Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội lại vừa khảo sát ý kiến người dân lần thứ 2 về loa phường trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội (hanoi.gov.vn), với các câu hỏi: Đồng tình hay phản đối, có giảm số lượng loa phường hay không?...
Có tất cả 4 câu hỏi, với mỗi câu người dân có thể lựa chọn các phương án trả lời gợi ý sẵn. Đợt lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 25/10. Vào lần trưng cầu ý kiến người dân lần thứ nhất, có tới 90% người được hỏi cho rằng nên bỏ loa phường, cũng ngần ấy phần trăm khẳng định loa phường không có ích.
Có lẽ đó là lý do mà khoảng hai năm trước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó”, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ. Sau khi người dân thể hiện ý chí bỏ loa phường với tỷ lệ cao (90%), thành phố đã sắp xếp lại hệ thống loa phường, thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh tại hộ gia đình ở một số phường thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, các thiết bị thông minh này không phát huy hiệu quả vì người dân không quan tâm.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, khi cần tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, một số nơi phải bắc loa vào xe đạp đi vòng quanh địa bàn. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng khẳng định, có nơi phải ghi nội dung tuyên truyền ra băng cassette rồi thuê người bán báo dạo đi phát giúp thông tin về phòng chống dịch bệnh. Với thực trạng trên, ông Phong đề nghị tính toán kỹ lại việc sắp xếp loa phường, không thể chủ quan duy ý chí, làm sao vừa văn minh nhưng cũng không thể thiếu trong trường hợp khẩn cấp.
Trên thực tế hiện nay, người dân không thích loa phường bởi có một số nơi phát hàng ngày, thậm chí phát liên tục với những nội dung không mấy bổ ích như ca nhạc, bản tin của phường, của quận..., thậm chí phát những thông tin cũ rích mà tất cả mọi người đều đã biết.
Song, nếu vì thế lại chuyển sang dẹp bỏ toàn bộ loa phường cũng không ổn, bởi thứ nhất không phải ai cũng đọc báo, xem tivi, không phải ai cũng có thể lướt mạng để biết thông tin, thứ hai là sẽ xảy ra tình trạng phải đạp xe quanh địa bàn để thông báo tình huống khẩn cấp. Nên chăng vẫn giữ loa phường, nhưng quy định chặt chẽ chỉ được phát thông báo trong những trường hợp khẩn cấp như thảm họa thiên tai, phòng chống dịch bệnh..., còn những nội dung vô bổ thì hạn chế để tránh làm phiền người dân.