Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây đã đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí các-bon (CO2) của rừng. Những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trước mắt, việc thí điểm sẽ được thực hiện ở 4 tỉnh (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) với hai hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệt điện than và xi măng. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng phát thải CO2 do tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam năm 2016 là 187,1 triệu tấn, trong đó các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam (chủ yếu là nhiệt điện than) đóng góp 73,9 triệu tấn (40%), nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp 62,4 triệu tấn (33%), ngành giao thông đóng góp 35,7 triệu tấn (chỉ 19%) và các ngành khác đóng góp 15,1 triệu tấn (8%).
Nhìn vào những con số nói trên, có thể thấy, thủ phạm gây nên ô nhiễm môi trường nặng nhất hiện nay chính là các nhà máy nhiệt điện than cùng với các hoạt động trong công nghiệp và xây dựng. Đây là hai ngành chiếm đến 73% lượng phát thải CO2 tại Việt Nam. Một kết quả nghiên cứu, khảo sát của ngành chức năng cũng chỉ rõ: Các nhà máy nhiệt điện của ba tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam đều là cơ sở phát thải lớn, phát thải từ 1,5 - 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm. Tương tự, tất cả các nhà máy xi măng, phát thải từ 0,7 - 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm.
Giới chuyên gia ước tính, khi thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với các đơn vị phát thải khí CO2 tại 4 tỉnh triển khai thí điểm, mỗi năm sẽ thu về 172 tỷ đồng. Với khoản thu này, 4 tỉnh triển khai thí điểm có thể chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng, phục vụ công tác bảo vệ rừng, giảm áp lực ngân sách.
Số liệu thống kê cho biết, toàn quốc hiện có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt hơn 12.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Việc thu phí phát thải CO2 đối với những đơn vị thải nhiều loại khí này ra môi trường hàng năm sẽ nhận được sự đồng thuận của cả DN và người dân, nếu khoản phí này được chi vào đúng mục đích của nó, tức là để cải thiện môi trường và hạn chế những hành vi gây tổn hại đến môi trường. Riêng đối với việc phát triển và bảo vệ rừng, câu hỏi đặt ra là: Nguồn kinh phí này đã đóng góp ra sao cho ngành lâm nghiệp, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của những người làm nghề rừng?
Trên thực tế, trong Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành không có điều khoản nào quy định tiền thuế, phí bảo vệ môi trường thu được phải sử dụng để đầu tư cho bảo vệ môi trường. Chính bởi vậy, nếu đưa ra quy định thu phí đối với các DN phát thải khí CO2 ra môi trường, liệu có ai đảm bảo chắc chắn rằng, nguồn phí thu được sẽ đầu tư đúng nơi đúng chỗ, đảm bảo phát triển tài nguyên rừng bền vững? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nêu quan điểm: Tiền thuế bảo vệ môi trường phải đưa vào ngân sách và chi lại cho bảo vệ môi trường, người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác. Sở dĩ người đứng đầu Quốc hội phải “khuyến cáo” như vậy là bởi, lâu nay, các nguồn quỹ, phí liên quan đến bảo vệ môi trường chưa được chi trả đúng chỗ, đúng mục đích. Tiếng là bảo vệ môi trường song không ít nguồn quỹ đã được phục vụ một nhóm lợi ích với những mục đích hoàn toàn không phải để dành cho cải thiện môi trường. Nguồn cơn của thực trạng này cũng một phần là do Luật Thuế bảo vệ môi trường vẫn còn những kẽ hở khi chưa đưa ra điều khoản quy định tiền thuế, phí bảo vệ môi trường phải sử dụng cho lĩnh vực môi trường.
Tại hội thảo liên quan đến câu chuyện thu phí phát thải khí CO2 do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, hầu hết các DN đều đồng thuận với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí CO2 của rừng, coi đây là một biện pháp giảm phát thải cùng với việc cải tiến công nghệ sản xuất và các biện pháp tại chỗ. Tuy nhiên, các DN đều đưa ra ý kiến rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nếu phải nộp thêm khoản phí này, sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất. Và tất nhiên, việc tăng thêm chi phí sản xuất sẽ đưa vào giá thành, cuối cùng tất cả sẽ dồn vào người dân. Đơn cử, nếu các nhà máy nhiệt điện than bị thu phí, tất yếu chi phí phát sinh sẽ dồn vào giá thành sản xuất và việc giá điện tăng cao là khó tránh. Như vậy, liệu người trồng rừng có được hường lợi gì từ việc thu phí này hay lại phải gánh thêm những khoản phát sinh mới do giá điện tăng cao?
Quay trở lại với con số 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng mà cả nước đang có hiện nay, trong dư luận không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn, do những quy định pháp lý của Quỹ này chưa rõ ràng nên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương vận dụng khác nhau, nhiều khoản sử dụng chưa đúng mục đích, mà cuối cùng các hộ dân trồng rừng chính là đối tượng chịu thiệt. Do đó, việc thu phí sẽ nhận được sự đồng thuận nếu nhà quản lý có sự giám sát chặt chẽ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng kịp thời, đầy đủ đến các chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng.