Sư đệ - học để làm người

Cẩm Thúy 20/10/2017 16:30

Phần cảm động nhất, lay động nhất, gợi nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người nhất chính là tình cảm thầy - trò xuyên suốt cuốn sách Sư đệ. Thầy dạy võ là dạy làm người.

1. Một cậu bé lớp 9 - con trai của cô bạn tôi về kể với mẹ rằng giờ ra chơi, khi con đứng gần 1 bạn gái (một cách tình cờ) bèn bị 1 bạn trai khác đến gây sự. Sau mới biết do bạn hiểu nhầm là cháu tìm cách “tán tỉnh” bạn gái...

Nghe chuyện, sau cái cảm giác buồn cười cho những ngờ nghệch của tuổi mới lớn, tôi đã nghĩ nhất định sẽ mua một cuốn Sư đệ học phái dưỡng sinh nhu quyền (trong bài này sẽ gọi tắt là Sư đệ) để tặng cháu. Mà thực ra, nếu bố mẹ các cháu cũng đọc nữa thì tốt. Để hiểu việc có khi 1 hội con trai mới lớn, đánh nhau vì một bạn gái cũng là chuyện bình thường thôi. Thời nào cũng thế!

Nhưng với Sư đệ, thì chuyện thanh thiếu niên học đường đánh nhau khác với bạo lực học đường ngày hôm nay ở chỗ nào? Đó là giá trị nhân văn, bài học làm người mà Sư đệ mang lại.

Bởi vì trong cuộc đời rất có thể ta phải bỏ ra thậm chí là quá nửa đời người mới có thể nhận ra đâu là mục đích sống. Thì với Sư đệ, cuộc đời đầy trải nghiệm của một võ sư bậc thầy, một lương y, một nhà kinh doanh, một người viết văn - nhân vật chính trong chuyện - nguyên mẫu là tác giả Trần Việt Trung ngoài đời đã tặng cho người đọc một bài học lớn mà không cần phải mò mẫm trải qua và vì thế sẽ bớt phải trả giá.

Tôi - khi khép cuốn sách lại đã bâng khuâng nghĩ giá có thể có nhiều bạn trẻ hơn đọc những trang sách như thế này thì biết đâu, đường đến tương lai của những người trẻ tuổi sẽ bớt chống chếnh hơn.

Nói như thế không có nghĩa là mọi đứa trẻ đều trải qua những trận đánh nhau, những va chạm, những vấp ngã rồi mới trưởng thành. Mỗi người sẽ có một lối vào đời khác nhau. Nhưng từ cuộc đời cụ thể của những con người cụ thể của một môn phái võ thuật, bài học làm người mang giá trị chung cho nhiều người. Bởi vì tính thiện, cách hành xử trượng nghĩa, đạo đức, đạo lý, đạo làm thầy và đạo làm trò… thì cần cho tất cả mọi người.

2. Tôi đọc Sư đệ khi mà những thông tin giới thiệu việc ra mắt cuốn sách trên báo chí đã lắng xuống. Nghĩa là mình tự do đọc và cảm nhận mà không bị chi phối. Và tự nhiên, không muốn làm cái việc rất thông tấn là kể lể về tác giả, hoặc về bối cảnh ra đời cuốn sách. Cũng thấy không cần thiết phải kể về các nhân vật, hay về môn phái võ học mà cuốn sách đề cập. Cảm xúc mà những trang sách mang lại mới là điều đáng kể.

Nó là một không khí rất Hà Nội suốt mấy thập niên hiện ra, có khi chỉ qua những “trận đánh đường phố”, nhưng gợi nhiều hoài niệm trong ký ức về một thời đã qua. Cũng như rất có thể sẽ nhận ra một người quen, những bậc cầu thang đen bóng trong một ngôi nhà cũ bên hông chợ Hàng Da… dù tác giả đã cố tình đặt cho các nhân vật những cái tên khác…

Phần cảm động nhất, lay động nhất, gợi nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người nhất chính là tình cảm thầy - trò xuyên suốt cuốn sách. Thầy dạy võ là dạy làm người. Nên bắt đầu việc dạy bằng dạy đạo đức, đạo lý, bao giờ thấm nhuần mới truyền võ thuật.

Có những thầy ấy, tất phải có những trò ấy. Cũng nhờ ngọn lửa của đạo nghĩa, mà học thuật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đạt tới tầm tư tưởng của võ học.


Tác giả Trần Việt Trung.

3. Tôi từng có lần phỏng vấn tác giả, đặt câu hỏi về thái độ của ông đối với sự xuống cấp đạo đức xã hội hôm nay. Lúc ấy, tôi chưa được tiếp cận với cuốn sách này, nên không hề biết những dòng cuối cùng của cuốn sách, đó chính là vấn đề mà tác giả Trần Việt Trung đã đặt ra day dứt. Và ông bằng tất cả sự trải nghiệm của một cuộc đời tài hoa, thành công ở nhiều lĩnh vực đã đưa ra một câu trả lời: Sinh ra làm người đừng nói thành người là dễ!

Để có một câu này, là cả một cuộc đời mà qua những trang sách chắc độc giả cũng mới chỉ hiểu được phần nào!

“Sư đệ học phái dưỡng sinh nhu quyền” là cuốn sách thứ 3 của tác giả Trần Việt Trung (sau cuốn Quyền sư xuất bản năm 2013 và Thầy Thiên Đức xuất bản năm 2016). Tác giả là con trai út của Thiếu tướng Trần Tử Bình - một nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Đảng, một trong những nhà lãnh đạo đứng đầu cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tháng 8/1945.

Có niềm đam mê võ thuật từ bé, Trần Việt Trung theo học nhiều thầy, nhưng cuộc gặp gỡ với võ sư Ngô Sỹ Quý (học trò của cụ Tế Công - người sáng lập ra võ phái Vịnh Xuân Quyền ở Việt Nam) là bước ngoặc quan trọng của cuộc đời ông. Trở thành 1 học trò xuất sắc, được thầy đào tạo để có sứ mệnh làm thầy, võ sư Trần Việt Trung đã lập ra học phái Dưỡng sinh nhu quyền - đưa võ học đạt tới một hệ thống học thuật hoàn chỉnh, có ích cho cộng đồng. Ngoài võ học, ông còn giỏi y thuật, tướng số và một nhà kinh doanh giỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sư đệ - học để làm người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO