Sống với đam mê

Trịnh Xuân Anh 18/02/2020 16:18

Tôi đã dịch khá nhiều cuốn tiểu thuyết từ tiếng Anh, Pháp, Nga sang tiếng Việt. Sách được độc giả đón nhận hơn bốn chục năm nay. Kỷ niệm vui, buồn với sách không ít. Kỷ niệm đáng nhớ đong đầy ký ức.

Sống với đam mê

Lần theo những lối mòn ký ức từ mấy chục năm rồi, Âm mưu Hội Tam Hoàng trở về khu vực nhớ trong bộ não đã quá hạn sử dụng từ lâu. Mỗi khi ngồi dịch cuốn sách thứ ba, Âm mưu Hội Tam Hoàng, qua bản tiếng Nga, tôi đã bị diễn biến các sự kiện níu kéo khó bứt. Thế mà lúc mới làm quen với sách, tôi vô cùng nản. Ngao ngán! Bối cảnh tiểu thuyết diễn ra tại Hồng Kông, nhân vật phần lớn là người Hoa. Tác giả đã dịch bám chữ tên nhân vật… sang tiếng nước mình, có sao gọi vậy. Ví dụ, tên cầm đầu Hội là Rồng Vàng, tên lo tổ chức, thương thảo, rất mưu mô, chuyên dùng quạt trắng che mặt để không ai có thể đọc được suy nghĩ là Quạt Trắng, tên giữ kỷ cương của Hội là Gậy Đỏ, tên chuyên trách liên lạc là Xăng Đan Cỏ… Còn thuật ngữ, sự kiện, khỏi nói. Đọc rất lủng củng, khó chịu. Chỉ muốn gấp sách và nói lời chia tay. Nhưng nội dung lại khá hấp dẫn. Tôi vò đầu bứt tai nghĩ cách Việt hóa mà vẫn giữ được văn phong, thần thái của tác phẩm. Tôi chuyển Rồng Vàng thành Hoàng Long, Quạt Trắng là Bạch Phiến Chỉ, Gậy Đỏ thành Hồng Trượng, còn Xăng Đan Cỏ là Thảo Hài. Các chỗ khác đều được nghiên cứu kỹ trước khi chỉnh sửa. Xem ra có vẻ hợp lý! Nhưng, không ngờ tôi đẩy cuốn sách tới chỗ suýt bị loại. Không được xuất bản.

Ngày ấy, truyện chưởng bị cấm (nhưng vào những năm 2000, truyện chưởng của tác giả Kim Dung được dịch khá nhiều ở Việt Nam). Cách dịch của tôi làm cho Âm mưu Hội Tam Hoàng đượm vẻ một truyện chưởng. Bản thảo không được duyệt. Đầu những năm tám mươi, (tôi dịch Âm mưu Hội Tam Hoàng vào năm 1984), đất nước mở cửa, tư duy đổi mới. Do vậy tôi cũng thuyết phục được nhà xuất bản.

Sách đưa in tại Tiến Bộ, một nhà in lớn nhất và rất có uy tín tại Hà Nội. Tuy có quy định cấm đưa sản phẩm đang in ra khỏi nơi sản xuất, nhưng công nhân thấy truyện hấp dẫn, mới lạ (đây là bản dịch đầu tiên thể loại hành động ở miền Bắc Việt Nam) nên vẫn giấu lấy về tay sách vừa in để gia đình và bè bạn đọc. Thành phẩm bị hao hụt nhiều. Nhà in phải tổ chức lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng chỉ hạn chế được phần nào hiện tượng tiêu cực trên. Sách được in với số lượng rất lớn và tái bản nhiều lần.

Tư duy đổi mới ngày càng tạo không gian thông thoáng hơn về cách nhìn nhận nhiều vấn đề. Do vậy, tôi bắt đầu tập trung dịch mảng tác phẩm được Giải Goncourt (giải của Pháp dành tặng tác phẩm văn học hay nhất trong năm) và những tác phẩm của Mỹ bán chạy nhất của năm.

Bao năm tháng ngồi lì dịch truyện, dù rất say mê, nhưng tôi bắt đầu thấy nhàm chán. Đúng lúc đó, tôi được tặng một chiếc máy ảnh. Thỉnh thoảng mang máy đi chụp quanh Hà Nội cũng hay hay.

Năm 1998, Nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin và Công ty sách Vietbook mua bản quyền bộ sách 80 tập, Tủ sách Hoa Hồng, gồm những truyện thiếu nhi, truyện cổ tích và ngụ ngôn hay nhất thế giới suốt mấy thế kỷ qua. Sách có tranh minh họa lung linh, sống động, rất bắt mắt. Kết thúc mỗi truyện là một bài học ngắn gọn, xúc tích, dễ tiếp thu. Để phù hợp với tư duy trẻ nhỏ Việt Nam, nội dung truyện được kể lại chứ không dịch theo nguyên bản. Tôi được mời kể lại bằng tiếng Việt bộ sách vì đã thành công chuyển ngữ bộ truyện tranh Thủy Thủ Mặt Trăng. Tủ sách Hoa Hồng đă đáp ứng lòng mong đợi của các bậc phụ huynh và bạn đọc nhỏ tuối, nên được in với số lượng lớn, tái bản nhiều lần và phát triển thêm 15 tập khổ lớn (25cm×24cm).

Tôi thực sự đam mê nhiếp ảnh từ ngày kể lại những truyện trong Tủ sách Hoa Hồng. Tôi như được trở lại thời ấu thơ. Tôi vừa là một trẻ nhỏ, vừa là một người luống tuổi khá am hiểu về văn học trong và ngoài nước (tôi đã từng là biên tập viên tại Nhà xuất bản Văn học và đã từng nghiên cứu một năm Văn học đương đại Pháp ở Đại học Sorbonne, Paris, Pháp). Hơn nữa, quê hương ta, tổ quốc ta đẹp đến xao động tâm hồn. Mỗi khi bấm máy, tôi được truyền những cảm hứng mà bản thân chưa từng phấn khích đến vậy. Trí tưởng tượng của tôi hòa vào khung cảnh đất trời hùng vĩ, bát ngát, bao la.

Tôi luôn tâm niệm cố ghi lại những hình ảnh đẹp với ý tưởng mới lạ. Ở Sùng Là, Hà Giang. Tôi sững người ngắm cây đào gối cây mận đang trong mùa ra hoa. Cả hai cây cao vượt ngôi nhà tường đất nện kề bên. Đào và Mận gợi cho tôi nhớ câu ca dao quen thuộc: Bây giờ Mận mới hỏi Đào/Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?/Mận hỏi thì Đào xin thưa/Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. Nếu chụp một đôi nam nữ đi dưới cây đào gối cây mận, nhân vật nữ bẽn lẽn xin thưa thì cũng được, nhưng ảnh không có ý tưởng gì mới, ngoài chức năng minh họa một câu ca dao của Việt Nam. Tôi quan sát thật kỹ cây mận và cây đào để cố khai thác điều mới lạ.

Sống với đam mê - 1

Phía dưới cây đào vươn ra hai cành mềm mại trông tựa đôi tay con gái đón nhận người mình yêu thương. Còn Mận dang rộng tay như muốn ôm Đào vào lòng. Đây rồi! Các cành đào và mận tượng trưng cho cách tỏ tình hiện nay. Góc chụp đã được xác định. Hai cây đào và mận mọc ngay cạnh lối mòn nhiều người qua lại. Tôi kiên nhẫn chờ. Trời như không phụ lòng người, Một đôi nam nữ xuất hiện ở vị trí đúng ý nguyện. Tôi vội bấm máy.

Vậy là, tôi đã thu gọn vào ống kính cách tỏ tình của người xưa thời ca dao và của người hiện đại thời nay. Ảnh này cùng mấy ảnh khác của tôi được Globe-Trotter, sách hướng dẫn du lịch có uy tín nhất của Nhật Bản, xin in trong xuất bản phẩm 2019-2020, số lượng 100.000 cuốn.

Một ngày nọ tôi bắt gặp hình ảnh đôi nam nữ công nhân đang quét lá rụng ở vườn hoa cạnh Văn Miếu Quốc Tử Giám. Mỗi chiếc lá rụng là một kỷ niệm đã qua.Tôi nảy ý tướng chụp lá từ lúc hé nở tới lúc lìa cành qua bốn mùa trong năm, như con người qua vòng xoay Tạo Hóa: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Tôi sẽ ép những kỷ niệm trong sách. Ý định in sách ảnh được hình thành.

Tôi in sách ảnh. Cuốn đầu tiên, Đất trời Quê Hương. Cuốn thứ hai, Lượm cánh hoa mai, được đón nhận và được giới thiệu tại các cuộc Triển lãm sách quốc tế ở Đức, Bỉ, Pháp … Và sau đó, tôi in tiếp Quê Hương, Hồn xưa trong phố nay Hà Nội, được nhà thơ Vũ Quần Phương, bạn đồng môn, đồng nghiệp, viết Lời giới thiệu… Quý 1 năm 2019, tôi in cuốn Quê mẹ. Tới nay, tôi đã in năm cuốn sách ảnh.

Nhìn lại chặng đường đời đã qua, tôi thấy bản thân thật may mắn đã có được cơ hội lưu lại một chồng sách dịch, sách kể lại và sách ảnh mang tên mình cao hơn đầu gần một sải tay.

Tôi đã sống với niềm đam mê vô tận!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống với đam mê