Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, bà Phạm Thị Bạch Yến mới đây cho biết, từ tháng 10/2017 đến nay đã có 20 bác sĩ, dược sĩ đại học đang công tác trên địa bàn xin nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân chính, theo bà Yến, là do lương thấp, chưa có các chính sách ưu đãi, thu hút bác sĩ về công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, bị cắt phụ cấp ưu đãi nghề...khiến nhiều y, bác sĩ trẻ, sau một thời gian công tác tại địa phương đành dứt áo ra đi.
Thực trạng “chảy máu chất xám” này không chỉ riêng ở Lâm Đồng, ở Tây Nguyên mà chung trong cả nước!
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh lại có thể thấy đánh giá của lãnh đạo ngành Y tế Lâm Đồng chỉ mới đúng, chưa đủ.
Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh, tiền lương không phải yếu tố duy nhất mà còn phải xem xét thái độ đối xử giữa con người với con người. Còn nhớ cách đây vài năm, hàng loạt phi công và lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ ốm bất thường, thậm chí là xin nghỉ việc dù mức lương họ nhận được không hề thấp. Hay tại Đà Nẵng, với Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), dù có nhiều ưu đãi thu hút, nhưng rốt cuộc đã có hàng chục người đã rút khỏi Đề án với nhiều lý do…
Con người là một thực thể có suy nghĩ, hoàn toàn không phải là một cỗ máy cứ đổ nhiên liệu vào là chạy. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, việc sử dụng người lao động không nhất thiết phụ thuộc vào lương, nhiều khi chỉ cần trân trọng giá trị sức lao động của người lao động là đủ để họ cảm thấy có giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đã nêu quan điểm: Những người học tập đạt thành tích tốt và đã chứng minh năng lực trong thực tiễn sẽ được nhà nước trọng dụng; để thu hút và giữ chân người có năng lực, vấn đề không chỉ ở chính sách đãi ngộ mà còn tạo môi trường cho họ làm việc, phát huy năng lực sở trường. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Yếu tố rất quan trọng là phải bố trí đúng người, đúng việc. Không phải cứ những người học giỏi, có trình độ, có bằng cấp thì có thể phân công bất cứ lĩnh vực nào”.
Như vậy, câu chuyện “chảy máu chất xám” trong ngành y ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng và trên các lĩnh vực khác nói chung trong cả nước cần phải được nhìn nhận đầy đủ từ nhiều khía cạnh, trong đó vấn đề lương và môi trường làm việc là hai điều kiện “cần” và “đủ” luôn được thực hiện song hành, là “khâu đột phá” trong việc tuyển dụng lao động có chất lượng, nhất là người có chuyên môn cao, nhân tài.