Tình trạng sử dụng nhà văn hóa không đúng mục đích dưới nhiều hình thức khác nhau tại Hà Nội trong khi người dân thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng là khá phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này thì chủ trương “phủ sóng” nhà văn hóa của Hà Nội trong giai đoạn tới cũng chỉ như chạy đua số lượng để lấy thành tích.
Chủ trương một đằng...
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch đặt ra nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí “100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”.
Để hoàn thành mục tiêu trên, theo nhận định của nhiều chuyên gia văn hóa, Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động thêm nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực “phủ sóng” nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo các thiết chế nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đặc biệt là trong bối cảnh không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp thì đó là một cố gắng đáng ghi nhận.
Tại Thông tư số 06/2011 của Bộ VHTTDL Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn đã nêu rõ chức năng gồm: Góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn thôn.
Nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác ở thôn.
Còn tại Quyết định số 6966 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã cũng nhấn mạnh các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao không có chức năng kinh doanh.
Như vậy có thể thấy rõ UBND phường, xã, thị trấn không được phép cho thuê mặt bằng nhà văn hóa - thông tin và thể thao để kinh doanh.
...Thực tế một nẻo
Quy định là thế nhưng thực tế lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Nhiều cơ sở văn hóa “nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao” bị các tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê với nhiều hình thức dẫn đến lãng phí khiến dư luận bức xúc.
Như vậy, để nâng cao hiệu quả của hệ thống nhà văn hóa đang có cũng như chủ trương “phủ sóng” nhà văn hóa của thành phố Hà Nội trong thời gian tới không bị lãng phí, cần phải bám sát vào với thực tế, nhu cầu của từng địa phương. Cần xem xét nhu cầu từ cấp cơ sở để có chủ trương hợp lý. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đúng mức về nhân sự, cơ chế, kinh phí hoạt động và đa dạng hóa các loại hình hoạt động. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa cho đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, có biện pháp khắc phục phù hợp.
Điển hình như Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ đang sử dụng một phần đất có dấu hiệu không đúng mục đích là câu chuyện diễn ra trong nhiều năm qua.
Được biết tới đây, Trung tâm này là một trong những địa điểm được lựa chọn để phục vụ thi đấu cho môn Taekwondo ở kỳ SEA Games 31. Nhưng hiện nay, trong khuôn viên đang tồn tại quán bia với diện tích rộng hàng trăm m2. Những năm trước, nơi đây từng xuất hiện bãi xe không phép hoạt động trong suốt một thời gian dài, báo chí đã từng phản ánh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ xác nhận sự tồn tại của quán bia trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận.
Nhưng theo ông Khuyến, quán bia này đã tồn tại từ lâu theo hợp đồng và đó là “chuyện quá khứ”.
Không có không gian rộng như Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ nhưng nhiều nhà văn hóa phường trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang bị “xẻ thịt” sử dụng sai chức năng.
Điển hình như tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 21 và 22, một phần diện tích đã bị sử dụng vào việc giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty CP thực phẩm sạch An Tâm.
Hay như tại phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), nhà văn hóa thuộc tổ dân phố số 8, khu vực tầng 1 đã được sử dụng cho thuê để kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau…
Đây chỉ là số ít nhà văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được sử dụng trái với mục đích, quy định của nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng.
Trong khi đó, tình trạng thiếu và chưa đồng bộ nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng lại đang xảy ra ở rất nhiều địa phương ở Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là không bố trí được quỹ đất.
Điển hình như phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) là địa bàn đông dân cư nhưng lại chỉ có duy nhất một điểm sinh hoạt cộng đồng dẫn đến việc 7 tổ dân phố của phường phải dùng chung thiết chế văn hóa hoặc “mượn tạm” cơ sở vật chất của các đơn vị, cơ sở khác mỗi khi cần hội họp hoặc sinh hoạt văn hóa.