Sống trong “chảo lửa”

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: Discovery New) . 27/06/2017 07:30

Thật khó tưởng tượng có nơi trên trái đất nắng tới 70 độ C nhưng vẫn có người sinh sống. Mùa hè nắng nóng gay gắt, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số địa chỉ thuộc loại nóng nhất hành tinh.

Những thành phố của Arab Saudi được coi là cực nóng khi nhiệt độ mùa hè thường trên 40 độ C


Thị trấn Dallol ở Afar Depression, Ethiopia, giữ kỷ lục về nơi có nhiệt độ trung bình năm cao nhất. Từ năm 1960 đến 1966, nhiệt độ trung bình năm của Dallol là 38 độ C. Như vậy, bù trừ cho những ngày lạnh, thì ngày nóng nhất có thể lên tới trên 50 độ C. Người dân thị trấn cho biết, những ngày nắng nóng kéo dài, khi ra ngoài đường họ phải... trùm chăn để hạn chế nhiệt độ bên ngoài tác động.

Người dân vùng Danakil (Ethiopia) trong những túp lều giữa nắng nóng.

-Mùa đông khi ngủ chúng tôi phải trùm chăn. Ấy vậy mà mùa hè khi ra đường cũng lại phải trùm chăn. Cuộc sống thật là nghiệt ngã- một người dân thị trấn nói.

Nhưng khi được hỏi vì sao không chuyển tới nơi khác sinh sống thị đại đa số người dân cho biết, họ không thể đi được vì không đủ tiền. Vả lại, lập nghiệp ở nơi đất mới cũng không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Người ta còn gọi Dallol là “thị trấn ma”. Vào những năm 1960, nơi đây khá đông đúc do là khu khai thác mỏ.

Nhưng rồi khoáng sản hết, lại ở cạnh vùng núi lửa, nên sức nóng dường như đến từ mọi phía: Mặt trời thiêu đốt ở phía trên và chất khoáng nóng phun lên từ dưới lòng đất.

Còn tại Tirat Zvi- vùng đất định cư ở thung lũng Beit She’an, Israel; những ngày hè nắng Mặt trời luôn thiêu đốt. Tháng 6-1942, Tirat Zvi đạt mức nhiệt độ cao nhất so với các khu vực khác ở châu Á là 53,8 độ C. Để tránh nóng, người dân thường xuyên phải ngâm mình trong những hố nước.

Những hàng cây trồng bên nhà hay hai bên đường đi bị nắng thiêu chết. Bóng râm không có, không ai dám bước ra khỏi nhà lúc giữa trưa vì lúc bấy giờ nhiệt độ lên tới hơn 60 độ C.

Thành phố Timbuku (Mali) những ngày nắng nóng.

Cũng nắng nóng không kém Tirat Zvi là thành phố Timbuktu của Mali. Thành phố này từng có thời kỳ vàng son bởi nó nằm tại giao lộ của các tuyến đường thương mại truyền thống xuyên qua sa mạc Sahara. Nhưng rồi, sa mạc hóa lan tới Timbuktu.Những cồn cát lớn tiến dần tới và trùm lên thành phố. Mùa hè, khi nắng Mặt trời trút xuống, nhiệt độ tăng lên nhanh chóng. Những đụn cát như bị rang trong chảo lửa.

Theo nhiếp ảnh gia Emilio Labrador, từ trong nhà nhìn ra, những đụn cát như “chấp chới” bởi người ta bị ảo ảnh do quá nóng. Tay máy này cho biết, muốn chụp ảnh Timbuku thì phải đợi khi một đám mây hiếm hoi bay qua, và phải liều mình xông ra ngoài khi nhiệt độ lên tới 55,4 độ C.

Cũng tại châu Phi, Kebili là một ốc đảo thuộc miền trung Tunisia. Nắng nóng gay gắt, ban ngày người dân phải tìm tới những cây cọ để tránh nắng. Nhưng những ngày nhiệt độ lên tới 55 độ C thì bóng râm cũng không giúp được gì, người dân chỉ có nước chui vào nhà đóng chặt cửa tránh nắng và tránh cát.

-Mỗi khi một cơn gió thổi qua lại cuốn theo rất nhiều cát. Cát nóng như bị rang khó chịu vô cùng. Nếu không kịp nhắm mắt chắc chắn bạn sẽ gặp họa- nhiếp ảnh gia Emilio Labrador nói.

Lịch sử cũng ghi nhận, ngày 13-9-1922, một trạm thời tiết ở El Azizia (Libya) đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất lên tới 58 độ C. Kỷ lục này được giữ trong 90 năm và đến nay đã bị coi là “lạc hậu” khi trái đất đang nóng lên do những biến đổi cực đoan của khí hậu.

Theo nhiếp ảnh gia David Stanley, tại đây người dân lấy làm “hoan hỉ” khi nhiệt độ ở mức 45 độ C. Tay máy này cũng không quên kể lại rằng, anh cũng từng bị “luộc chín” trong cái nóng khủng khiếp tại Thung lũng Chết trên sa mạc Mojave (California, Mỹ). Anh nói:

-Đây là khu vực nóng và khô hạn nhất Bắc Mỹ. Năm 2012, Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận Thung lũng Chết là nơi giữ kỷ lục nhiệt độ trung bình vào mùa hè lên tới 56,7 độ C.

David Stanley tới đây bất kể nắng nóng thiêu đốt là do anh mê mải chụp ảnh những tảng đá chuyển động một cách bí ẩn trên hoang mạc, để lại những dấu vết dài trên mặt đất.

-Tôi bị những hòn đá lạ lùng này quyến rũ. Nhiều lúc có cảm giác như bị mất hồn- David Stanley nói. Nhưng thú thật, sau mỗi lần đi như vậy tôi lại ốm suốt thời gian dài. Nóng bức quá! Thế mà người dân ở đó vẫn sống sót. Thật là kỳ diệu!

Vùng Queensland của Australia.

Nhưng, còn có cả những vùng đất diện tích rất lớn mà nhiệt độ cực cao. Ví dụ như vùng Queensland của Australia. Năm 2003, nơi đây xảy ra đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Vệ tinh của NASA đo được nhiệt độ mặt đất có lúc lên tới 69,2 độ C.

-Có lẽ đây là vùng đất đứng thứ nhì trái đất về độ nóng. Vì tại Dasht-e Lut (Iran), vệ tinh không gian của NASA từng đo được nhiệt độ cao nhất lên tới 70,7 độ C vào năm 2005- David Stanley cho biết.

Cuối cùng, có thể kể đến 2 nơi nóng như địa ngục, hơn 50 độ C, nhưng vẫn có người sống. Đầu tiên là vùng lõm Danakil nằm ở sa mạc Danakil, Ethiopia. Nó được ví như “Cổng địa ngục” do nơi đây dẫn vào khu vực nhiều núi lửa hoạt động. Dân Danakil kiếm sống bằng nghề khai thác muối.

Họ đổi muối lấy thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm khác. Những ngày nắng trên 50 độ C, họ vẫn phải ra ruộng làm muối, bất chấp việc làn da có thể bị “lột mất”.

Một nơi nữa là Ghudamis (Libya), nơi thực sự là “chảo lửa” của trái đất. Thường thì mùa hè ít ngày dưới 55 độ C. Đã thế, người dân lại liên tục phải chống chọi với những đợt bão cát và gió nóng táp vào mặt. Nhà của họ làm từ bùn và thân cây cọ và thường vẫn bị bốc cháy do nắng nóng thiêu đốt.

Theo các nhà khí tượng học, Lybia là quốc gia nóng nhất thế giới. Có thời kỳ, nhiệt độ của đất nước Bắc Phi này lên tới 57,8 độ C. “Sống ở đây là những người dũng cảm, cấu tạo cơ thể rất đặc biệt. Nếu không, bạn sẽ bị thiếu cháy”- Marine Filipova, một nhà khí tượng học người Pháp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong “chảo lửa”