Sự 'khó hiểu' của Ban giám hiệu nhà trường có học sinh bị ong đốt

Trần Ngọc Kha 06/11/2015 09:41

Suốt cả buổi sáng qua (5/11), có mặt ở ngôi trường có học sinh bị ong đốt, chúng tôi vẫn tiếp tục bị Ban giám hiệu nhà trường “đóng băng” quan hệ. “Các thầy cô bận họp” hoặc “đi vắng” là những cụm từ được các nhân viên bảo vệ nhắc đi nhắc lại.

Sự 'khó hiểu' của Ban giám hiệu nhà trường có học sinh bị ong đốt

Trẻ bị ong đốt cùng các phụ huynh tại khoa Nhi BV Bạch Mai tối 4/11.

Khoảng 3h chiều ngày 4/11, tại Trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), ong ruồi vỡ tổ làm hàng chục học sinh ở đây bị loài côn trùng này đốt, phải nhập viện Bạch Mai. Rất may đa số các em bị nhẹ và được ra viện ngay sau đó vài giờ, chỉ còn 3 em bị nặng phải lưu lại đến khuya để các bác sĩ theo dõi và cũng xuất viện ngay trong đêm.

Ngay tối 4/11, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại BV Bạch Mai và ghi nhận tình trạng đông đúc bất thường tại khoa Nhi của BV. Rất nhiều người lớn kéo đến đây hỗ trợ các bé nôn ọe, hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng thăm khám lấy máu xét nghiệm cho từng cháu. Các bé trong độ tuổi từ 5-10 vẻ mặt hoảng sợ, mệt mỏi vẫn còn hằn trên từng gương mặt.

BS Nguyễn Công Long - Phó trưởng khoa Tiêu hóa, người đảm nhiệm trực lãnh đạo đêm 4/11 tại BV Bạch Mai cho biết: Tổng cộng có 51 cháu bị ong ruồi đốt. Các bé được xuất viện gần hết. Đến 21h, chỉ còn 3 trẻ bị nặng nằm lại đây là các cháu: Trịnh Tuấn Linh, 6 tuổi, lớp 1; Nguyễn Chí Thành, 10 tuổi học lớp 5 và Đinh Cao Minh 7 tuổi, học lớp 2. Các em học sinh này này bị đốt vào nhiều nơi trên cơ thể, chủ yếu vào mặt, đầu và tay. Các bệnh nhân được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi lấy máu xét nghiệm và sơ cứu ban đầu.

Cháu Thành cho biết, lúc đó là đang giờ ra chơi, tự dưng có một số anh chị bên Trường Trung họ cơ sở bên cạnh sang đây chọc một tổ ong trên cây ở đằng sau mấy lớp học. Lúc này, có rất nhiều học sinh đang chơi đùa. Thành và các bạn liền bị ong đốt. Thành đưa tay chỉ những vết ong đốt nhiều phát vào đầu, vào vai, vào mặt mình. Trong lúc Thành tiếp chuyện chúng tôi, có nhiều người luôn ngồi áp sát cạnh cháu, (không rõ quan hệ thế nào với Thành) liên tục yêu cầu các phóng viên ngừng cuộc phỏng vấn và cắt ngang lời kể của cháu. Trước đó, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp xúc được người có trách nhiệm cung cấp chút thông tin nói trên từ phía BV Bạch Mai. Hiệu trưởng nhà trường tiểu học này có mặt tại BV cũng khước từ mọi đề nghị hợp tác với báo chí đưa tin vụ việc.

Trong suốt cả buổi sáng qua (5/11), có mặt ở ngôi trường này, chúng tôi vẫn tiếp tục bị Ban giám hiệu nhà trường “đóng băng” quan hệ. “Các thầy cô bận họp” hoặc “đi vắng” là những cụm từ được các nhân viên bảo vệ nhắc đi nhắc lại với các nhà báo để từ chối bất kỳ sự tác nghiệp nào của họ. Cánh cửa công trường luôn đóng chặt, chỉ được mở ra khi có ai khác mà họ chắc chắn được biết đó không phải là cánh phóng viên báo chí mới cho qua.

Tại UBND phường Yên Sở, Phó Chủ tịch Cao Quang Quyến cho biết: Trong nhiều năm nay, phường và nhà trường có ý thức trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát cho học sinh. Không ngờ lại xảy ra sự vụ đáng tiếc này. Khi được hỏi sự việc cụ thể xảy ra thế nào, ông Quyến nói không biết và gợi ý chúng tôi nên hỏi Ban giám hiệu nhà trường. Ông nói thêm: Ngay khi được biết thông tin xảy ra vụ việc vào cuối giờ chiều hôm ấy, ông đã chỉ đạo Trung tâm y tế phường liên hệ với BV Bạch Mai để đưa các em học sinh đi cấp cứu và huy động xe ô tô nhanh chóng chuyên chở các em đến BV. Ông và tất cả các tất cả các bộ phận có trách nhiệm của nhà trường và địa phương từ cùng đại diện Ban phụ huynh đích thân đi theo cứu giúp các cháu cho đến khi đứa trẻ cuối cùng xuất viện. Toàn bộ số trẻ này, theo như thông tin mà ông Quyến nhận được từ phía nhà trường, đã trở lại lớp học.

Ông phân trần: Tối hôm đó, thực sự là do chúng tôi và các thầy cô giáo nhà trường rất lo lắng nên có phần không thoả mái trong việc sẵn lòng chia sẻ thông tin cho báo chí, mong các anh thông cảm. Tuy nhiên, khi được đề nghị tác động để ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho chúng tôi tác nghiệp, ông Quyến từ chối và cho rằng mình “không có quyền” trong việc này.

* Trước đó, ngày 3/11, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận bé gái Lý Huỳnh Trang, 13 tuổi đến từ ở xóm Nách, xã Tân Mai (Mai Châu, Hòa Bình). Trang bị 115 nốt ong vò vẽ đốt trưa ngày 2-11 khi em và các bạn rủ nhau đi lấy củi để nấu cơm. Cháu nhập viện trong tình trạng bị sốc nặng, huyết áp tụt nghiêm trọng. BS Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, đối với những người bình thường nếu bị ong vò vẽ đốt trên 10 nốt là đã ở trong tình trạng nguy hiểm và cần phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu ngay lập tức.

“Đây là loại ong độc, trong nọc của chúng có chất gây dị ứng làm sốc phản vệ, ngoài ra khi bị loại ong này đốt có thể gây suy thận cấp, nếu không cấp cứu lọc máu kịp thời thì rất dễ tử vong”, BS Dũng nói. Trường hợp cháu Trang, khi được chuyển viện đã ở trong tình trạng sốc, huyết áp tụt, suy thận không đái được.

“Chúng tôi phải dùng máy siêu lọc máu mới có thể cứu được bệnh nhân”, theo BS Dũng. Ngay sau khi được lọc máu, bệnh nhân đã đi tiểu được, nhưng nước tiểu đặc sánh và đen kịt. Điều này cho thấy, các tế bào máu trong cơ thể bệnh nhi đã bị phá vỡ rất nhiều. Hiện sức khoẻ cháu Trang đang tiến triển tốt. “May là cháu này được đưa vào đây sớm, chứ không như trường khác cũng đến từ Hoà Bình cùng ngày do quá muộn nên bị tử vong”, theo BS Dũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự 'khó hiểu' của Ban giám hiệu nhà trường có học sinh bị ong đốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO