Chọn ở lại Pháp, giữa Paris tâm điểm của đại dịch, vẫn đứng trên phố để ghi lại những thước phim chân thực sống động nhất về cuộc sống người dân, xã hội Pháp, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh cho rằng chị là người may mắn trong mọi hoàn cảnh và bày tỏ sự thích thú không khí nước Pháp trong những ngày qua.
PV:Chị có thể chia sẻ những trải nghiệm đang diễn ra trong cuộc sống của chị?
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh: Tôi luôn nghĩ tôi là người may mắn, dù trong mọi hoàn cảnh. Giữa đại dịch mà có cơ hội được chứng kiến cuộc sống và tâm lý hành xử của con người trong bối cảnh đặc biệt ấy, chẳng phải là may mắn ư? Thế nên việc ở lại Pháp cũng là bình thường thôi. 12 cơ quan thường trú của VTV có phóng viên nào về nước đâu, các cơ quan báo chí khác của Việt Nam ở Pháp cũng thế cả. Tôi nghĩ đây là quãng thời gian mỗi phóng viên thường trú có cơ hội trải nghiệm và làm việc trong hoàn cảnh đặc biệt, thế nên chả việc gì phải đi đâu, các phóng viên Pháp thì họ trốn đi đâu mà mình lại nghĩ đến việc đi trốn (cười). Tôi rất thích không khí nước Pháp trong những ngày vừa rồi, họ giữ được tinh thần lạc quan, bình tĩnh và tin cậy vào chính phủ. Không có sự hoảng loạn vô lối, không có tranh giành cướp giật, đầu cơ hàng hoá, tôi coi đấy là một thái độ sống rất lịch lãm, lịch lãm với Tổ quốc. Ngoài ra thì tôi cũng rất hạnh phúc khi được chứng kiến một thái độ yêu văn hoá của dân tộc này, nhiều hoạt động nghệ thuật vẫn tiếp tục được diễn ra, theo cách của một thành phố đang phong toả. Nghệ sĩ opera thì hát trên ban công, nghệ sĩ sân khấu thì ngồi đọc kịch cho công chúng nghe trên facebook, nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn online, hoạ sĩ chia sẻ những kỹ thuật và tác phẩm cá nhân trên mạng xã hội, opera de Paris thì phát online miễn phí nhiều tác phẩm kinh điển... Nếu yêu thích nghệ thuật, dù ở nhà cũng không nhàm chán. Tôi học được nhiều về tinh thần sống của người Pháp trong những ngày vừa rồi.
Cuộc sống của chị vẫn đang nhẹ nhàng phía sau cánh cửa của mái ấm gia đình?
- Tuỳ khái niệm nhẹ nhàng là gì, nếu chỉ đi ra đi vào được coi là nhẹ nhàng thì tôi không nhẹ nhàng lắm (cười). Vừa làm báo hình, thỉnh thoảng là báo viết, lại còn trách nhiệm gia đình nên tôi nghĩ tôi hoạt động thể lực cũng cao đấy. Chẳng cần tập thể dục. Nhưng nếu nhẹ nhàng về tinh thần thì tôi nghĩ tôi nhẹ nhàng, được làm việc mình yêu thích trong sự tôn trọng và hỗ trợ.
Một ngày làm việc của chị đang diễn ra như thế nào?
- Thật khó mà nói là nó thế nào vì không có tiết tấu chung giữa các ngày. Hiện tại tôi là phóng viên thường trú, nghĩa là theo dõi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của Pháp cho VTV, phải đọc và theo dõi tin tức, cuộc sống cũng bị chi phối theo các sự kiện thời sự. Có hôm thì nhàn tản chỉ đọc và theo dõi tin, có hôm lại chạy vắt chân lên cổ từ chỗ này sang chỗ khác để làm tin và phóng sự. Nói chung là không có gì giống với giai đoạn làm chương trình “Văn hoá - Sự kiện và Nhân vật”, vất vả hơn nhưng tôi thấy cũng thú vị, nhiều thử thách. Tuổi này mà còn có điều mới để mình thấy cần nỗ lực và khám phá là hay rồi.
Là người rất dễ nhớ Hà Nội, Việt Nam bắt đầu từ những món ăn vỉa hè, những gương mặt thân quen, chị có suy nghĩ gì trong thời gian xa cách không về quê vừa rồi?
- Những ngày Paris phong toả, tôi có thẻ nhà báo nên hay được ra phố, vừa để làm việc vừa để tìm hiểu xem ai là người ra phố giai đoạn này và đây là lúc nhớ Hà Nội da diết. Paris khi vắng có nhiều nét chung như Hà Nội thời còn thanh bình, ít ồn ã. Những lúc ra phố như thế tôi hay nghĩ nếu lãnh đạo thành phố Hà Nội chịu khó đi lang thang khắp thành phố trong những ngày Hà Nội giãn cách, sẽ dễ nhận ra những nét đẹp của Hà Nội cũng như những nét nhem nhuốc lộn xộn. Không người, không hàng quán, kiến trúc và quy hoạch Hà Nội sẽ hiện lên rõ hơn, nhìn để biết nên làm gì và không làm gì cho thành phố. Tôi toàn nghĩ về điều này, thậm chí tôi còn ước có một ông như Haussmann - thị trưởng của Paris vào thế kỷ thứ 19, người đã dũng cảm phá đi những nét xấu xí của Paris cũ, cải tạo và quy hoạch lại Paris một cách hợp lý, có tầm nhìn, và đầy tính nghệ thuật như hiện tại. Tôi mơ có một chính trị gia dám làm và làm được như thế cho Hà Nội.
Và chị có nhớ về tuổi thơ của chị không?
- Tôi có một tuổi thơ rất đáng để nhớ, một tuổi thơ giàu có, nhiều hương vị.
Tôi đi sơ tán với đoàn giao hưởng của mẹ tôi ở vùng cọ Phú Thọ, rồi về Hà Nội giữa đêm Mỹ ném bom B52 thành phố, được chứng kiến thủ đô trong ngày thống nhất, rồi lại sống những năm tháng bao cấp khó khăn.
Nhất là tôi lại sinh ra và lớn lên với nhiều nghệ sĩ, bom Mỹ cũng vẫn chơi giao hưởng, đói cũng vẫn tập ballet đến toét chân, đêm diễn Nila ngày xách nước nấu cơm đến chai tay, lộng lẫy trên sân khấu mà về đến nhà ngồi lộn trái quần ra may lại vì mặt ngoài quá bạc… chứng kiến cuộc sống vừa lãng mạn vừa bi hài nhưng rất thi vị như thế, bạn bảo làm sao không thấy yêu và nhớ?
Những kỉ niệm tuổi thơ của chị không thể nào quên?
- Tôi nghĩ mình là người được chứng kiến nhiều chuyện của giới Văn nghệ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Từ những cô bác lớn tuổi như Hoài Thanh, Tô Hoài, Chu Ngọc, Đào Mộng Long, Tào Mạt, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Đỗ Chu, Xuân Trình, Nguyễn Đình Nghi đến những cô chú anh chị thế hệ sau như chú Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Lưu Quang Vũ, Đỗ Doãn Châu, Doãn Hoàng Giang… Tôi nhớ nhiều… Có lẽ nhớ nhất là không khí lãng mạn và yêu nghệ thuật của những người thế hệ ấy. Tôi rất nhớ những đêm đông đã lên giường rồi mà còn có người đến nhà gõ cửa vì vừa viết được kịch bản hay hay áng thơ tâm đắc, thế là cả nhà lại lồm cồm bò dậy để nghe.
Nhớ cả những cuộc tranh luận nảy lửa của bố tôi và bạn bè về các vấn để chính trị, xã hội. Không khí vừa lãng mạn vừa đầy lý tưởng ấy là những kỷ niệm quí giá với tôi. Ngẫm lại, tôi hiểu vì sao giai đoạn ấy có nhiều tác phẩm hay, vì mọi người yêu nghề lắm, và dũng cảm nữa. Những vở kịch của chú Tào Mạt, Nguyễn Đình Thi, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, bị duyệt lên duyệt xuống, ách đi ách lại, thế mà rồi vẫn viết, vẫn trăn trở. Chuyện của họ chỉ thấy nói đến nghề, đến tác phẩm, chả thấy ai nói về xe honda mới mua, hay chai rượu xịn nào mới được tặng. Tôi thích bầu không khí ấy.
Là con gái của NSND Đình Quang, chị có thể chia sẻ những tình cảm ký ức của chị về bố?
- Khó nhỉ, vì nhiều lắm. Tôi là đứa con gái thân bố hơn mẹ, chúng tôi có nhiều điểm chung dễ nói chuyện với nhau hơn. Có lẽ một phần vì mẹ tôi là con gái Hà Nội, trong một gia đình trí thức cổ nên tính mẹ tôi kỹ, nói thì phải thế này, ăn thì phải thế kia, làm thì phải thế nọ, mẹ tôi rèn kỹ lắm nên tôi trốn vào bố. Bố tôi tự do hơn, cho tôi cơ hội được bình đẳng trong trao đổi, chia sẻ. Tôi nghĩ cha mẹ tôi đều là những người nhân hậu, tốt bụng. Bố tôi là người chính trực. Đi theo cách mạng từ năm 17 tuổi với tất cả sự lãng mạn cách mạng, dù cuộc đời có thăng trầm thế nào, sự nghiệp lên xuống ra sao bố tôi vẫn giữ được lý tưởng của ông, tinh thần trí thức của ông, đấy là điều mà tôi trọng bố tôi nhất - dưới góc độ con người nhìn nhau chứ không phải con gái nhìn về bố.
Bố có ảnh hưởng đến chị ra sao?
- Tôi nghĩ tôi ảnh hưởng bố tôi nhiều trong nhân sinh quan, trong cách nhìn con người và bản thân. Bố tôi là người chính trực và yêu con người, với bản thân thì khá khắc kỷ. Lúc bố tôi còn sống, nhiều lần tôi bảo ông nên viết hồi ký để con cháu còn biết bố đã sống cuộc đời thế nào, bố tôi toàn từ chối, ông bảo “ai viết hồi ký thì cũng lại thiếu công bằng với bản thân, toàn tự ca ngợi mình, bố không viết. Bố không muốn tự ca ngợi mình rồi lại chờ mọi người vỗ tay”. Tôi nghĩ tôi ảnh hưởng ông tính độc lập và công bằng với bản thân. Tốt xấu tự biết, không chờ ai vỗ tay và không ngại ai ném đá.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm văn hóa nghệ thuật có tác động đến sự lựa chọn công việc của chị sau này, trở thành một nhà báo - BTV chuyên về mảng văn hóa và tham gia tích cực và các hoạt động văn hóa?
- Chắc vậy, ngoài ra tôi cũng yêu văn hoá thực sự nữa. Chắc là số phận.
Vậy con đường nào dẫn chị tới nghề báo?
- Khi bé tôi rất thích được múa ballet, lớn thì thích làm đạo diễn sân khấu, và làm báo. Múa thì bị mẹ cản vì sợ tuổi nghề ngắn và tôi không đủ tài, đạo diễn sân khấu thì chính bố tôi là người ngăn cản vì sợ tôi vất vả, đây chính là yếu điểm của bố tôi - và nhiều người thế hệ trước, hướng nghiệp con cái theo ý mình vì sợ con vất vả. Cuối cùng báo là nghề tôi thích và tự chọn. Nhưng cũng may, tôi rất thích công việc này.
Đối với chị, những nhân duyên nào đã mở ra chương trình “Văn hóa - Sự kiện và Nhân vật”?
- Năm 2005 tôi về Việt Nam sau mấy năm ở Pháp, chương trình “24 hình/s” đã không còn như hồi tôi làm và cũng đã đóng cửa. Chúng tôi, gồm một nhóm của VTV3 đã bàn tính để mở ra chương trình này, bàn tới bàn lui, viết format đi viết lại, rồi cuối cùng ra thành chương trình “Văn hoá - Sự kiện và Nhân vật”. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Chị đã lựa chọn các sự kiện và nhân vật để giới thiệu trên mỗi số theo tiêu chí nào?
- Tôi cố gắng tìm ra những sự kiện có đóng góp thực sự cho phát triển của văn hoá, tất nhiên không phải lúc nào cũng có nên đôi khi cả những sự kiện được công chúng hào hứng quan tâm. Tôi mời những người mà tôi theo dõi họ đã lâu, nhìn thấy những bước đường đi của họ trong nghề nghiệp dù không hẳn lúc nào cũng đã thành công nhưng tâm huyết và nghiêm túc. Với những nghệ sĩ hoạt động thuần giải trí, tôi cho công chúng tiếp cận cách nghĩ của họ để hiểu, chứ không chỉ giải trí. Nhiều khi hiểu để xác định giá trị sản phẩm mà mình được nhận cũng là một cách để người ta biết đâu là văn hoá.
Thông qua chương trình, mong muốn của chị muốn hướng tới người xem là gì?
- Tôi muốn, đúng hơn là cả ekip chúng tôi muốn cho công chúng có một cái nhìn đa chiều và tiếp cận càng nhiều với tư duy của những người làm nghệ thuật càng tốt. Tôi muốn cho công chúng biết nghệ sĩ nghĩ gì, quan niệm của họ về nghề nghiệp ra sao, điều gì thúc đẩy họ sáng tạo, tâm lý sáng tác của họ thế nào. Nói chung là những điều quan trọng đối với nghệ thuật. Họ yêu ai, mặc gì, quần áo thế nào, ăn gì… tôi kệ! Có lẽ chính vì thế mà chương trình bị bảo là kén khách. Tôi thì nghĩ khác, tôi trân trọng khán giả truyền hình theo cách của tôi, tôi muốn họ tư duy và từ đó có hứng thú tiếp cận với nghệ thuật và làm giàu có thêm bản thân mình bằng nghệ thuật. Tôi không đãi họ món hàng mà chả ích lợi gì cho bản thân họ, nếu thích họ tự tìm kiếm, tôi không phát chẩn món này.
Chương trình “Văn hóa - Sự kiện và Nhân vật” đã gây ấn tượng sâu đến người xem và là nơi kết nối tuyệt vời giữa nghệ sĩ - tác phẩm và công chúng, chị chia sẻ những kỉ niệm đã có khi làm chương trình?
- Trời ơi, 13 năm với gần 1.000 chương trình làm sao tôi có thể nhớ hết được. Tôi chỉ nhớ không khí đi trên dây của nhóm chúng tôi thôi, làm thế nào để chương trình vừa có văn hoá mà vừa có công chúng rộng rãi, vừa nói đến được bản chất những vấn đề của văn nghệ Việt Nam mà lại vừa không quá chuyên biệt khiến người xem ngại theo dõi. Rồi được phép mời những nhân vật được coi là hơi “nhạy cảm” mà thực chất chỉ là những nghệ sĩ dám chia sẻ điều họ nghĩ trong mong muốn xây dựng cho một nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam có phẩm cấp hơn. Có những năm tháng chương trình phải qua 4 cấp duyệt, từ lãnh đạo phòng, ban, hội đồng duyệt đến đảng uỷ Đài, rồi mới được lên sóng (các chương trình khác của Đài chỉ qua 3 cấp). Chúng tôi luôn phải đem chúng tôi ra để đảm bảo là nhân thân của nhân vật tốt, hoạt động nghệ thuật trong sáng. Nghĩ lại, cũng là những kỷ niệm quí. Tôi nghĩ chương trình “Văn hoá - Sự kiện và Nhân vật” ít nhiều cũng làm cho xã hội biết đến hoạt động văn hoá đúng nghĩa và nghệ sĩ đúng nghĩa.
Sau thời gian rất dài thực hiện các chương trình về văn hóa, chị có những suy nghĩ chung gì về văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam?
- Nói thế nào cho đúng bản chất vấn đề nhỉ? Vì phân tích thì rất dài. Tôi nghĩ thế này, nghệ sĩ Việt Nam không dốt, thậm chí đi ra thế giới rồi thì thấy họ thông minh là đằng khác. Làm nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại còn sung sướng và dễ dàng hơn ở nước phát triển vì sự cạnh tranh tài năng chưa nhiều. Hát được vài bài đã nổi tiếng, đóng mấy phim giải trí đã có quảng cáo dồn dập, đời sống xa hoa. So với các nước phát triển thì thực ra họ làm nghệ thuật còn khó và khổ hơn vì người tài quá đông. Tuy thế, do chúng ta chưa có một đời sống nghệ thuật cởi mở và khuyến khích sự đa dạng sáng tạo nên văn hoá nghệ thuật lại chưa phát triển và nghệ sĩ thực thụ thì bức bối, nghệ sĩ giả danh thì lười biếng và chủ yếu hoạt động xoay quanh việc kiếm tiền, đã thế lại đổ lỗi cho thiếu tự do sáng tạo. Đôi khi tôi nghĩ việc cởi mở trong sáng tác càng được thúc đẩy sớm càng tốt, để trả cho các giá trị về đúng chỗ. Văn hoá thì phát triển mà nghệ sĩ thì ai về chỗ nấy. Ngoài ra, cũng lại đi ra thế giới rồi mới thấy việc ngoại giao văn hoá quan trọng vô cùng, tiếc rằng chúng ta chưa phát huy được việc này, dù nền văn hoá nghệ thuật của ta không phải không có điều hay.
Còn nghề báo chuyên mảng văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam thì sao,thưa chị?
- Tôi biết nhiều bạn nghề ở mảng nội chính chẳng hạn, coi phóng viên mảng văn hoá là ấm ớ, chả biết gì. Điều này cũng đúng mà sai. Nếu chỉ viết về hoa hậu hay người mẫu ăn gì uống gì “đập hộp” ra sao thì đúng là chỉ cần nhanh nhạy nhưng tri thức không phải là áp lực. Còn nếu muốn làm sâu hơn, đúng nghĩa là phóng viên văn hoá thì phải nghe xem đọc, và cập nhật thông tin, tri thức liên tục. Cách nghĩ về phóng viên văn hoá này cũng bình thường, cho thấy một thực tế rằng nước mình không coi văn hoá là quan trọng nên phóng viên văn hoá và giải trí chả ai biết khác nhau điều gì. Đến nhiều tờ báo lớn còn chẳng có mục văn hoá mà dồn hết vào giải trí cơ mà (cười). Tuy thế, nói thật là tôi thấy nhiều em trẻ làm phóng viên văn hoá cũng lười đấy, nên bị bảo ấm ớ cũng không oan. Suy cho cùng, nghề nào cũng thế, là câu chuyện phấn đấu của mỗi cá nhân trong bối cảnh của môi trường nghề nghiệp thôi. Không có mẫu số chúng nào cho một nghề cả.
Hiện gia đình riêng ở Pháp, công việc và người thân ruột thịt lại ở Việt Nam, chị làm thế nào để duy trì nhịp đều đặn đi về giữa hai đất nước này?
- Hiện tại tôi chỉ làm việc ở Pháp, khi nào cơ quan gọi về họp thì về, có phép thì về, như tất cả phóng viên thường trú khác thôi.
Có khi nào chị cảm thấy bị áp lực từ công việc đến cuộc sống không?
- Tôi bắt đầu đi làm thì vào luôn VTV3, lúc mới bắt đầu thành lập, áp lực để không thủng sóng từng ngày từng giờ, có lẽ vì thế nên đã quen, có biết công việc không áp lực là thế nào đâu (cười). Với lại tôi học piano chuyện nghiệp từ bé, lúc các bạn cùng tuổi học xong thì được chơi, mình lại kỳ cạch tập đàn, thế nên chắc quen các kiểu áp lực rồi, tôi thấy sự bận rộn của nghề báo và bà mẹ đông con thú vị mà.
Nhìn mọi việc đánh giá rất khách quan, cảm nhận được mặt tiêu cực đang xảy ra nhưng vẫn nhìn vào sự tích cực, liệu đây có phải là điểm sáng để chị vẫn giữ được niềm vui và những hi vọng vào sự tốt đẹp luôn hiển hiện trong cuộc sống?
- Tôi không tô hồng cuộc đời và cũng không bôi đen nó, tôi công bằng. Nghề báo giúp tôi không cảm tính, nhìn vào bản chất mọi việc hơn là bị sự kiện cuốn đi. Ngoài ra tôi nghĩ để xây dựng xã hội, người ta cần soi vào chính bản thân mình hơn là chỉ chăm chăm đi nhặt sạn ngoài đời. Mỗi cá nhân cố gắng giữ phẩm cách thì xã hội mới tốt. Thử hỏi cũng là cuộc cách mạng ấy mà sao thế hệ trước lý tưởng thế, giờ lại tham nhũng đến tàn bạo? Do người ta quyết định chọn làm thế chứ không hẳn là cơ chế. Vì thế tôi thích được cho mọi người thấy những điều tốt đẹp mà nếu mỗi cá nhân cố gắng, để hy vọng hơn là làm cho tuyệt vọng, đến chả muốn làm gì, buông xuôi, cho chìm.
Thời gian qua, khi quan sát giãn cách xã hội, cũng như bệnh dịch, có nhiều suy nghĩ thay đổi trong chị không và cụ thể ra sao?
- Tôi không có suy nghĩ gì thay đổi, chỉ là cảm nhận rõ hơn những điều mình vốn vẫn nghĩ. Tôi vẫn nghĩ chủ nghĩa tiêu dùng làm người ta sung túc hơn nhưng không chắc đã hạnh phúc hơn. Hai tháng ở nhà không du lịch, không nhà hàng, không mua sắm rồi cũng trụ được, quen dần và cuối cùng thấy thật dễ chịu nghĩa là đôi khi ta cứ nghĩ vật chất khiến ta rất hạnh phúc hoá ra không hẳn. Có nhiều cách để tiếp cận niềm vui, chỉ là mình chọn cách vui nào.
Những điều gì chị đang truyền tải và chia sẻ với người xem trong nước về các phóng sự từ nước Pháp?
- Bên cạnh những tin tức chính trị xã hội không thể không đưa, tôi cố gắng đưa những câu chuyện mà người Việt Nam nên biết, những điều làm nên giá trị của đất nước khác. Xem để hiểu và học hỏi thêm thì càng tốt. Tôi có quan niệm làm báo rằng những điều không có mình nó vẫn diễn ra, như hội nghị, hội thảo, đưa tin thì cũng quan trọng đấy nhưng những điều cần có mình thì người xem mới biết khiến tôi thích làm hơn. Tôi đi theo quan niệm này.
Nước Pháp đang dần hồi sinh như thế nào, và chị vẫn đang theo sát với nhịp sống nước Pháp trong thời gian này ra sao?
- Như nhiều nước khác, Pháp sẽ cần một thời gian để vực dậy kinh tế, nhưng họ đã có những bước chuẩn bị cho việc này và khá kịp thời. Việc chuyển đổi nghề nghiệp cho những cá nhân mất việc ở những ngành dịch vụ được đưa vào chương trình hành động của chính phủ và tôi nghĩ đây là điều khá quan trọng để giữ bình ổn cho xã hội. Thất nghiệp sinh đói nghèo và nhiều hệ luỵ kèm theo, đây là việc mà tôi quan tâm và mong muốn được chia sẻ.
Mong muốn của chị lúc này là gì?
- Được làm một phim tài liệu về những vấn đề mà tôi rất thích. Tôi mong điều này.
Xin cảm ơn chị, và tôi tin mong muốn về việc thực hiện bộ phim tài liệu của chị sẽ sớm thành sự thật.