Tuần qua, hình ảnh của 2 cháu Trúc Nhi và Diệu Nhi được phẫu thuật tách đôi thành công có lẽ là những hình ảnh nhiều cảm xúc nhất. Và có lẽ cũng không câu nói nào xúc động hơn lời chia sẻ của bác sĩ Trương Quang Định: “Các bác sĩ sẽ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với nguyên vẹn hình hài”…
Vâng, các bác sĩ – những người thầy thuốc ưu tú của Việt Nam không chỉ khai sinh ra Trúc Nhi và Diệu một lần nữa mà đang tiếp tục viết nên những kỳ tích cho y học Việt Nam…
Những hình ảnh còn đọng lại
Có lẽ đây là một trong những ca phẫu thuật huy động lực lượng nhân viên y tế khủng nhất với gần 100 y bác sĩ tham gia. Bác sĩ Trương Quang Định từng là Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, trực tiếp phẫu thuật cho hai bé Phi Long, Phi Phụng bị dính liền ngực bụng vào 6 năm trước. Nay với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, trực tiếp chỉ huy ca mổ tách rời cho hai bé Diệu Nhi và Trúc Nhi chia sẻ rằng, để đi đến quyết định mổ tách rời cho hai bé, số lần các y bác sĩ hội chẩn không đếm nổi trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Hôm ấy, ngày 15/7, hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội và truyền thông là hai thiên thần nhỏ xíu, đôi mắt tròn xoe và cái miệng xinh như hoa. Hàng ngàn lời chúc, hàng triệu lượt like và chia sẻ. Ai cũng mong muốn điều kỳ diệu và tốt đẹp đến với hai con, để các cháu sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Chào đời với cân nặng chỉ vỏn vẹn 3,2 kg, bé bỏng và yếu ớt, Trúc Nhi - Diệu Nhi được biết đến là cặp song sinh đặc biệt khi bị dính liền nhau vùng bụng chậu, dùng chung 1 dây rốn. Hai bé là con của một sản phụ 25 tuổi, mang thai lần đầu ngụ tại quận 9, TPHCM. Sau khi được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương thực hiện mổ sinh an toàn thì các bác sĩ tại BV Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận để theo dõi, điều trị theo một chế độ chăm sóc đặc biệt.
Khi được 6 tháng, hai bé đã biết ngồi dậy, bò và học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển. Những lần ngắm các con chơi, các con bò vô cùng khó khăn, người mẹ trẻ đã khóc rất nhiều. Gia đình cùng các chuyên gia vật lý trị liệu, các y bác sĩ phối hợp từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt thường ngày như thay tã chung, mớm sữa qua lại, hay vệ sinh đặc biệt phần thân dính liền...Vì hai chị em đều hiếu động, tinh nghịch và không thể cùng nhau ngồi dậy cùng lúc nên trong những lần cùng nhau di chuyển không ăn ý, 2 chị em đã vô tình làm tổn thương nhau...
Sau 13 tháng, hai bé nặng 15kg, đủ sức khỏe để bước vào ca phẫu thuật. Theo phân tích của các bác sĩ thì đây là trường hợp song sinh hiếm gặp, chỉ chiếm 6% trong số các ca song sinh dính nhau trên thế giới. 6h30 các bác sĩ bắt đầu gây mê. Và đến 19h20, thì ca mổ kết thúc thành công trong niềm vui như vỡ òa của các ý bác sĩ, người thân và hàng triệu người đang theo dõi ca mổ trên các phương tiện truyền thông…
Y học Việt Nam tiếp tục viết nên những điều kỳ diệu…
GS.BS Trần Đông A- kỹ thuật viên mổ chính cặp song sinh dính liền Việt - Đức 32 năm trước cũng có mặt hôm đấy với vai trò cố vấn trong ca mổ của hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi. 80 tuổi, chứng kiến những thành tựu phát triển vượt bậc của y học Việt Nam trong những năm qua, GS.BS Trần Đông A đã gọi ca mổ tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi ngày 15/7/2020 là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam. Và ông vô cùng hạnh phúc khi người trực tiếp phẫu thuật hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi lại chính là một học trò ưu tú của mình.
Nhiều người còn nhớ, năm 1981, hai bé trai Nguyễn Việt và Nguyễn Đức ở Kon Tum bị ảnh hưởng chất độc da cam, khi ra đời bị dính theo kiểu “Ischiopagus Tripus”, chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt. Sau khi được đưa ra Bệnh viện Việt Đức điều trị, đến đầu tháng 12/1982, cả hai được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ.
Năm 1983, GS Fujimoto Bunro người Nhật đến thăm Việt - Đức. Về Nhật, ông phát động phong trào quyên góp và thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt - Đức). Nhiều cuộc quyên góp cho hai cháu được thực hiện. Có người viết, có lẽ một nửa dân chúng Nhật biết về cặp song sinh Việt - Đức.
Năm lên 6 tuổi, Việt gặp hội chứng não cấp rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào. Hai em đã được Hội chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị nhưng không thành công. Ngày 29/10/1986 hai em trở về Việt Nam. Việt đã khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ăn thường xuyên bị sặc, ngưng thở, nhiều lần cấp cứu trong đêm…
Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, Bệnh viện Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau. Gần 1 năm chuẩn bị với vô số cuộc hội chẩn, ngày 4/10/1988, Việt và Đức đã được êkíp mổ với sự tham gia của 70 y bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác do GS.BS Trần Đông A làm trưởng kíp phẫu thuật. Ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi và đi vào lịch sử y học Việt Nam và thế giới. Sau mổ, Việt sống được thêm 19 năm. Còn anh Nguyễn Đức đã được nhận vào Bệnh viện Từ Dũ làm nhân viên hành chính và lấy vợ sinh hai người con khỏe mạnh.
32 năm kể từ ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức, thêm 10 cặp đôi dính nhau đã được phẫu thuật thành công. Có thể kể ra đây như ca mổ tách Thu Cúc -Thúy An, quê Thanh Hóa, diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1/2003. Hay như anh em Cu và Cò chào đời ngày 2/12/2008 tại Nghệ An, dính nhau phần bụng còn các bộ phận khác thì khá nguyên vẹn. Ca phẫu thuật tách dính cho hai bé được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 17/12/2008, khi cả hai được 15 ngày tuổi. Rồi năm 2010, hai bé trai 16 ngày tuổi, quê Bến Tre, bị dính liền gan và xương ức, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công…
Thông thường, các ca phẫu thuật tách trẻ song sinh dính nhau không được thực hiện ngay sau khi sinh, trừ khi có vấn đề bất thường đe dọa trực tiếp tính mạng của một trong hai đứa trẻ. Đa số trường hợp, giới chuyên môn sẽ chờ trẻ cứng cáp hơn để việc thực hiện phẫu thuật thuận lợi. Độ khó khăn và phức tạp của những ca phẫu thuật tách rời hai trẻ sinh đôi dính liền nhau sẽ tùy thuộc vào vị trí bị dính và những bộ phận nội tạng được chia sẻ giữa hai bé.
Trở lại trường hợp của ca mổ của “song Nhi”, có thể nói đây là ca phẫu thuật tách dính song sinh phức tạp bậc nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.Từ sự thành công của ca mổ hy hữu này đã cho thấy y học Việt Nam có rất nhiều các bác sĩ giỏi, họ đã làm nên những thành tựu y học đáng ngạc nhiên, viết nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử y học thế giới.
Những con số biết nói
- Ca phẫu thuật “song Nhi” kéo dài khoảng 12 giờ.
- Mỗi bé mất khoảng 250-500ml máu.
- Bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
- 100 y, bác sĩ và nhân viên y tế được huy động cho ca phẫu thuật.