Đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Kể từ đây, các đợt khảo cổ được tiến hành thường xuyên hơn và thu được nhiều kết quả đặc biệt. Lượng du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng ngày một tăng. Từ đó, nhu cầu về xây dựng Bảo tàng Hoàng cung được đặt ra. Nhưng đến nay, ý tưởng vẫn chưa được triển khai.
Hiện vật gốm, sứ thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long.
Những cổ vật khảo cổ được từ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được trưng bày một phần tại khu di tích. Phần khác được lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội. Từ năm 2010, khi trụ sở của Bảo tàng Hà Nội được chuyển về địa điểm mới trên đường Phạm Hùng thì kho của bảo tàng được mở rộng, không phải chứng kiến cảnh chất chồng hàng ngàn hiện vật trong căn nhà nhỏ số 5B phố Hàm Long, Hà Nội.
Ban đầu, Bảo tàng Hà Nội có thể trưng bày các hiện vật liên quan đến Hoàng thành Thăng Long. Nhưng để làm nổi bật giá trị lịch sử mang tính toàn cầu của di sản thì rất cần thiết phải xây dựng Bảo tàng Hoàng cung. Đã từng có ý kiến cải tạo tòa nhà Vaxuco ở góc đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng để làm nơi trưng bày hiện vật Hoàng cung.
Đến nay, sau nhiều lần khai quật, số hiện vật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long lên đến con số hàng trăm ngàn. Đó là diện tích khai quật còn bị hạn chế. Hiện tại, theo quy mô, khu di tích có vùng lõi của di sản rộng 18,395 ha, bao gồm: Trục trung tâm Thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Toàn bộ Khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành - nơi ở và làm việc của vua và Hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và lịch sử thăng trầm của Kinh đô Thăng Long, kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Ngay từ lần khảo cổ năm 2002 đã gây chấn động không chỉ giới khảo cổ trong nước mà cả thế giới. Các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới đã phát hiện hàng loạt di tích, di vật có niên đại chồng xếp lên nhau, chứng minh chiều dài lịch sử hơn 1.300 năm liên tục không gián đoạn từ thời Đại La, qua Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cho tới ngày nay.
Một hiện vật đầu rồng tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Kể từ khi mở cửa cho du khách tham quan năm 2004 đến nay, lượng du khách mỗi năm mỗi tăng cao. Năm 2018, có khoảng 52 ngàn du khách tới tham quan Hoàng thành Thăng Long. Con số này tuy cao nhưng chưa tương xứng với quy mô, giá trị di sản. Bởi vì so với Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn là một con số khiêm tốn. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Văn Miếu Quốc Tử Giám đã là 970 ngàn lượt khách. Lý do theo PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa là: Du khách và ngay cả con cháu chúng ta chưa nhìn thấy sự hấp dẫn khi đến Hoàng thành, lý do đơn giản là vì bóng dáng lầu son gác tía, cung điện nguy nga mô tả trong sử sách chưa thể nhìn bằng mắt. Du khách đến Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long hiện nay cũng chỉ chiêm ngưỡng được những di tích còn lại trên mặt đất như Đoan Môn, Cột Cờ của thời Nguyễn và một số di tích thời Pháp, hoặc phục chế lại như Hậu Lâu. Các kiến trúc khác trong sách sử nêu thì du khách đều không thể tưởng tượng được quy mô và hình dáng các kiến trúc của cung đình khi xưa.
Nhu cầu thiết thực của người dân đã thôi thúc cơ quan quản lý Nhà nước và những người làm công tác khoa học, chuyên môn ý tưởng phục dựng lại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nùng trong khu di tích. Trước Điện Kính Thiên là đôi rồng đá lớn thời Lê còn lại. Thế nhưng, ý tưởng từ năm 2015 đến nay vẫn chưa thể được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai. Vấn đề là khảo cổ học và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chưa thể xây dựng được diện mạo cụ thể của Điện Kính Thiên - công trình trung tâm của Hoàng cung thời Lê được xây dựng trên nền móng cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần. Để thúc đẩy việc xây dựng Điện Kính Thiên có thể thực hiện sớm, gần đây, công cuộc khai quật thăm dò khu vực điện Kính Thiên đã mang lại nhiều nhận thức mới. Tuy nhiên, theo TS Phạm Quốc Quân- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nhận định: Những dữ liệu này chưa được sắp xếp lại thành hệ thống, chưa có sự kết nối, kết quả khai quật và thăm dò khu vực điện Kính Thiên mấy năm qua chưa đủ toát lên diện mạo của nó. Đây là công việc trường kỳ, tỉ mỉ do đó khai quật và thăm dò điện Kính Thiên và khu vực xung quanh vẫn là ưu tiên hàng đầu, cần tập trung để có kết quả phục vụ đề án nghiên cứu khôi phục không gian Điện Kính Thiên.
Bên cạnh những hiện vật có thể lưu giữ được lâu như sành, sứ, thì những hiện vật gỗ khai quật được rất khó bảo quản. Số lượng hiện vật này rất nhiều. Bên cạnh công tác bảo quản cũng cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học ngay, trong khi đó, lượng nhà khoa học hạn chế mà khối lượng công việc lại rất nhiều. Song song với việc nghiên cứu là công tác trưng bày hiện vật. Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Số lượng di vật khai quật phong phú và đa dạng, đề xuất kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép triển khai ngay nhiệm vụ tu sửa, nâng cấp tòa nhà dự kiến làm nơi trưng bày Bảo tàng Hoàng cung (hiện do Bộ Quốc phòng quản lý) để từng bước trưng bày di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tạo sản phẩm hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế”.
Ngói ống lưu ly hình rồng tại Hoàng thành Thăng Long.
Cùng với sáng kiến xây dựng Điện Kính Thiên bằng mô hình 3D trước để các nhà khoa học cho ý kiến, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc- Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô đề xuất: Năm 2020, Bộ VHTTDL và TP Hà Nội nên tiếp tục mở rộng hố khai quật từ vách Nam về phía Nam theo hướng nền điện Kính Thiên. Hướng này có thể sẽ phát lộ vị trí của các gác Long Đồ, điện Trường Xuân, điện Thiên Khánh, cầu Phượng Hoàng đầu đời vua Lý Thái Tông. Nếu mở rộng vách Tây về phía Tây có thể chạm tới vị trí của hai điện Long An và Nguyệt Minh được xây dựng trong năm định đô 2010.
Các nhà khoa học cũng đề xuất cần mở rộng thêm hố khai quật mới ngay trước thềm rồng Điện Kính Thiên, tăng quy mô và đầu tư xứng đáng để tăng tốc nghiên cứu khôi phục Điện Kính Thiên.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng: Những khảo cổ, trưng bày hiện vật của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long sẽ sớm tạo điều kiện để thành lập Bảo tàng Hoàng cung.