Sự cố môi trường từ dự án hơn 10,5 tỷ USD của Formosa gây ra khiến tỉnh Hà Tĩnh “dè chừng” khi TIC đề nghị được tái khởi động lại Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Việc chính quyền tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu khắc phục tồn đọng trước rồi mới khởi động lại Dự án nhận được sự đồng thuận của người dân.
Sau khi bóc tầng đất phủ, Dự án đã “đắp chiếu” suốt 6 năm để chờ hoàn thiện do còn nhiều bất cập.
Yêu cầu khắc phục tồn đọng
Cuối tháng 12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có thông cáo kết luận về Dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Theo đó, Dự án mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD.
Mặc dù Chính phủ, bộ ngành Trung ương, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng từ sau khi khởi công (tháng 9/2009) Dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết. Yêu cầu khắc phục tồn đọng trước rồi mới cho khởi động lại.
Văn bản cũng nêu rõ, đây là dự án lớn, phải có thời gian khai thác lâu dài, chủ đầu tư lại yếu kém, không huy động được nguồn vốn. Đó là chưa nói đến, vị trí khai thác mỏ sát biển.
Các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường (giảm mức sa mạc hóa, hang caster, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lí nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa triển khai phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động của địa phương…
Trước những tồn tại, yếu kém trên, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển gây nhiều thiệt hại cho tỉnh và người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương một khi chủ đầu tư TIC chưa đáp ứng, giải quyết được các tồn tại đã nêu thì chưa cho khởi động lại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Người dân đồng thuận
Theo ông Dương Tất Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, Dự án mỏ sắt Thạch Khê là dự án lớn, mang tầm quốc gia, đây là dự án khá phức tạp và có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, môi trường môi sinh của Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung.
Tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan về việc yêu cầu rà soát lại tổng thể Dự án về quy trình, quy mô, vốn, mức độ ảnh hưởng, môi sinh, môi trường…
“Nhất là thời điểm này, sau sự cố môi trường Formosa, dư luận rất băn khoăn, lo lắng đối với các dự án lớn. Không chỉ đối với Thạch Khê mà cả đối với các dự án lớn, có quy mô khác. Chúng tôi nghĩ rằng, để phát triển bền vững cần có sự đánh giá, rà soát đầy đủ của các cơ quan chuyên môn dưới dự chỉ đạo của Chính phủ, bộ ban ngành Trung ương, địa phương để việc tái khởi động hay khởi động đảm bảo được đầy đủ các yếu tố, các bước phát triển bền vững nhất và để người dân an tâm, đồng thuận”- ông Thắng nói.
Sự thận trọng, nhất quán của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với Dự án mỏ sắt Thạch Khê nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.
Tại diễn đàn Hội thảo khoa học “Giải pháp khôi phục du lịch Hà Tĩnh” vừa được tổ chức tại xã Thạch Hải (Thạch Hà)- vùng ảnh hưởng của dự án, TS Đặng Duy Báu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: “Sau sự cố môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư Dự án mỏ sắt Thạch Khê rà soát, khắc phục lại tồn đọng của dự án rồi mới tái khởi động, tôi rất đồng tình với quyết định này của tỉnh. Phát triển kinh tế là điều quan trọng nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng, đảm bảo được môi trường thì mới phát triển bền vững được”.
Cũng tại diễn đàn này, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Ngô Đức Huy cũng cho rằng: “Chúng ta nên suy nghĩ lại, nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay là để vùng này phát triển du lịch và dịch vụ. Bởi mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn nhưng khả năng chỉ khai thác được 300-350 triệu tấn. Ngoài ra, để thực hiện Dự án phải lấn biển, trong khi hệ lụy của Dự án đối với người dân là đã rất lớn”.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh) có tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đọan II: 7.739,8 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư: vốn góp của các cổ đông 30%; vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 70%. Giai đoạn I: 5 triệu tấn/năm, kéo dài trong 7 năm (không kể 4 năm đã thực hiện và 3 năm xây dựng cơ bản tiếp theo); giai đoạn II: 10 triệu tấn/năm, kéo dài trong 29 năm, từ năm thứ 8 đến năm thứ 36; sau đó, giảm xuống dưới 10 triệu tấn/năm từ năm thứ 37 đến năm kết thúc. Tuổi thọ mỏ 52 năm. |