Sự cố sau nghiệm thu 19 ngày của thuỷ điện Sông Bung 2 là vấn đề đã được cảnh báo trước. Nếu không có biện pháp khắc phục, kiểm soát nghiêm ngặt thì nguy cơ tái diễn gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. GS.TSKH Phạm Hồng Giang- Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết.
Đồng thời ông cho rằng, sửa chữa gì trong mùa mưa này đều rất khó khăn nhưng cần phải làm ngay vì hiện đang mùa mưa bão, nếu không khắc phục được thì các đợt lũ tiếp theo sẽ phá hoại dưới hạ du là không tránh khỏi.
PV: Thưa ông, dư luận đang đặt câu hỏi về việc tích nước ở thuỷ điện Sông Bung 2 vào thời điểm này là không thích hợp, dẫn đến sự cố đáng tiếc?
GS Phạm Hồng Giang: Đứng về mặt khoa học và kinh nghiệm làm thuỷ điện cho thấy, chủ đầu tư tiến hành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào lúc này, khi đang mùa mưa là không phù hợp.
Về lý thuyết, Nhà máy thuỷ điện Sông Bung 2 là công trình lớn nên làm đường hầm dẫn dòng (nhà máy thuỷ điện nhỏ ít khi làm hầm- PV) để dẫn dòng, đưa nước tránh khu vực xây dựng đập để triển khai thi công. Đập xây xong rồi, khi chuẩn bị vận hành và tích nước phải chắn lấp dòng đường hầm này để nước không chảy qua được. Điều này đã được thể hiện rõ trên thiết kế và phải làm rất cẩn thận.
Về thời điểm tiến hành, việc này thường làm trong mùa khô, khi nước về rất ít vì phần đường hầm vốn là chỗ thấp nhất, sâu nhất, khi bị ngập sẽ rất khó làm. Đơn vị thi công tiến hành đắp đê quai trước cửa đường hầm, sau khi khô rồi sẽ đổ bê tông chắn lấp cửa vào, đặt cửa van, lấp kín đường hầm. Khi đóng cửa van, nước mùa mưa rất nhanh nên tràn qua đê quai. Nếu công trình thiết kế chưa đầy đủ, chưa tốt hoặc làm vội, đến đấy chưa xong, hoặc có thiếu sót thì nước về nhanh, mạnh sẽ phá cửa van, làm sạt lở cả mái hạ lưu như hình ảnh báo chí đã đăng tin.
Nếu cho rằng nguyên nhân sự cố do thời tiết, theo ông, điều đó có thuyết phục?
- Theo tôi lũ này chưa phải lũ lớn. Và ngay cả khi lũ mạnh, nhưng đã chảy vào hồ thì đều dừng lại. Chúng ta cũng đã có đê quai chắn ở đó, đáng lẽ phải không có chuyện gì. Đổ lỗi cho thời tiết là không đúng.
Trong khi đó, lượng nước đo được trong hồ chứa mới chiếm 1/3 so với thiết kế. Nên nhớ, mới bắt đầu tích nước từ 3/9. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, việc tác động của lũ phá vỡ cửa van là tác động trực tiếp. Nếu không vỡ lúc này thì sẽ vỡ lúc khác. Với mức nước rất thấp như thế thì đã vỡ rồi, sau đây đầy hồ thì cửa van chắc chắn không chịu nổi áp lực nước rất lớn, rồi cũng sẽ vỡ thôi thì tác hại còn khủng khiếp hơn.
Việc cần làm hiện nay là rà soát lại toàn bộ quy trình. Nếu lỗi do thiết kế chưa đầy đủ, thiếu an toàn thì khắc phục ở đó. Nếu do thi công không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cửa van bị phá hay thời điểm lấp chưa thích hợp do lỗi chỉ đạo thi công… cũng đều cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và sửa chữa.
Để bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa mưa, việc lấp dòng liệu có khả thi, thưa ông?
- Trước mắt việc phát điện chưa thể thực hiện được trong mùa mưa này. Về nguyên tắc phải lấp dòng, tích nước vào mùa khô sau đó đón mùa lũ về, lượng nước trong hồ cao mới phát điện được. Bây giờ lòng hồ đã được tháo cạn nước thông qua hầm dẫn dòng để về hạ lưu thì không thể phát điện được. Đối với khu vực hạ du sự cố lần này chưa bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư cũng khẳng định tất cả các hạng mục công trình chính hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn nhưng nỗi bất an, lo lắng về nguy cơ vỡ đập dây chuyền là có cơ sở.
Sửa chữa gì trong mùa mưa này đều rất khó khăn nhưng cần phải làm ngay vì hiện đang mùa mưa bão, nếu không khắc phục cái này thì các đợt lũ tiếp theo sẽ phá hoại dưới hạ du là không tránh khỏi. Riêng việc sửa chữa đường hầm để tích nước thì không thể đặt ra vào mùa này, vẫn phải để ngỏ để nước trên thượng nguồn về đi qua đường hầm này xuôi xuống hạ du. Tóm lại, chưa thể vội vàng lấp dòng được trong mùa này. Đây cũng là bài học lớn cho các thuỷ điện khác trong vận hành.
Ngoài ra, nếu như giai đoạn trước tăng tiến độ thực hiện dự án thì có thể tránh được một phần sự cố đáng tiếc này. Có lẽ, chủ đầu tư muốn vớt vát để chạy được thuỷ điện trong mùa mưa này nên cứ cố để mà lấp dòng vào lúc này...
Thủy điện Sông Bung 2.
Qua sự việc này và nhiều sự cố trước đó, có thể thấy vai trò phản biện của các chuyên gia độc lập với các dự án thuỷ điện, không riêng gì thuỷ điện Sông Bung 2 dường như còn rất mờ nhạt. Cụ thể, chỉ khi có sự cố xảy ra mới thấy các nhà khoa học lên tiếng, thưa ông?
- Cá nhân tôi chưa được mời tham gia vào các khâu kiểm định của dự án nào. Khi không có thông tin thì dù rất muốn chúng tôi cũng không thể tham gia góp ý, thẩm định, lại càng không thể giám sát. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể lên tiếng sau khi sự cố xảy ra, như bạn đã thấy. Hiện các văn bản pháp lý về an toàn đập còn thiếu, còn nhiều “lỗ hổng”. Nếu cứ khoán trắng việc xử lý an toàn đập cho chủ đầu tư, chủ yếu là các doanh nghiệp luôn chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận thì rất khó. Các cấp quyết định không thể chỉ nghe những báo cáo một chiều, coi nhẹ các ý kiến phản biện độc lập.
Trân trọng cảm ơn ông!