Sống trong một thế giới khác

Nguyễn Nam (tổng hợp) 02/08/2021 10:00

0h ngày 19/7/2021, Chính phủ Anh thông báo chính thức dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19, bất chấp không ít phản đối. Sự kiện này được người dân London gọi là “Ngày Tự do”. Kể từ tháng cuối cùng của năm 2019 tới nay, thế giới lúc nóng lúc lạnh theo diễn biến của đại dịch Covid-19. Cùng với cuộc chạy đua phát triển vaccine là những thảm kịch bệnh tật, chết chóc và khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế và nỗi lo về một thế giới “hậu Covid”. Thế giới ấy rồi sẽ ra sao khi mà mọi sự đã thay đổi quá nhiều.

0h ngày 19/7/2021, Chính phủ Anh thông báo chính thức dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19. Sự kiện này được gọi là “Ngày Tự do”. Trong ảnh là một nhóm các cô gái không đeo khẩu trang chờ bên ngoài một quán bar ở London trước giờ dỡ bỏ hạn chế.

Những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, các điều dưỡng viên tại một viện dưỡng lão của bang Florida (Mỹ) phát sinh một vấn đề nghiêm trọng: Cùng lúc có 10 người trong viện nhiễm Covid-19 và họ cần nhanh chóng tìm nơi ở mới cho những bệnh nhân này.

Bệnh viện đa khoa Tampa là địa điểm được lựa chọn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để theo dõi giường bệnh và máy thở tại các cơ sở y tế trong khu vực để tìm giường phù hợp cho bệnh nhân. “Nhà quản lý có thể nhanh chóng nắm được tình trạng và sức chứa của mỗi bệnh viện để đưa ra quyết định” - John Couris, Giám đốc điều hành bệnh viện đa khoa Tampa chia sẻ và cho biết thêm, chính dịch Covid-19 đã khiến người ta buộc phải tạo ra một hệ thống ảo để theo dõi được hàng chục bệnh viện cùng một lúc. Công nghệ sẽ làm cuộc sống của chúng ta thay đổi cho dù dịch bệnh có qua đi.

Đẩy nhanh sự hình thành một thế giới mới

Ông Couris từng tham gia một hội thảo về tương lai y tế hậu đại dịch do GE Healthcare tài trợ. Tại đây, tương lai của ngành y tế khiến không ít nhà khoa học băn khoăn, khi mà ngành y tế thông qua sự áp dụng nhanh chóng các công nghệ chăm sóc ảo và từ xa. “Rồi đây chăm sóc y tế ảo sẽ là một ưu tiên quan trọng đối với tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì đại dịch, chúng tôi đã đạt được những bước tiến nhảy vọt bằng 5 đến 10 năm so với trước đây trong cách tư duy và giảm thiểu chi phí dịch vụ”- ông Couris nói.

Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ tác động tới ngành y tế mà còn làm “thay đổi toàn bộ thế giới” - nói như Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) Thomas Gomart. Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde, giáo sư Thomas Gomart cho rằng, trong mọi trường hợp, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự hình thành một thế giới mới. Ở góc độ tích cực, Covid-19 đánh dấu một bước tiến trong nhận thức chung về sự thống nhất của thế giới. Ở góc độ tiêu cực, Covid-19 làm gia tăng căng thẳng vốn âm ỉ có nguy cơ bùng phát. Đó là một ngòi nổ của một quá trình toàn cầu hóa vận hành trong các chu trình đan xen giữa hợp tác, cạnh tranh và đối đầu về nhận thức.

“Khủng hoảng lần này phản ánh sự mất đi của một nền văn hóa dự trữ và thay vào đó là một nền văn hóa “ăn liền”. Ví dụ như người ta coi các khái niệm về kế hoạch và kế hoạch hóa là lỗi thời và thay vào đó ủng hộ sử dụng các công cụ quản lý theo quý. Thanh khoản được coi trọng hơn là sự bền vững” - Giáo sư Thomas Gomart đưa ra nhận xét. Tuy nhiên vị giáo sư này cũng cho rằng khủng hoảng tạo ra một hiệu ứng thuận lợi không thể phủ nhận đối với các nền tảng công nghệ số. Đây chính là yếu tố bảo đảm sự kết nối giữa các quốc gia, cá nhân và tổ chức; định hình các mối quan hệ chính trị và xã hội.

Cùng chung lo lắng, Yuval Noah Harari - nhà sử học Do Thái, tác giả 3 cuốn sách nổi tiếng “Sapiens”, “Homo Deus” và “21 Lessons for the 21st Century” có bài viết trên Financial Times Về tương lai thế giới sau đại dịch Covid-19 và những lựa chọn của nhân loại. “Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai”.

Theo Y.Harari, trong đại dịch Covdi-19, những quyết định của người dân và các chính phủ chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới trong nhiều năm tiếp theo. Những quyết định này không chỉ định hình lại các hệ thống y tế, mà còn cả nền kinh tế. Khi cân nhắc giữa hai lựa chọn, chúng ta không chỉ nên tự hỏi làm cách nào để nhanh chóng vượt qua đại dịch, mà còn phải cân nhắc cả việc thế giới chúng ta đang sống sẽ ra sao khi đại dịch qua đi. “Đúng, cơn bão đại dịch sẽ qua, loài người sẽ sống sót, hầu hết chúng ta sẽ vẫn sống, nhưng chúng ta sẽ sinh sống trong một thế giới hoàn toàn khác”.

“Bên ngoài đường chân trời”

Giữa tháng 3 vừa rồi, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) công bố một tài liệu có nhan đề “Báo cáo về những xu hướng của thế giới trong vòng 20 năm tới”. Mục đích của bản báo cáo này không phải là đưa ra những dự đoán cụ thể về thế giới mà là để giúp các nhà hoạch định chính sách và người dân nhìn thấy những gì “bên ngoài đường chân trời” và chuẩn bị cho một loạt các tương lai có thể xảy ra.

Để xây dựng bản báo cáo, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ đã sử dụng phương pháp luận và xây dựng cách phân tích của riêng họ. Quy trình này gồm nhiều bước: Xem xét, đánh giá các lần tái bản trước (4 năm 1 lần) để rút ra bài học; nghiên cứu và khám phá dựa trên các cuộc tham vấn khác nhau, thu thập dữ liệu và nghiên cứu được ủy quyền; tổng hợp, soạn thảo và viết; trưng cầu ý kiến bên trong và bên ngoài để chỉnh sửa và tinh chỉnh các phân tích.

Đối tượng được tham khảo ý kiến rất rộng rãi: Từ các học giả và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với các lý thuyết và dữ liệu mới nhất cho tới những học sinh trung học ở Washington DC; từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á đến các nhân vật có tầm nhìn xa ở châu Âu; các nhóm môi trường ở Nam Mỹ hay các tổ chức xã hội ở châu Phi.

Bản báo cáo mới nhất của NIC có nhan đề là “Những xu hướng toàn cầu, một thế giới gây nhiều tranh cãi hơn” được xem như là những phân tích và dự đoán nghiêm túc về hiện trạng thế giới từ nay cho tới năm 2040.

4 lĩnh vực được quan sát kỹ lưỡng nhất là: Nhân khẩu học, môi trường, kinh tế và công nghệ. Đó là những lĩnh vực cơ bản và phổ quát để xác định các động lực trong tương lai, sự tương tác giữa các động lực này và sự giao thoa với những yếu tố khác để tạo ra những ảnh hưởng lên các cá nhân và xã hội, nhà nước và các mối quan hệ quốc tế là trọng tâm thứ hai của bản báo cáo này.

Phần cuối trong bản Báo cáo dành cho việc trình bày 5 kịch bản khác nhau của thế giới vào năm 2040, từ những kịch bản sáng sủa nhất cho đến những kịch bản tồi tệ nhất.

Bản báo cáo cho rằng, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng 1,4 tỷ trong 20 năm, đạt 9,2 tỷ người. Từ năm 2027, vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất, nhưng mức tăng trưởng dân số mạnh nhất sẽ là ở châu Phi cận Sahara, số người trẻ chiếm 2/3 tổng số dân. Ở các nước châu Âu, tỷ lệ người trên 65 tuổi có thể đạt 25%, so với 15% vào năm 2010.

NIC cũng cảnh báo về hệ quả của nạn di cư, đặc biệt là số người từ châu Phi và châu Á và châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng đó không phải là điều bất ngờ khi mà châu Âu và Mỹ đều cần nguồn lao động trẻ ít nhất là trong vòng 30 năm tới. NIC cũng cảnh báo về nguy cơ đến từ các đại dịch mới, bởi xuất hiện tình trạng đáng lo ngại về hiện tượng “nhờn” thuốc kháng sinh. Đó là những vấn đề quan trọng đặt ra những thách thức lớn đối với sức khỏe của nhân loại nói chung.

Trong số các loại bệnh tật, bản Báo cáo “lấy làm e ngại” liên quan đến bệnh tâm thần, chi phí ước tính trong 20 năm để chữa trị căn bệnh này là 16.000 tỷ USD. Bệnh tâm thần có nhiều nguyên nhân, nhưng tác động sâu xa từ dịch Covid-19 là nguyên nhân đáng kể.

Trong một dự báo mang tính bao trùm, NIC cho rằng “sự phát triển vũ bão của “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” sẽ khiến đa phần chúng ta chóng mặt. Các chuỗi sản xuất và phân phối truyền thống sẽ được thay đổi một cách căn bản. Trí tuệ nhân tạo được áp dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực và sẽ biến đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hiện tượng này đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết về phương diện đạo đức, an ninh và kinh tế”.

Theo giới nghiên cứu, Bản báo cáo của NIC công bố năm 2021 đã thể hiện rõ một mối quan tâm về cách để cân bằng giữa các tiềm năng và những rủi ro trong tương lai. Trong đó nổi bật là việc làm thế nào để kích thích những đổi mới công nghệ mà vẫn giữ được sự ổn định đời sống cho mỗi cá nhân.

Một minh họa cho thấy Covid-19 tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu.

Khi “bóng ma” Covid dần qua

Đó là “tầm nhìn dài hạn”, còn trước mắt thì sao?

Tới thời điểm này, vaccine đã giúp nhiều quốc gia không chế được sự bùng phát và chết chóc của dịch Covid-19. Nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ đã từng bước hoặc “mở toang” cánh cửa để hồi phục và phát triển kinh tế. Suốt gần 2 năm qua, câu chuyện cân bằng giữa “sinh mệnh” và “sinh kế” làm đau đầu lãnh đạo không ít nước. Tới nay, cho dù Đông Nam Á, châu Á và châu Phi vẫn đang tiếp tục phải chống chọi với SARS-CoV-2, nhưng giới chuyên gia cho rằng bức tranh kinh tế đã lạc quan hơn (so với năm 2020). “Bóng ma” Covid-19 dần đi qua, nhiều định chế tài chính cho rằng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ thoát đáy và dần hồi phục.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lên mức 6,4%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970, phần lớn là nhờ các chính sách chưa từng thấy của các nước nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo IMF, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu phục hồi tốt. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 4,3% lên 5,1% trong năm nay. Còn với Trung Quốc, con số dự báo còn cao hơn nhiều: IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021. Còn với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mức tăng trưởng được dự báo ước vào khoảng 4,4%. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á dự báo tăng 6,7% và nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng trưởng 4,6%.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi khoảng 5,6% trong năm 2021. JPMorgan Chase & Co dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5%. Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Mỹ (BoA) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,4%.
Nhưng, cho dù dự báo tăng trưởng lạc quan nhưng giới chuyên gia cũng cho rằng sự tăng trưởng không đồng đều trên phạm vi toàn cầu, nguyên nhân chính là do sự khác biệt trong tiến độ tiêm vaccine và các gói hỗ trợ tài chính của từng quốc gia.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, dù triển vọng phục hồi kinh tế sáng sủa, nhưng giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động. Còn theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, ngay bên trong các nước phát triển, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng thu nhập cũng có xu hướng đi lên do nhóm lao động trẻ tuổi và những người không có tay nghề cao là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Châu Âu và Đông Á - Thái Bình Dương được cho là có sự tăng trưởng không đồng đều một cách rõ rệt, và rất có thể nhiều nền kinh tế thậm chí phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi hoàn toàn.

Với Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất cứ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% thay vì 4,1% được dự báo hồi đầu tháng 1/2021.

Báo cáo của WB cũng cho rằng, chương trình tiêm phòng Covid-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, theo WB, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và hậu quả mà nó gây ra. “Bên cạnh những dấu hiệu đáng hoan nghênh về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đại dịch vẫn tiếp tục gây ra đói nghèo và bất bình đẳng cho người dân ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới” - Chủ tịch WB David Malpass nói và cho rằng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập bình quân đầu người tại 2/3 thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2022.

WB cũng dự báo, 90% các nước phát triển dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng ở thời điểm trước đại dịch vào năm 2022. Theo nhà kinh tế của WB Ayhan Kose, phải đến năm 2023 và sau đó, hầu hết các nền kinh tế mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

Theo giới nghiên cứu xã hội học, nếu như có “một thế giới khác” hậu Covid-19 về kinh tế, thì cũng có một thế giới như vậy về mặt xã hội. Giới chuyên gia cho biết, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, số các đôi kết hôn giảm đáng kể. Cùng đó, số trẻ sơ sinh mới ra đời cũng rất ít. Một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là do phải giãn cách xã hội, sự tiếp xúc ít nên nhiều quan hệ vốn bình thường đã trở nên “ảo”. Nhiều người dần dần trở nên ngại tiếp xúc, ngại quan hệ, thu mình lại trong một thế giới riêng.

Mặt khác, bất chấp việc hàng quán buộc phải đóng cửa vì Covid-19 thì số rượu, bia, thuốc lá được tiêu thụ rất mạnh. Một con số thống kê cho thấy, các chất kích thích được bán ra trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 7% đến 29%, tùy theo từng khu vực.

Khái niệm “sống trong một thế giới khác” vì vậy được hiểu là không chỉ trong đại dịch mà nó sẽ còn kéo dài khi dịch đã đi qua. Việc thay đổi phương thức làm việc, giải trí cũng như mua bán khiến người ta phải định hình một lối sống mới, không biết tích cực hơn hay thiếu tích cực so với trước, nhưng đó là điều phải đối diện. Các nhà xã hội học cho rằng, khi xác định điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã chọn lối tư suy tích cực, để không nao núng trước hoàn cảnh. Trái lại, sẽ tìm được cách để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, cho dù có khác trước đi chăng nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong một thế giới khác