Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Báo động đỏ

Duy Phương 18/11/2015 10:54

Sau những cảnh báo của các nhà quản lý về việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh và các loại hóa chất nguy hiểm khác trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… tình hình sử dụng các loại chất độc này vẫn chưa  giảm. Mới đây nhất, Đoàn Thanh tra của Bộ NN&PTNT vừa phát hiện một số doanh nghiệp trộn chất nhuộm màu, chất cấm nguy hại vào thức ăn chăn nuôi, đã thực sự là những báo động đỏ.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Báo động đỏ

Cần siết chặt chất cấm trong chăn nuôi.

Bất chấp tương lai

Việc các DN sử dụng tràn lan chất cấm, kháng sinh, chất nhuộm công nghiệp… hầu hết là những loại hóa chất không được phép sử dụng trong ngành chăn nuôi gần đây đã bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Nói như ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Việc làm này của các DN ngành chăn nuôi chính là tự hủy hoại mình. Bởi, theo nhận định của ông Lê Bá Lịch, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn những sản phẩm an toàn với sức khỏe của mình, khi đó, các sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại sẽ chiếm ưu thế.

Trong khi, các nhà quản lý đang đau đầu tìm hướng đi cho ngành chăn nuôi, ngành thực phẩm của Việt Nam để có thể đứng vững khi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thì ngay lúc này đây, trên thị trường, các DN vẫn đang tìm cách trộn chất cấm, chất nhuộm công nghiệp vào thức ăn chăn nuôi hòng thu lợi nhuận .

Thông tin từ Bộ NN & PTNT, Đoàn Thanh tra của Bộ đã phối hợp với Cục cảnh sát môi trường mới đây phát hiện, bắt quả tang công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương) trộn vàng ô, một loại hóa chất được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, vào thức ăn chăn nuôi để bán ra thị trường. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các mẫu thức ăn chăn nuôi đã được Phòng thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT đưa về phân tích kiểm nghiệm. Kết quả, một mẫu thức ăn có hàm lượng Sabutamol (chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi) lên tới 3703 ppb, gấp 75 lần tiêu chuẩn cho phép.

Tiếp đó, ngày 16-11 vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 11 thùng chứa chất vàng ô và chất tạo màu công nghiệp tại Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt - Nhật Hưng Yên.

Những dữ liệu nói trên cho thấy, dường như, bất chấp sức khỏe của cộng đồng, bất chấp tương lai của ngành chăn nuôi sẽ có nguy cơ “gục ngã” ngay trên sân nhà, các DN đã và đang tiếp tục có những hành vi sẵn sàng hủy hoại uy tín của ngành chăn nuôi, và hơn thế, đánh đổi cả sinh mạng của cộng đồng, chỉ vì những cái lợi trước mắt.

“Vì cái lợi trước mắt, DN sẵn sàng đánh đổi tương lai, sự phát triển của cả ngành chăn nuôi”- nhiều chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm đã phải bày tỏ bức xúc như vậy khi nói về thực trạng sử dụng hóa chất trong chăn nuôi hiện nay.

Doanh nghiệp đang tự hủy hoại

Ở một diễn biến khác, những ngày gần đây, thông tin về việc các lô hàng xuất khẩu thủy sản liên tục bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại nhiều thị trường trên thế giới. Con số thống kê cho biết, tính từ năm 2014 đến nay, đã có tới 32.000 tấn hàng bị trả về. Và chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có đến 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước trả về, trung bình mỗi công ty xuất khẩu thủy sản có 5 lô hàng. Cá biệt có một công ty có đến 70 lô hàng bị trả về. “Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang ở mức đáng báo động” - Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad-Bộ NN&PTNT) cảnh báo.

Việc hàng loạt các quốc gia quay lưng với các lô hàng thủy sản của Việt Nam, một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất của các DN Việt hiện nay. Một điều dễ nhận thấy, việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang đẩy các DN ngành thủy sản đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là mất chữ tín tại thị trường quốc tế. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, khi chúng ta tiến hành ký kết các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương (FTA), các DN Việt có rất nhiều cơ hội, song, vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần phải hướng tới đó là phải đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi, đối với các nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, EU… đây là vấn đề họ coi trọng nhất.

Song, với những gì đang diễn ra cho thấy, có vẻ như, các DN của chúng ta đang đi ngược với xu hướng chung của hội nhập.

Đánh giá về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng thốt lên: Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm cải thiện chậm so với mong đợi. Ông rất lo ngại khi nêu lên thực tế:“Gần đây nổi lên một số sự việc gây lo lắng cho nhân dân, ảnh hưởng tới uy tín nông sản như sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, lạm dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt...” và đưa ra khuyến cáo: “Muốn nông sản sạch trước hết phải làm sạch ngay từ trong sản xuất nông nghiệp”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, liệu lời khuyến cáo của người đứng đầu ngành nông nghiệp có thực sự “ngấm” được vào hành vi của các DN hiện nay? Sẽ rất khó nếu như bản thân các DN không tự ý thức được rằng, còn sử dụng tràn lan chất cấm, chất kháng sinh, là các DN tự hủy hoại chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Báo động đỏ