Sức khỏe

Sốt mò nguy hiểm như thế nào?

THANH MAI 19/11/2023 13:03

Sốt mò, căn bệnh đang có xu hướng gia tăng trở lại sau một thời gian dài tạm lắng. Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt mò do loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò. Nếu không phát hiện kịp thời, có hướng điều trị đúng, sốt mò biến chứng nguy hiểm, có thể gây viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

anh-bai-chinh.jpeg
Thăm khám cho bệnh nhân sốt mò điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai).

Không phát hiện kịp thời có thể gây tử vong

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết vừa tiếp nhận một bé gái 37 tháng tuổi, ngụ huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh nguy kịch vì bệnh sốt mò. Đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và cũng là ca đầu tiên ở trẻ tại các tỉnh phía Nam.

Theo BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh sử cho thấy 4 ngày đầu bé sốt nhẹ, chán ăn, ngày 5 và 6 sốt cao hơn, nôn ói, da xanh xao và đi tiểu sậm màu. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng (dung tích hồng cầu 16%), gan to 4 cm dưới hạ sườn phải và lách to độ 4. Các xét nghiệm tại cấp cứu cho thấy bệnh nhi nhiễm khuẩn nặng, tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi phải; tổn thương phổi với hội chứng nguy kịch hô hấp cấp. Do tình trạng của bệnh nhân viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan nặng nên các bác sĩ cho dùng kháng sinh Vancomycin và Carbapenem. Tuy nhiên, sau 2 ngày dùng kháng sinh trên không đáp ứng và bệnh nhi vẫn sốt cao kéo dài liên tục.

Thăm khám kỹ, bác sĩ ghi nhận sang thương da ở ngực phù hợp với sốt mò. Bệnh nhi được dùng Levofloxacin. Sau 3 ngày dùng kháng sinh, bệnh nhi hết sốt và xuất viện sau 10 ngày điều trị. PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết, đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và là ca đầu tiên ở trẻ em của miền Nam. Bệnh nhi có diễn tiến rất nặng và nguy kịch với các biến chứng có thể tử vong là rối loạn tri giác, viêm phổi suy hô hấp, tán huyết và đông máu nội mạch lan toả, cũng như là hội chứng thực bào máu rất hiếm gặp trong bệnh sốt mò.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, Yên Bái ghi nhận gần 300 trường hợp mắc bệnh sốt mò. Trong đó, có một nữ bệnh nhân 16 tuổi ở huyện Trạm Tấu, tử vong do đến viện muộn.

Đặc điểm của sốt mò

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa cho biết, sốt mò là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh sốt mò thường gặp ở nông thôn, vùng bìa rừng, ven sông, suối nơi có nhiều cây cối, bụi rậm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động. Nguồn bệnh là các động vật như chuột, chó, mèo, lợn, gà.

Trung gian truyền bệnh sốt mò là ấu trùng mò. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, cổ, mi mắt. Do vết đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Tuy nhiên, sau khi bị đốt từ 6 - 12 ngày, người bệnh bắt đầu phát bệnh, có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, da và mắt sung huyết, có thể có ban đỏ trên da.

Những người có yếu tố dịch tễ như vừa đi từ vùng rừng núi rậm rạp, ven sông, ven suối về. Có biểu hiện sốt cao 39-40 độ liên tục, kèm theo biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, da và mắt sung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Dấu hiệu có vết loét thường gặp trong khoảng 80% các trường hợp bệnh. Vết loét ngoài da do mò đốt lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5- 2,0 cm, có vẩy đen, bong vẩy sẽ để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không có mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc đen tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, vết loét không đau (nên dễ bỏ sót). Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho biết, chỉ có một số loại kháng sinh cổ điển đặc hiệu với bệnh sốt mò. Những loại kháng sinh mới, phổ biến hiện nay thường không có hiệu quả. Do đó, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Phùng Nguyễn Thế Nguyên, sốt mò là một căn bệnh khó có thể nhận biết, khởi phát từ những vết cắn của ấu trùng mò, tuy nhiên, nó không lây truyền từ người sang người. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sốt mò, người dân cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loại gặm nhấm. Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6 tháng/lần. Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt mò nguy hiểm như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO