Tình trạng sạt lở núi Cát Dương thuộc thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng chục hộ dân sinh sống trong khu vực này vô cùng lo lắng, bất an.
Nỗi lo núi đè
Theo phản ánh của người dân thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại thì nhiều năm trở lại đây, tại khu vực núi Cát Dương đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, trong các cơn bão số 6, 7, 8 vừa qua, do mưa lớn kéo dài, đất núi ngậm nước đã sạt trôi xuống gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân sống xung quanh.
Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực bị sạt lở tại núi Cát Dương nằm dọc đường tỉnh lộ 508, đoạn K5+220 trái tuyến hướng đi huyện Nga Sơn, cách mép đường khoảng 15-20 m. Theo ước tính của chúng tôi, chiều dài đoạn có nguy cơ sạt dài khoảng 40-50 m, chiều cao khoảng 10-15 mét so với mặt đường, vách núi tạo dốc đứng khoảng 80-85 độ so với mặt bằng, cách nhà dân 1-5 mét. Từ phía đỉnh núi Cát Dương, những khối đá lớn lăn xuống sát cạnh móng nhà người dân, tạo thành những vết trượt khổng lồ.
Từ các vết sạt này, đá văng vào mái tôn một số nhà dân gây hư hỏng nặng. Đất, đá trên núi Cát Dương sạt lở nhiều lần nên đã làm ảnh hưởng một phần các công trình phụ của hộ dân, gây nguy hiểm, mất an toàn cho các hộ dân sống dưới chân núi.
Ông Ngô Tiến Nguyên, người dân thôn Đại Thắng lo lắng: Trong khoảng thời gian từ 2007 – 2017, gia đình tôi đã 3 lần bị đất, đá từ núi Cát Dương sạt đè vào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Thậm chí có lần đất đá tràn xuống, đè sập cả nhà. Quá lo lắng, ông Nguyên đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền phải có phương án xử lý sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có hướng xử lý, di dời khối lượng lớn đất, đá trên.
“Chúng tôi thường xuyên phải đưa cả gia đình đi lánh nạn. Sợ nhất là đang đêm, núi bất ngờ sập xuống thì có trời mới biết điều gì sẽ xảy ra!”- ông Nguyên lo lắng nói.
Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Chính – trú tại thôn Đại Thắng, xã Lĩnh Toại thấp thỏm: “Chúng tôi như trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đặc biệt, mỗi khi mùa mưa về, các thành viên trong nhà luôn trong tâm thế phải chạy nếu có dấu hiệu núi lở.
Sẽ có phương án xử lý cụ thể?
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Hiện tại, núi Cát Dương vẫn đang tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Khu vực bị sạt nặng nhất là từ phía sau nhà bà Trần Thị Mơ đến hộ gia đình ông Thiều Văn Duy (thôn Đại Thắng) đã sạt lở đất núi với khối lượng khoảng trên 200 m3.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống trong khu vực núi Cát Dương, ngày 7/9/2020 UBND xã Lĩnh Toại đã báo cáo tình hình lên UBND huyện Hà Trung. UBND xã Lĩnh Toại cũng đề nghị UBND huyện Hà Trung, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cử đoàn công tác về kiểm tra và có hướng xử lý để đảm bảo tính mạng, tài sản các hộ dân đang sinh sống quanh khu vực chân núi Cát Dương.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Mai Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết: Tình trạng núi Cát Dương sạt lở, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa tính mạng của người dân là rất nghiêm trọng. Cứ mỗi lần mưa lớn chính quyền xã lại phải cắt cử cán bộ xuống thôn Đại Thắng để cùng người dân di chuyển người, đồ đạc đến nơi tránh trú an toàn. “UBND xã cũng đã lên phương án di dời các hộ dân khi có sự cố xảy ra, nhưng để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân sống xung quanh núi Cát Dương về lâu dài, cấp trên sớm có phướng án xử lý lượng khối đất, đá đang bị sạt lở”- ông Nam bày tỏ.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết. “Thực trạng núi Cát Dương thuộc thôn Đại Thắng bị sạt lở, đè sập, gây hư hỏng nhà cửa, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân chúng tôi đã nghe xã báo cáo và sẽ thành lập đoàn kiểm tra cụ thể. Sau khi đi kiểm tra thực tế, huyện sẽ có phương án xử lý ”.
Song, thực tế người dân phản ánh, mặc dù họ đã nhiều lần làm đơn, xin di chuyển những khối đất, đá trong phạm vi bị sạt lở đang treo lơ lửng trên đầu đến vị trí khác, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhưng đến nay chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Hà Trung vẫn chưa giải quyết.