Sri Lanka: Nhọc nhằn phục hồi sau khủng hoảng

Hà Anh 08/07/2023 07:24

Một năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đường phố Sri Lanka trở nên yên tĩnh, không còn cảnh hàng dài người đứng chờ tại các trạm nhiên liệu và tình trạng cắt điện kéo dài hàng giờ đồng hồ đã chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề tồn tại vẫn cần thêm thời gian để khắc phục.

Chính phủ Sri Lanka đang tìm mọi cách để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng. Ảnh: Reuters.

Lạm phát đang giảm dần

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka kỳ vọng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại từ quý 3 năm nay sau 6 quý suy giảm, khi lượng kiều hối và khách du lịch tăng. Tuy nhiên, trong khi các nhà kinh tế đánh giá đất nước đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, thì các vấn đề tồn tại vẫn cần thời gian để được khắc phục. Chẳng hạn như chi phí thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiền thuê nhà ở cao và vẫn tiếp tục tăng, tỷ lệ nghèo đói đã tăng gấp đôi trong năm ngoái và được cho là còn tăng hơn nữa. Trong khi các cuộc đàm phán để sắp xếp lại gánh nặng nợ nần của chính phủ gặp phải một số bất ổn.

Bà Rehana Thowfeek - nhà kinh tế tại viện tư vấn Advocata Institute có trụ sở tại Colombo, cho biết: “Lạm phát đang giảm dần nhưng so với mức trước khủng hoảng, chi phí sinh hoạt vẫn rất cao và thu nhập không theo kịp. Phần lớn người nghèo Sri Lanka là những người làm công ăn lương hàng ngày và họ là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất".

Sri Lanka chìm trong khủng hoảng tài chính sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch và kiều hối từ công dân làm việc ở nước ngoài giảm. Vào tháng 3 năm ngoái, hàng nghìn người đã xuống đường để trút giận trước tình trạng cắt điện kéo dài và giá cả leo thang, đồng thời kêu gọi gia tộc Rajapaksa đã thống trị nền chính trị của đất nước trong suốt 20 năm qua từ bỏ quyền lực.

Sau nhiều tuần biểu tình và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã trốn ra nước ngoài, chính thức từ chức vào ngày 13/7/2022. Thay thế ông Rajapaksa là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người đã đưa ra các cải cách và thương lượng khoản cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD từ chính phủ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 3 năm nay.

Dù tình trạng tăng giá đang chững lại nhưng nó vẫn còn cao. Chỉ số lạm phát cơ bản ở mức 12% trong tháng 6 và dự kiến sẽ đạt một con số vào tháng 7 sau khi đạt đỉnh 70% vào tháng 9/2022 và sau khi giảm vào tháng 2 năm nay. Nhưng chi phí thực phẩm, quần áo, chăm sóc sức khỏe và nhà ở vẫn tăng cao.

Lạm phát thực phẩm đạt mức cao kỷ lục 95% trong tháng 9/2022 và mặc dù nó đã giảm xuống, nhưng mức 4,1% của tháng 6 có nghĩa là giá vẫn đang tăng.

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí gia tăng đang ảnh hưởng đến tỷ lệ nghèo đói chiếm 25% dân số vào năm ngoái và có thể tăng lên 27,4% trong năm nay. Tuần trước, tổ chức cho vay đa phương dành cho các nước đang phát triển đã phê duyệt khoản vay 700 triệu USD cho Sri Lanka, bao gồm 200 triệu USD cho người nghèo.

Còn nhiều việc phải làm

Trong một sáng kiến mới nhằm giúp đỡ người nghèo, Chính phủ Sri Lanka cho biết, sẽ triển khai chương trình chuyển tiền mặt trực tiếp cho khoảng 2,3 triệu gia đình vào cuối tháng này và cam kết chi 680 triệu USD mỗi năm dành cho hoạt động phúc lợi. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, khoản tiền phát hàng tháng từ 2.500 rupee (8 USD) đến 15.000 rupee (hơn 48 USD) là không thỏa đáng dựa trên mức độ nghèo đói ở Sri Lanka.

Trong khi đó, ông Kamal Padmasiri - thành viên hội đồng quản trị của Ủy ban phúc lợi xã hội do nhà nước điều hành - ước tính, dù mức yêu cầu là 13.800 rupee/người/tháng nhưng ngân khố không thể trả toàn bộ số tiền.

Ông Padmasiri nói: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng vỡ nợ. Các khoản trợ cấp sẽ được thực hiện dần trong 3 năm, mọi người cần vững vàng tiến lên trong thời gian này. Các khoản thanh toán không phải là vĩnh viễn vì chúng tôi không đủ khả năng".

Tuy nhiên, cũng đã có một số dấu hiệu khởi sắc khi doanh thu du lịch tăng 30% trong năm nay và lượng kiều hối tăng 76%, chuyển 3,2 tỷ USD vào kho bạc của Sri Lanka, giúp khoản dự trữ đạt mức cao nhất trong 14 tháng là 3,5 tỷ USD vào tháng 5, trong khi đồng tiền này tăng giá khoảng 18% trong năm nay.

Sri Lanka vẫn phải xử lý một phần lớn khoản nợ nước ngoài trị giá 36 tỷ USD, bao gồm 12,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế và 11,3 tỷ USD tín dụng song phương chủ yếu nợ Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tổng thống Wickremesinghe đã đặt mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán về nợ vào tháng 9, nếu thành công, việc giải ngân đợt tài trợ thứ 2 của IMF sẽ diễn ra suôn sẻ vào tháng 10.

Tuy nhiên, bất chấp dự báo tăng trưởng bắt đầu từ quý 7, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Sri Lanka dự kiến sẽ giảm 2% trong năm nay, sau khi giảm 7,8% vào năm 2022. Xuất khẩu giảm 11% trong năm nay cho đến tháng 5, chủ yếu do giảm 16,5% doanh số bán hàng may mặc sang Liên minh châu Âu và Mỹ.

"Chúng tôi thực sự cần tăng tốc hoạt động xuất khẩu, chúng tôi cần các nhà đầu tư thực sự tham gia và chúng tôi cần tiếp cận thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp khác" - ông Shiran Fernando, nhà kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Ceylon, cơ quan công nghiệp lớn nhất của Sri Lanka - cho biết.

"Chương trình của IMF sẽ chỉ giúp chúng tôi tiếp tục hoạt động trong một đến hai năm tới nhưng ngoài ra, chúng tôi cần cải cách mạnh mẽ hơn về đất đai, lao động và các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ" - ông Shiran Fernando cho biết thêm.

Tháng 10/2022, Nội các Sri Lanka đã thông qua đề xuất chuyển trạng thái nền kinh tế từ "quốc gia thu nhập trung bình-thấp" thành "quốc gia thu nhập thấp" để giúp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vốn khác nhau, cũng như triển khai các kế hoạch và chính sách để vực dậy nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sri Lanka: Nhọc nhằn phục hồi sau khủng hoảng