Nhân định ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào không phạm tội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã yêu cầu Viện KSND TP HCM tạm đình chỉ lãnh đạo Viện KSND huyện Bình Chánh và kiểm sát viên thụ lý vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ.
Tờ Tuổi trẻ cho biết, sáng nay, 23/4, đoàn công tác của Viện KSND tối cao do ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao - đã vào TP HCM làm việc với lãnh đạo Viện KSND TP HCM và Viện KSND huyện Bình Chánh về vụ việc của ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào.
Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Viện KSND TP HCM và Viện KSND huyện Bình Chánh báo cáo toàn bộ nội dung, quá trình giải quyết vụ án kinh doanh trái phép xảy ra tại huyện Bình Chánh mà ở đó, ông nguyễn Văn Tấn bị khởi tố truy tố về tội kinh doanh trái phép.
Từ ý kiến của thủ trưởng đơn vị thuộc Viện KSND tối cao và các Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Trí chỉ đạo các nội dung:
Thứ nhất, ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật Hình sự.
Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP HCM chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn theo khoản 2 điều 107 và khoản 1 điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP HCM tạm đình chỉ công tác đối với kiểm sát viên và lãnh đạo Viện KSND huyện Bình Chánh trực tiếp tiến hành tố tụng để kiểm điểm làm rõ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thông qua vụ án này, Viện trưởng Viện KSND TP HCM tổng hợp vi phạm, thiếu sót trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong vụ việc trên để kiến nghị với UBND TP HCM có biện pháp khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Giao Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án kinh tế có thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành kiểm sát về những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tố tụng đối với vụ án trên.
Nhận được thông báo này, yêu cầu thủ trưởng thuộc đơn vị thuộc Viện KSND tối cao, Viện trưởng Viện KSND TP HCM, Viện trưởng Viện KSND huyện Binh Chánh tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận này.
Nội dung buổi làm việc này cũng được thông báo với Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM - cho biết ngay khi Viện KSND huyện Bình Chánh có quyết định đình chỉ vụ án này, sẽ tổ chức kiểm điểm, có giải pháp về công tác tổ chức cán bộ ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo ông Phong, Công an TP HCM chỉ có thẩm quyền kiến nghị, hình thức xử lý để Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an ra quyết định.
Trung tướng Phong cũng cho biết, ngay khi báo chí thông tin sự việc, "Ban giám đốc Công an TP đã yêu cầu Công an Bình Chánh báo cáo, chúng tôi đã có báo cáo sơ bộ chuẩn bị phương án trình lãnh đạo Tổng cục Chính trị về phương án xử lý về nhân sự liên quan".
* Trước đó, trao đổi với báo chí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Từ ngày 20/4 đã có người dân và cả quan chức nhắn vào số điện thoại của tôi về việc ngày 28/4 sẽ đưa ra xử vụ án này. Sau đấy tôi có yêu cầu TAND TPHCM báo cáo về sự việc. Ngay tối hôm đó, các anh trong đó cũng đã báo cáo là không yên tâm về mặt hồ sơ. Tôi chưa xem hồ sơ nhưng họ báo cáo là không yên tâm về mặt hồ sơ, không chắc chắn. Tôi đã chỉ đạo nếu không chắc chắn, yên tâm về hồ sơ thì phải làm cho đủ để không có kháng cáo, kháng nghị, kiện tụng gì trong thời điểm này”.
Theo ông Bình, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP HCM đều có những chỉ đạo về việc tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh.
“Xử lý doanh nghiệp như vậy có tạo ra môi trường thông thoáng hay không? Hơn nữa chỉ ít thời gian nữa thôi là Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực. Trên cơ sở xem xét, đánh giá hồ sơ, tôi được anh em báo cáo là không chắc chắn, có nhiều sai sót, trong đó như biên bản phạt ghi ngày giờ không thống nhất với nhau. Đến sáng ngày 21/4 thì Tòa án TP HCM đã thông báo trả lại hồ sơ”- ông Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc trả hồ sơ là việc xem xét độc lập của tòa án. “Tòa án trả lại hồ sơ cho Viện kiệm sát và đưa ra các yêu cầu, nhưng tôi chưa rõ đó là những yêu cầu nào bởi tòa án hoạt động độc lập. Trên cơ sở yêu cầu của tòa án thì viện kiểm sát sẽ xem xét có khả năng làm được thì sẽ làm... Nếu sau đó cân nhắc mọi thứ đúng tội thì cơ quan điều tra sẽ gửi lại hồ sơ sang tòa” - ông Bình nói về quy trình xử lý vụ việc.
Dù chưa tiếp cận cụ thể với hồ sơ vụ án nhưng trên cơ sở báo cáo của TAND TP HCM và những thông tin nắm được qua báo chí, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: “Nếu xử thì cái được ít hơn cái mất. Nền tư pháp này ở giai đoạn nào cũng thế thôi, công an, viện kiểm sát hay tòa án làm thế nào để nghiêm minh và lòng người phục hơn, bản án phải đạt được cái độ tâm phục, khẩu phục nhưng vụ án này chưa xử đã thấy tâm không phục rồi. Đấy không phải đích đến của nền tư pháp này”.
* Cũng liên quan đến vụ việc chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn bị truy tố tội kinh doanh trái phép, chiều 22/4, UBND huyện Bình Chánh TP HCM cũng ra văn bản trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan tới vụ án này.
Theo đó, UBND huyện Bình Chánh thừa nhận có sai sót trong việc xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (GCN) của ông Tấn.
Theo UBND huyện Bình Chánh, ngày 4/9/2015, ông Tấn nộp hồ sơ xin cấp GCN tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng UBND huyện Bình Chánh. Bộ phận tiếp nhận chuyển hồ sơ cho Phòng y tế thẩm định.
Ngày 10/9, Phòng y tế phối hợp cùng Công an Huyện Bình Chánh kiểm tra quán Xin Chào lần thứ hai, phát hiện quán chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nên có vận động hộ ông Tấn rút hồ sơ xin cấp GCN để sửa chữa, khắc phục hạn chế, khi nào xong thì nộp lại.
Sau ngày kiểm tra, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn có liên hệ Phòng y tế để nhận lại hồ sơ.
Phòng y tế chuyển hồ sơ lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đồng thời hướng dẫn hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn liên hệ bộ phận này để nhận lại hồ sơ. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã trả hồ sơ lại cho ông Nguyễn Văn Tấn.
Trong thời gian từ lúc nhận hồ sơ đến khi trả hồ sơ cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn, Phòng y tế Huyện Bình Chánh thực hiện chưa đúng quy trình thẩm định điều kiện để cấp GCN, đơn vị cũng không có văn bản trả hồ sơ cho hộ kinh doanh.
Trước đó, ông Tấn khẳng định không ai kiểm tra, hướng dẫn ông việc sửa chữa, bổ sung gì để được cấp GCN. Chỉ tới ngày hẹn trả kết quả (ngày 29/9/2015), ông tới nhận thì được trả hồ sơ mà không có văn bản trả lời kèm theo như quy định.
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ vào ngày 20/4, bà Trần Thị Ngọc Vân - chuyên viên Phòng y tế Huyện Bình Chánh - khẳng định:
“Sau khi tiếp nhận hồ sơ, chưa kịp kiểm tra thì bộ phận tiếp nhận thông báo hộ ông Tấn xin rút hồ sơ nên tôi trả lại. Việc trả lời thế nào, có giấy tờ hay không là do bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thuộc Văn phòng UBND huyện Bình Chánh”.