Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 25/11 đến 2/12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.442 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 0,5% so với tuần trước. Đây là tuần ghi nhận nhiều ca SXH nhất từ đầu năm đến nay.
Thêm 55 ổ dịch mới
Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca). Trong tuần, Hà Nội cũng có thêm 55 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch…
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 16.314 ca mắc SXH (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong. Thành phố cũng đã phát hiện tổng cộng 1.292 ổ dịch SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn do biến chứng nặng vào ngày thứ 3 từ khi khởi phát SXH, Nguyễn T. T. (17 tuổi- Hà Nội) cho biết, gia đình T. có 3 người đang điều trị tại bệnh viện vì SXH, mặc dù trước đó cả gia đình rất tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do biết là Hà Nội đang vào mùa cao điểm của SXH. Thế nhưng khi có triệu chứng sốt, mọi người không vào viện ngay mà nghĩ thử điều trị tại nhà một vài ngày xem sao. Tuy nhiên tới ngày thứ 3, do quá mệt mỏi nên T. và người nhà đã phải nhập viện, các bác sĩ thông báo T. bị tổn thương thận, tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hầu hết những trường hợp nhập viện đều là những ca biến chứng nặng với nguyên nhân là nhập viện muộn.
Tiểu cầu giảm, nguy cơ biến chứng cao
Bác sĩ Hà Huy Tình - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) thông tin, hầu hết bệnh nhân SXH nhập viện tại Bệnh viện đều đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng, như chảy nhiều máu hoặc men gan tăng rất cao, suy gan cấp, chảy máu chân răng bất thường. Một số người kèm theo nhiễm khuẩn, viêm phổi. Bên cạnh đó, tiểu cầu của bệnh nhân tụt rất nhanh, phải xét nghiệm máu liên tục, có ca lấy máu 1 tiếng/lần. Bệnh nhân nào bị cô đặc máu cần lấy máu hàng ngày. Độ tuổi của người bệnh đa dạng, không đặc biệt tập trung ở nhóm nào.
“Đơn cử như bệnh nhân nam (19 tuổi) nhập viện ngày thứ 5 của SXH, được chuyển tới từ bệnh viện tuyến dưới do chảy máu mũi không cầm được. Tiểu cầu của người bệnh rất thấp, chỉ 5.000 đơn vị, phải truyền thêm hai khối tiểu cầu và cầm máu hai lần. Hoặc bệnh nhân nam (67 tuổi, ở Quốc Oai) nhập viện ngày 4/10 do được tuyến dưới chuyển lên. Tiểu cầu của bệnh nhân còn 5.000, men gan tăng nhiều, không chảy máu, không có bệnh nền đặc biệt. Hiện bệnh nhân đã được truyền tiểu cầu và theo dõi chặt tại khoa” – bác sĩ Tình cho biết.
Trao đổi về nguyên nhân khiến số người nhập viện với những biến chứng nặng tăng cao, bác sĩ Tình lý giải: Chủ yếu nguyên nhân vẫn là do sự chủ quan của người dân. Từ thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy tâm lý thông thường của người dân khi mới bắt đầu sốt sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau. Thế nhưng đây là là hành vi cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…
Hoặc nhiều trường hợp nhân viên nhà thuốc để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh đã kê thêm các loại thuốc có thành phần corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh. Cần nhấn mạnh, với SXH tuyệt đối không dùng ibuprofen và aspirin để hạ sốt vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa.
Một sự chủ quan khác, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
SXH hoàn toàn khác những bệnh khác ở chỗ thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh lại là khi hết sốt. Giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt), trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng” – bác sĩ Tình nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám vào ngày thứ 4-5 của bệnh, ở thời điểm này bệnh nhân đã hết sốt, nhưng gần như tất cả bệnh nhân tới khám lúc đó tiểu cầu đã giảm sâu, có những bệnh nhân tiểu cầu lúc vào viện chỉ còn 11 - trong khi con số này ở người thường là 150-450.