Có hệ thống núi đá vôi trữ lượng lớn, nhiều năm nay huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) đã phát triển mạnh hoạt động khai thác đá. Nhờ đó mà đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình giao thông, công cộng và hàng năm thu hàng chục tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, với tình trạng khai thác đá tràn lan từ sự buông lỏng quản lý đã gây ra nhiều hệ lụy.
Các mỏ khai thác đá lộ thiên ở Hữu Lũng gây ra nhiều hệ lụy cho người dân.
Dân khốn khổ vì… đá
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có gần 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ được cấp phép hoạt động khai thác mỏ, chế biến đá vôi, khai thác tận thu các loại quặng… mỗi năm nộp ngân sách cho địa phương gần 30 tỷ đồng. Với một huyện miền núi còn khó khăn thì số tiền thu được từ hoạt động khai thác đá góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của việc khai thác đá tràn lan khiến nhân dân các khu vực xung quanh mỏ đá khốn khổ.
Khảo sát tại khu vực Mỏ Ấm thuộc thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà có tường bị nứt nẻ ngang dọc. Trên mái nhà, vườn cây, ruộng lúa, vườn ngô… phủ trắng một lớp bụi đá. Tiếng nổ mìn, khoan đá, nghiền đá... nhức óc, đinh tai, tra tấn người dân suốt ngày đêm. Người dân cho biết, đó là hệ lụy do hoạt động khai thác đá của Công ty đá Hồng Phong gây ra. Nhiều năm nay, công ty này khai thác đá lộ thiên gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, tài sản và tính mạng của người dân. Mỗi khi nổ mìn phá đá, là toàn bộ khu vực xung quanh bị rung chấn mạnh.
Ngoài ra, đất đá bắn tứ tung vào vườn tược, nhà dân khiến ai cũng hoang mang. Nhiều năm, người dân đã liên tục kiến nghị đến các ngành chức năng nhưng không được giải quyết. Lo sợ đến sự an nguy của tính mạng, nhiều hộ dân đã bỏ nhà di chuyển đi nơi khác sinh sống.
Không chỉ ở xã Cai Kinh, tại các xã: Đồng Tân, Minh Tiến, Đồng Tiến, Yên Vượng, Thanh Sơn... cùng chung hoàn cảnh tương tự. Đi đến đâu, cũng khói bụi từ việc nổ mìn, máy nghiền, sàng đá, bụi của hành trăm xe tải chở đất đá khiến cho không khí ngộp thở. Khắp nơi từ cây cối, ruộng vườn, nhà cửa đều nhuốm màu bụi đá trắng đục. Hàng trăm hộ dân xung quanh các khu vực khai thác đá bị ảnh hưởng, nhà nào cũng cửa đóng then cài suốt ngày đêm.
“Mỏ đá tra tấn chúng tôi nhiều năm qua, chẳng khác gì như ở nơi địa ngục trần gian. Cả tháng, cả năm ngập tràn khói bụi, dọn cơm ra phải ăn vội không bụi bám đầy thức ăn. Những hôm ít gió, bụi không bay đi được cả khu vực ngập chìm bụi. Ngồi trong nhà vẫn đeo khẩu trang, trẻ con phải di tản đi chỗ khác tránh bụi…dân chúng kêu mãi mà tình hình có cải thiện tý nào đâu…” bà Nguyễn Thị Lan (thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân) than vãn.
Theo người dân khu vực mỏ đá, do hít nhiều khói bụi đá nên số người mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa tăng lên hàng năm. Mặt khác, hoạt động vận chuyển đá từ các mỏ đi tiêu thụ cũng khiến các tuyến tỉnh lộ như 242, 243, 244… tại huyện Hữu Lũng bị băm nát. Đặc biệt, trên tuyến đường tỉnh lộ 243 thuộc địa phận các xã Yên Vượng, Yên Thịnh nối với đường Quốc lộ 1A, tình trạng xe quá tải chở đá hoành hành khiến mặt đường bị hư hỏng nặng. Một số cây cầu trên tuyến đường này như Gốc Sau 1, Gốc Sau 2 và cầu Đèo Phiếu đang bị xuống cấp trầm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào. Theo ước tính, bình quân, mỗi tháng tuyến tỉnh lộ 243 phải phục vụ hàng ngàn lượt xe tải các loại.
Khó xử lý dứt điểm?
Trao đổi với phóng viên về các vấn đề trên, ông Long Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng thừa nhận, các doanh nghiệp khai thác mỏ đá trên địa bàn huyện có nhiều vi phạm về nổ mìn phá đá, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân và ngành chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều lần.
Về việc xe tải chở đá băm nát các con đường, ông Sơn cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng xe ô tô chở hàng quá tải trọng tải quy định theo thiết kế của các tuyến đường. Các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện đã xuống cấp nghiêm trọng, cống thoát nước bị sập, mặt đường bị phá nát, gây ô nhiễm môi trường, vật liệu rơi vãi trên đường gây mất an toàn giao thông. Cũng theo ông Sơn, trong thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng tình trạng xe chở quá tải, quá khổ vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây bức xúc cho nhân dân.
Nói về trách nhiệm của địa phương khi tình trạng vi phạm nêu trên vẫn tiếp tục diễn ra, ông Sơn cho rằng, thẩm quyền và chuyên môn cấp huyện có hạn nên rất khó kiểm tra và xử lý.
Liên quan đến vấn đề xe quá tải cày nát các con đường ở địa bàn huyện Hữu Lũng, đại diện Thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn) cũng thừa nhận tình trạng xe quá tải chở đá lộng hành ở địa bàn huyện Hữu Lũng là có thật. Khi nắm bắt được thông tin phản ánh, lực lượng Thanh tra giao thông cũng đã tăng cường các đoàn công tác xuống địa phương này để kiểm tra, xử lý tình trạng trên.
Thanh tra giao thông đã xử phạt nhiều trường hợp, tiến hành cắt các thùng xe tải có chiều cao quá quy chuẩn quy định tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng này. Nguyên nhân do trụ sở Thanh tra giao thông tỉnh Lạng Sơn cách địa bàn huyện Hữu Lũng gần 100 km, trong khi đó lực lượng rất mỏng không thể thường xuyên duy trì lực lượng trực chốt tại hiện trường được.