“Những năm đầu đổi mới, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có những năm tháng làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là con người hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” - ông Trần Đức Nguyên, Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Người nói không với nạn phong bì
Ông Trần Đức Nguyên cho rằng, vẫn biết sinh lão, bệnh tử là lẽ thường, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tuổi cao, sức yếu đã lâu nhưng sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân và với những người đã từng được làm việc với ông, điều này để lại sự trống trải không gì có thể bù đắp được.
Vậy trong thời gian dài đồng hành với cố Thủ tướng Phan Văn Khải trên nhiệm kỳ công tác của mình, điều gì khiến ông đọng lại kỷ niệm sâu sắc và ý nghĩa nhất? Ông Trần Đức Nguyên cho biết, ở ông Phan Văn Khải có nhiều điểm rất đặc biệt, nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên đó là, tôi và nguyên Thủ tướng rất hay hút thuốc lá. Một lần khi nhận được món quà này, ông đã tặng tôi, ông bảo: Cái này là của người ta tặng tôi, thấy hai anh em mình đều hút thuốc nên tôi nhớ đến ông.
“Khi về tôi mở cây thuốc lá ra thì phát hiện người tặng quà cho Thủ tướng gói rất kỹ bên trong 2.000 USD, số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Tôi liền gửi lại ông Kiều Đình Thụ, khi ấy là thư ký riêng của ông Phan Văn Khải toàn bộ số thuốc lá nói trên và sau đó Thủ tướng đã cảnh báo người đưa hối lộ này một cách công khai” - ông Nguyên nói.
“Thường cứ đến dịp lễ tết người ta hay tặng quà và tôi nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đề nghị cấp dưới truy rõ nguồn gốc của món quà, nhất là những chiếc phong bì. Đặc biệt, ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Khải chuyện chạy chức với các anh là không có” - ông Nguyên khẳng định.
Món quà tết của Thủ tướng tặng doanh nghiệp
Một đóng góp nữa của cố Thủ tướng Phan Văn Khải được nhiều người nhắc đến, theo ông Nguyên đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN). Có thể nói, thời điểm đó rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra. Hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật được ra đời như: Luật Doanh nghiệp 1999, luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005…
Các luật này ra đời với tư duy và cách tiếp cận rất mới, rất mạnh dạn so với trước và cũng là kế tiếp tinh thần đổi mới của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Tôi nghĩ đó chính là những dấu ấn của ông trong gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng”- ông Nguyên cho biết.
Đặc biệt, việc cắt bỏ hàng loạt giấy phép con những năm 1999-2000 cũng là một dấu ấn mạnh mẽ. Trong cách thức làm việc của ông cũng như ông Võ Văn Kiệt là mong muốn các văn bản pháp quy phải biến thành hành động cụ thể. Cụ thể, khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, ông cho thành lập ngay Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp để luật nhanh chóng vào cuộc sống, tránh chuyện luật chờ nghị định, thông tư và những khó khăn của cộng đồng DN không được gỡ bỏ.
Ông Nguyên cho biết, khi lắng nghe các thành viên Tổ tư vấn đề xuất cắt bỏ hàng loạt giấy phép con, cản trở DN phát triển, không đúng tinh thần “DN được kinh doanh những gì luật pháp không cấm”, Thủ tướng chấp thuận ngay. “Tôi còn nhớ, danh mục này được Thủ tướng ký ban hành vào đầu năm 2000, các DN đón nhận rất hồ hởi và coi đó là món quà tết của Thủ tướng tặng DN” - ông Nguyên chia sẻ.
Đặc biệt, trong những buổi làm việc giữa Ban Nghiên cứu với Thủ tướng, ông là người thực sự biết lắng nghe, gần gũi, với không khí làm việc rất dân chủ. Các thành viên của Ban không phải giữ kẽ, không phải e ngại điều này điều kia là cấm kỵ. Khi phát biểu hay đưa ra một quyết định nào đó, ông đều hỏi ý kiến của các cộng sự xem như vậy có hợp lý không, có tốt không. Không phải lãnh đạo nào cũng tạo cho mình một phong thái học hỏi và mong muốn cải thiện mình như vậy. Đặc biệt, khi dự thảo các luật, ông luôn đòi hỏi Ban Nghiên cứu phải tham vấn tối đa ý kiến của các cộng đồng liên quan trong xã hội. Thông qua đó, Ban Nghiên cứu đã giúp Thủ tướng thấy rõ lợi ích của đất nước nằm ở đâu, tác động đến kinh tế như thế nào, có những đối tượng nào chịu thua thiệt và làm thế nào để giảm thiểu điều này.
Không dùng quyền lực, không đao to, búa lớn
Kể về cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Trần Đức Nguyên cho biết, ông Phan Văn Khải nói ít, làm nhiều, làm những việc thiết thực có lợi cho dân, cho nước. Điều này không chỉ được thực hiện khi ông còn đương chức mà khi ông về hưu rồi vẫn phong cách ấy. Tôi đã từng được đi dự lễ khánh thành một trường học cùng với ông, ngôi trường này được xây dựng từ việc ông huy động từ bạn bè, chiến hữu, các nhà hảo tâm cùng tiền của chính ông để dựng lên. Khi trò chuyện với giáo viên trong trường ông chỉ nói một câu giản dị: “Các thầy cô dạy học sinh như thế nào là chuyện chuyên môn, nhưng làm sao đừng để tụi nhỏ ra ngoài chửi thề nhiều quá”.
Sau này, khi gặp lại tôi, ông tâm sự: Tôi nói thế mà các thầy cô họ làm được đấy, tôi muốn từ các thầy cô để xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đấy, chỉ một hành động đó thôi, ông cho chúng tôi thấy không phải dùng quyền lực, không dùng đao to búa lớn mà lại làm được việc rất hiệu quả.
Theo ông Trần Đức Nguyên việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định từ nhiệm sớm là để Thủ tướng mới bắt tay vào làm việc ngay sau Đại hội Đảng chứ không phải chờ bầu đại biểu Quốc hội xong rồi mới bầu Thủ tướng thì phí mất 1 năm trời. Tuy nhiên, trong phát biểu từ nhiệm của mình ông có nói rằng, cá nhân ông vẫn còn nhiều điều chưa làm được và ông tự nhận lỗi với Quốc hội với nhân dân. Những điều mà ông hối tiếc chính là tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều, hiệu quả phát triển kinh tế chưa cao… “Tôi kỳ vọng rằng những trăn trở của ông sẽ được các lãnh đạo kế nhiệm thực hiện thật tốt” - ông Trần Đức Nguyên chia sẻ.