Trải qua thời gian dài “ngủ đông” do đại dịch Covid-19, du lịch các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có kế hoạch để nhanh chóng phục hồi và “chuyển mình” mạnh mẽ. Trong đó, du lịch sinh thái cộng đồng đang là thế mạnh của vùng.
Nhiều điểm du lịch lên kế hoạch “hút khách”
Một trong những địa phương ở vùng có nhiều điểm du lịch thu hút du khách mỗi khi đặt chân đến đây, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung khai thác và phát triển mạnh các tiềm năng như du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông theo đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển, tiếp tục nâng cấp phát triển ba cụm du lịch cộng đồng tại các huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù lao Dung; kết hợp phát triển du lịch điện gió, du lịch biển với tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo…
Tỉnh Kiên Giang ngoài điểm đến nổi tiếng Phú Quốc với các loại hình du lịch luôn được làm mới như du lịch đám cưới quốc tế, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái còn có một số điểm đến đẳng cấp quốc tế đang trở thành điểm nhấn thu hút du khách.
Quần đảo Nam Du ở huyện Kiên Hải của Kiên Giang được mệnh danh là “Hạ Long của Phương Nam” cũng được du khách, nhất là giới trẻ khắp cả nước thích trải nghiệm tìm đến tham quan tận hưởng. Đến đây, du khách sẽ được tham quan ngọn Hải đăng Nam Du, được trải nghiệm các hoạt động lặn biển ngắm san hô, chèo thuyền, lướt sóng bằng ca nô…
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, tỉnh xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi thị trường khách du lịch trong nước đến Kiên Giang nhằm bảo đảm mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh quyết tâm xây dựng và khẳng định hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang là điểm đến an toàn, thân thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng mở cửa, thu hút khách du lịch quay trở lại.
Khi nhắc đến Bạc Liêu, du khách nghĩ ngay đến giai thoại Công tử Bạc Liêu lừng lẫy một thời “đốt tiền nấu trứng…” để thể hiện mình giàu có. Trải qua hàng chục năm, các công trình kiến trúc của gia đình Công tử Bạc Liêu đã được chính quyền địa phương tôn tạo gìn giữ để du khách đến tham quan và nghe kể về giai thoại của gia đình Công tử Bạc Liêu.
Ngoài ra, đến Bạc Liêu không thể không ghé thăm điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Khu Quán Âm Phật Đài, được xây dựng từ năm 1973. Điểm nhấn của khu này chính là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hay còn gọi là mẹ Nam Hải cao 11m đứng uy nghi giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra biển Đông. Cánh đồng điện gió cũng là điểm tham quan đặc trưng riêng mỗi khi du khách đặt chân đến Bạc Liêu. “Cánh đồng điện gió” nằm trong khu vực 500 hecta đất ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.
Du lịch sinh thái cộng đồng - lựa chọn hàng đầu
Những năm gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng đang được đầu tư, phát triển mạnh tại một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ.
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có vị trí thuận lợi, điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy, là điểm đến, điểm trung chuyển kết nối du khách đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ đã và đang thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch. Tập trung phát triển loại hình du lịch đường sông. Theo đó, các sản phẩm du lịch mới như: Du thuyền Victoria Mekong chạy tuyến Cần Thơ - Châu Đốc, du lịch Cộng đồng Cồn Sơn với nhiều sản phẩm mới, cung cấp du khách nhiều dịch vụ trải nghiệm…
Cà Mau, nơi cuối cùng Tổ quốc cũng là nơi đang phát triển mạnh và thu hút ngày càng nhiều du khách. Ngoài việc chiêm ngưỡng mốc lịch sử quốc gia ở đất mũi, du khách còn muốn trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, len lỏi qua từng rừng đước, mắm, đánh bắt thủy sản…
Ông Lê Văn Dũng - Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: “Vài năm gần đây, nhiều dự án xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, các hộ dân tham gia làm du lịch đã thu hút được nhiều du khách dừng chân tại đây. Du khách được sống cùng người dân, không chỉ trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập, mà cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động mưu sinh với dân như giăng lưới bắt cá, bắt ốc len, ba khía, câu cua…”.
Rừng tràm Trà Sư là khu du lịch sinh thái độc đáo ở An Giang cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây có diện tích 845 hecta, phần lớn thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một phần thuộc xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng đất tây sông Hậu, có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về lại ngập chìm trong sắc màu của hoa tràm trắng tinh khôi, loài cây đặc trưng của vùng đất mệnh danh “thiên đường xanh ngập nước”.
Ông Đinh Quang Thái - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư cho biết, đơn vị đã sẵn sàng cho kế hoạch mở cửa đón khách trở lại an toàn. Đồng thời có nhiều chương trình, sản phẩm mới tri ân và “chia sẻ” với du khách sau đại dịch Covid-19. “Chúng tôi cam kết dịch vụ tốt nhất, không gian sinh thái tự nhiên đẹp nhất với chi phí du lịch hợp lý nhất” - ông Thái nói.