Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 40.000 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó, phía Bắc có hơn 1.000 ca, cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia y tế, nếu số ca mắc SXH tiếp tục tăng nhanh có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế.
El Nino làm gia tăng lây truyền sốt xuất huyết
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các loại arbovirus khác như: Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, đặc trưng của hiện tượng thời tiết El Nino là nóng khắc nghiệt và thiếu nước. Năm 2023 được dự báo có thể phá kỷ lục về nhiệt độ cao nhất ở một số địa phương. Tuy nhiên, dù có xảy ra hiện tượng El Nino hay không, SXH và các bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào các yếu tố như vệ sinh môi trường khi thiếu nước và hạn hán; khả năng diệt muỗi và côn trùng khi mưa trở lại; tỷ lệ tiêm phòng vaccine… "Thiếu hụt yếu tố nào cũng có thể khiến bệnh tăng hơn ở khu vực, địa phương đó", bác sĩ Khanh phân tích.
Tại Hà Nội, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã có hàng chục trường hợp SXH có dấu hiệu cảnh báo nặng điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới từ 2 tháng nay. Đây là điều bất thường ở khu vực phía Bắc, vì xảy ra sớm hơn mọi năm. Thông thường, dịch sẽ xuất hiện nhiều từ tháng 9 - 11 hàng năm nhưng thời điểm này dù mới đang tháng 7 mà dịch tại Hà Nội đã có nhiều bất thường. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trường hợp SXH, trong đó nhiều ca diễn tiến nặng.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC), dịch SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, các quận, huyện (Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy) là những khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH.
Về nguy cơ lây lan bệnh, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Muỗi Aedes, vector truyền bệnh, là muỗi “thành phố”. Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân chứa nước sạch như nước mưa, nước điều hòa vô tình sẽ là ổ đẻ của muỗi. Mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Người dân ở nội đô khả năng bị SXH càng cao.
Cũng theo TS Dũng, một trong những yếu tố tác động, gây ra sự biến động của bệnh SXH là ảnh hưởng của El Nino và hiệu ứng nhà kính. Tác động của El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, do đó, muỗi trưởng thành nhanh hơn, chích đốt nhiều hơn. Virus tăng sinh nhanh hơn trong muỗi, làm giảm thời gian ủ bệnh bên ngoài, tỉ lệ muỗi có khả năng truyền nhiễm cao.
Phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho nhiều ca SXH có dấu hiệu cảnh báo nặng. Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi SXH, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.
Theo TS Cường, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.
Chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết bệnh SXH, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết: Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh do virus Dengue gây nên, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh SXHD có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Theo bác sĩ Nam, người bệnh cần được khám và xét nghiệm máu hàng ngày, đặc biệt là giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Những trường hợp cần xem xét nhập viện điều trị là: Những người sống một mình; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; người thừa cân béo phì; phụ nữ có thai; người cao tuổi; người bị bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).