm qua chỉ duy nhất ca nương Phan Thị Sâm ở lại do lấy chồng ở trong làng. Tất cả những yếu tố này khiến ca trù khó “sống” ở thời đại ngày nay.
Theo anh Lê Xuân Hải, bài lời cổ của ca trù thì rất hay nhưng hạn chế người nghe vì lời cổ các cụ thời xưa dùng ngôn ngữ Hán, Nôm nên khán giả hầu như nghe nhưng không hiểu được nội dung. Rất may, ở huyện Nghi Xuân có tác giả Nguyễn Long Thiên mới sáng tác được khoảng 20 tác phẩm ca trù lời mới, gần gũi với đời sống đương đại nên được khán giả đón nhận và đánh giá cao. “Những tác phẩm của anh Nguyễn Long Thiên đã thổi một luồng gió mới cho loại hình âm nhạc ca trù ở Nghi Xuân. Song, chế độ chính sách của tỉnh và huyện đối với ca trù vừa ít, vừa có tuổi thọ ngắn nên nghệ nhân, người yêu ca trù không mặn mà với nghề này”, anh Lê Xuân Hải chia sẻ.
Những người làm công tác văn hóa ở Hà Tĩnh luôn đau đáu nỗi niềm là làm “sống” dậy loại hình nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại. Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Nghi Xuân Nguyễn Long Tiên, để bảo tồn và phát huy ca trù, cần có sự đầu tư xác đáng.
“Cần thành lập Ban bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Ca Trù. Xây dựng các chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, hạt nhận có nhiều thành tích xuất sắc. Có chính sách hỗ trợ cho những tác giả viết lời mới có chất lượng tốt và đạt giải cao trong các cuộc hội thi, hội diễn cấp tỉnh, Trung ương. Tổ chức quảng bá về ca trù bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, khai thác giá trị ca trù một cách bền vững, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Long Thiên kiến nghị.
Thiết nghĩ, việc đưa ca trù thoát ra khỏi sự bảo vệ khẩn cấp cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, 15 tỉnh, thành trên cả nước có ca trù cần kết nối với nhau dưới sự chủ trì của cơ quan cấp bộ, xây dựng một chương trình hành động quyết tâm đưa ca trù thoát khỏi sự bảo vệ khẩn cấp thì loại hình di sản phi vật thể này mới có “cửa” để “sống”.