Sau sự cố sập cầu Ghềnh, theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực thượng lưu và hạ lưu sông Đồng Nai nơi cầu Ghềnh bị sập, có hàng trăm ghe tàu, phần lớn là những tàu tải trọng trên dưới 1.000 tấn đang neo đậu chờ ngày thông luồng.
Tàu chở vật liệu xây dựng ùn tắc trên vùng thượng lưu cầu Ghềnh.
Đường sông cũng tê liệt
Tình trạng ùn ứ các phương tiện vận tải thủy trên sông Đồng Nai diễn ra từ khi vụ sập cầu xảy ra đến nay, do luồng chính lưu thông bị ách tắc. Ông Nguyễn Văn Thanh (quê Sóc Trăng), chủ một sà lan chở cát hiện đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai (thuộc địa bàn xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho biết, sáng 20/3, mặc dù sà lan đã được bốc hàng để chờ thủy triều lên là chở đi Tiền Giang. Tuy nhiên, sau khi cầu Ghềnh bị đâm sập, luồng chính của tuyến giao thông thủy trên sông Đồng Nai đã bị chặn, do đó tàu đã phải nằm chờ từ đó đến nay.
Vì tàu, sà lan không vận chuyển được cũng đã khiến cho các bến thủy nội địa và cơ sở kinh doanh cát, đá, vật liệu xây dựng nằm dọc sông Đồng Nai phải đóng cửa chờ đợi. Máy móc, xe vận tải chở cát, đá cũng tạm dừng hoạt động. Đại diện lãnh đạo Công ty Vật liệu xây dựng Biên Hòa cho biết, trung bình mỗi ngày công ty cung cấp trên 1.000 tấn cát và đá xây dựng cho khách hàng, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng nay, tất cả tàu ghe đều đang chờ lệnh thông tuyến qua cầu Ghềnh mới được đi. Rất nhiều khách hàng hối thúc nhưng “lực bất tòng tâm”. Hiện mỗi ngày trôi qua, cơ sở thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Gỡ rối giao thông thủy
Trước những bức xúc nêu trên, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ GTVT) vừa có công văn gửi các cơ quan, cá nhân, tổ chức tham gia vận tải đường thủy... thông báo về việc cho phép các phương tiện thủy dưới 400 tấn trên sông Đồng Nai được lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh, dưới sự dẫn dắt của lực lượng CSGT đường thuỷ.
Theo đó, kể từ 7 giờ sáng 23/3, phương tiện tự hành có trọng tải 300 tấn phải lưu thông một chiều và từng chiếc một qua cầu; các đơn vị chức năng phải phối hợp để tổ chức điều tiết, cắm các phao tiêu hướng dẫn và sử dụng ca nô áp tải, hướng dẫn các tàu thủy lưu thông qua khoang thông thuyền phụ cầu Ghềnh (khoang số 4) nằm ở phía bờ phải thuộc phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa). Phương tiện đoàn lai dắt có hai chiếc tải trọng đến 400 tấn phải lưu thông từng chiếc, một chiều, trong điều kiện ngược dòng nước. Thời gian lưu thông qua cầu Ghềnh được quy định từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối hàng ngày. Nhanh nhất cũng phải mất 10 ngày nữa mới có thể thông luồng đối với luồng chính qua khu vực cầu Ghềnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, kinh phí xây dựng cầu có thể mất khoảng 250 - 300 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí trục vớt các hạng mục cầu bị chìm được một nhà thầu đưa con số ước lượng hơn 12 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3 phải thực hiện trục vớt được tàu đẩy sà lan bị chìm và các dầm cầu, để tiến hành công tác sửa chữa vào đầu tháng 4 tới.
Khẩn trương khắc phục
Để có thể khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam một cách nhanh nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Ghềnh, tại Km1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM theo lệnh khẩn cấp sau khi xét báo cáo của Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi tới. Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án nêu trên và được giao thầu từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc bố trí 298,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện đầu tư công trình; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định. Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng số vốn được cấp theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Sáng 24/3, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã thông báo thay đổi lịch trình chạy tàu, áp dụng từ 17h ngày 31/3. Theo đó, các chuyến tàu tại ga Sài Gòn sẽ xuất phát sớm hơn 1 giờ, và các chuyến tàu cập bến ga Sài Gòn sẽ trễ hơn 1 giờ so với thời gian in trên vé (đối với các vé mua trước 0h ngày 24/3). Riêng các vé mua sau 0h ngày 24/3, thời gian in trên vé là thời gian khởi hành đã được điều chỉnh.
“Với các trường hợp bị nhỡ tàu do thay đổi giờ khởi hành, hành khách sẽ được bố trí đi chuyến tàu kế tiếp hoặc trả lại 100% tiền vé”, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết. Tuy nhiên, đối với các vé mua sau 0h ngày 24/3 (tức đã in thời gian điều chỉnh) sẽ không được hưởng chính sách trên. Do thay đổi lịch trình, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn khuyến nghị hành khách tới sớm hơn để tránh trễ tàu. Ngược lại, các thân nhân có thể sắp xếp lại thời gian để đón người thân hợp lý hơn.M.Duy