Trên các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện nhan nhản các dòng quảng cáo “sale sập sàn”, “giảm giá hủy diệt”, “sale 80%” đánh vào tâm lý thích mua hàng xịn nhưng giá rẻ của nhiều người tiêu dùng.
Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Thực tế thì nhiều nhãn hàng cũng giảm giá sâu, giảm sốc để kích cầu tiêu dùng, giảm hàng tồn kho... Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm giảm sốc sẽ không được như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Mới đây, dư luận xôn xao khi một website thông báo hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ đang “sale hủy diệt”, giảm giá đến 70% kèm theo hình ảnh khách hàng phải vật vã xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua sản phẩm cùng lời khuyến nghị khách hàng đặt hàng qua website thì lúc nào cũng có.
Rồi có những hình ảnh và dòng quảng cáo đầy hấp dẫn: Nước hoa chính hãng sale sập sàn với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi giá trị thực có thể lên tới vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng cho một chai nước hoa.
Với những chiêu trò này, các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng tự nguyện chui đầu vào bẫy vì những chiếc đồng hồ Omega “sale sập sàn" hay những lọ nước hoa chính hãng được quảng cáo nhan nhản nói trên chỉ là hàng nhái, hàng giả mang danh nghĩa “hàng chính hãng giảm giá”. Bởi vì theo khẳng định của đại diện của hãng Omega tại Việt Nam thì, không có bất cứ chương trình khuyến mại nào và địa chỉ website trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối. Bản thân những người am hiểu, sành về nước hoa cũng quả quyết khẳng định, nước hoa “xịn” chính hãng không bao giờ có giá vài trăm nghìn đồng như lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Lazada.. thường xuyên có những mục khuyến mãi bán hàng 0 đồng, gây sự tò mò hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi người mua click chuột vào sản phẩm thì hoặc là hàng không có như quảng cáo hoặc là hàng đã bán hết. Như vậy vẫn còn may mắn bởi nhiều người còn mua phải hàng giá rẻ nhưng bị lỗi, không thể sử dụng được, hoàn toàn khác xa với những gì mà người bán rao ầm ầm trên mạng.
Dường như tâm lý mua hàng giá rẻ vẫn còn ăn sâu đối với một bộ phận người dân. Nắm bắt tâm lý này, những chiêu trò siêu khuyến mại giảm giá đã được nhiều người bán hàng tung ra với mục đích kiếm lợi nhuận lớn, thậm chí chỉ cần bán được một lần rồi biến mất khỏi sàn giao dịch. Nhiều người tiêu dùng cho biết, khi hàng đến tay thì từ chất lượng đến kiểu dáng đều khác xa sản phẩm quảng cáo trên mạng, và khi gọi điện để phản ánh khiếu kiện thì số điện thoại hầu như ở chế độ “không liên lạc được”.
Có thể thấy, kiểu làm ăn “chộp giật” này vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ lừa đảo người tiêu dùng. Mặc dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo song, vẫn nhiều người tiêu dùng đang bị mắc bẫy.
Ngoài chuyện quảng cáo giảm giá để bán hàng giả, hàng nhái hoặc lừa đảo người tiêu dùng như nói trên thì sự thật các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay trên mạng xã hội có đúng là giảm giá hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù được quảng cáo là giảm giá "sập sàn", giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi không ít doanh nghiệp (DN) sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60-70% rồi giảm giá 30-50% thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt. Thực chất, giá của sản phẩm khi đã giảm vẫn còn cao hơn nhiều lần giá trị thực.
Làm sao để tránh sập bẫy?
Về vấn đề quảng cáo, khuyến mại trên trời, nói vống lên để đánh vào tâm lý người tiêu dùng, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền mạnh hơn nữa những quy định về hoạt động khuyến mãi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công khai quy trình đăng ký, việc tổ chức các hoạt động khuyến mãi cũng như bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mãi. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng.
Các DN cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hoạt động khuyến mãi, như: Công khai các thông tin về tên gọi, địa bàn hoạt động, thời gian khuyến mãi, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, khuyến mãi…và phải được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía người tiêu dùng, trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay qua mạng xã hội, cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mãi, thông tin DN, thông tin sản phẩm. Đặc biệt, cần chủ động phản ánh các sự việc làm tổn hại đến quyền lợi của mình tới Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, bồi thường các thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm hoạt động kinh doanh của các đối tượng lừa đảo để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, để tránh “sập bẫy” các chiêu trò khuyến mại, giảm giá, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tỉnh táo lựa chọn các nhãn hiệu, DN uy tín để gửi gắm niềm tin. Đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng khi thấy sản phẩm có giá quá rẻ so với thị trường bởi, chẳng có hàng “xịn”, hàng chính hãng nào lại có “giá bèo”.