Ngày 18/3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, trong những tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 6 vụ án/70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án/45 bị can; xét xử sơ thẩm 4 vụ án/15 bị cáo; xét xử phúc thẩm 1 vụ án/1 bị cáo; đồng thời mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án. Trong đó, đáng chú ý là việc các cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam;
Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết sẽ khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án. Đó là vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP HCM, Bộ Công thương và một số đơn vị có liên quan. Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Vụ án “buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan. Vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, kết quả của cuộc chiến với tham nhũng thời gian qua nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các tầng lớp nhân dân cả trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan. Đồng thời, kết quả này có được là do đoàn kết, thống nhất rất cao trong Đảng, trong dân và đặc biệt trong Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; càng khó càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa. Khẩn trương tháo gỡ những khó khăn và tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ, đã chín. Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để, chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng các cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ của mình phải làm quyết liệt hơn nữa, dù không có trong kế hoạch nhưng nếu tự phát hiện ra vẫn phải làm, trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, ở giai đoạn mới này, sâu hơn, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. “Lợi ích kinh tế gắn liền với quyền lợi chính trị, với chức tước, với sự hư hỏng về đạo đức. Tôi cho cái này mới là cơ bản” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, tham nhũng đi liền với suy thoái đạo đức, lối sống. Đó là những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đục khoét, tước đoạt tài sản của đất nước, của nhân dân. Xa rời lý tưởng cộng sản của người cách mạng, xa rời nhân nhân, họ đã không còn là công bộc của dân mà trở thành giặc nội xâm của đất nước. Không tu dưỡng đạo đức, không chịu sống lương thiện, kiêu ngạo, tự tung tự tác, gây bè kéo cánh những tưởng một tay che được Mặt trời theo lối “mục hạ vô nhân”… từ đó dẫn tới trượt dài trên con đường hư hỏng. Thật đáng buồn và cũng rất đáng lo ngại rằng, nhiều người lúc bình thường được coi là chan hòa, là tận hiến nhưng khi có chức có quyền thì lại trở thành người xấu. Vì sao?
Sự sa ngã, hư hỏng của bất cứ ai đều bắt đầu từ một vài hành vi nhỏ, tưởng như vô hại. Nhưng không được nhắc nhở, không chịu nghe nhắc nhở sẽ nhanh chóng dẫn tới những sai lầm lớn, kể cả tự biến mình thành tội phạm. Lúc đó dẫu có hối hận, có rớt nước mắt xin lỗi tổ chức, xin lỗi gia đình, xin lỗi nhân dân thì phỏng có ích gì.
Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Ai không nhận thức được điều đó thì không xứng đáng là con người, càng không được phép “vỗ ngực xưng danh” ông nọ, bà kia.
Cũng về điều này, nhân dịp kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sắp tới (ngày 26/3), lại nhớ đến câu nói của chàng thanh niên Xô-viết Paven Corsagin trong cuốn Thép đã tôi thế đấy của N.Ostrovski:”Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.