Nhiều bức ảnh liên quan đến các sự kiện giật gân, gây chấn động, nhưng lại không có liên quan gì đến câu chuyện thực tế.
Bức ảnh chấn động về thảm họa động đất Nepal năm 2015
hóa ra lại được chụp năm 2007.
Năm 2015 là một năm đầy rẫy các sự kiện chấn động, và bởi vậy cũng kéo theo sự ra đời của nhiều bức ảnh nổi tiếng… tuy nhiên rất nhiều trong số chúng được tung lên với các mục đích khác nhau. Có nhiều bức ảnh là giả, được tạo dựng để lừa dối dư luận, số khác là những bức ảnh có nội dung sai lệch được chia sẻ rộng rãi. Tất cả đều liên quan đến các sự kiện giật gân, gây chấn động, nhưng lại không có liên quan gì đến câu chuyện thực tế.
Bức ảnh giả về trận động đất ở Nepal
Một trong số các bức ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất trên các mạng xã hội liên quan tới trận động đất kinh hoàng ở Nepal hồi tháng 4 năm nay là ảnh chụp 2 đứa trẻ ngồi ôm nhau. Tuy không phải hàng giả, nhưng nó lại chả có liên quan gì tới câu chuyện thực tế đằng sau trận động đất nọ.
Mang chú thích là “một bé gái 2 tuổi được anh trai 4 tuổi bảo vệ ở Nepal”, bức ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên Facebook và Twitter, thậm chí còn được sử dụng để kêu gọi tiền ủng hộ người dân Nepal. Thế nhưng bức ảnh này thực tế lại được chụp ở một ngôi làng vùng sâu vùng xa hồi năm 2007.
“Đây có thể là bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất của tôi” - nhiếp ảnh gia Na Sơn, tác giả bức ảnh, nói với BBC - “Nhưng không may là nó lại được đặt trong bối cảnh sai”.
Cũng liên quan đến trận động đất Nepal, một đoạn video khác xuất hiện trên cả Youtube và Facebook với tiêu đề là hình ảnh từ camera an ninh chiếu cảnh một bể bơi tại một khách sạn ở Kathmandu, cũng bị lật tẩy. Đoạn phim cho thấy nước trong hồ bắn tung lên một cách bất thường trong trận động đất, và được nhiều hãng truyền thông trên thế giới lấy lại để mô tả ảnh hưởng của trận động đất tồi tệ nhất trong vòng 81 năm qua ở Nepal.
Nhưng thực tế nó chỉ là một đoạn video cũ kỹ được quay từ năm 2010, trong khi một trận động đất khác đang hoành hành ở Mexico. Dù nhãn thời gian đã bị thay đổi, nhưng nhiều người vẫn phát hiện ra, trong đó một tài khoản trên Youtube đã cảnh báo rằng: “Họ trưng đoạn video này ra mỗi khi có một trận động đất lớn ở đâu đó”.
Ngoài ra, còn nhiều hình ảnh có nội dung sai lệch với thực tế được chia sẻ sau trận động đất kinh hoàng này, trong đó có cả một đoạn video chiếu cảnh một tòa nhà đang sụp đổ, trong khi thực tế nó ở Ai Cập chứ không phải ở Nepal.
Một người di cư được cho là tay súng IS hóa ra chỉ là
một tướng lĩnh phe nổi dậy ôn hòa ở Syria.
Hành trình di cư đến châu Âu trên Instagram
Ở châu Âu, từng có thời điểm hàng loạt các bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Instagram, trong đó cho thấy một người đàn ông đăng tải hành trình di cư của mình từ Senegal tới Tây Ban Nha, và nó liên tục được cập nhật. Các bức ảnh “tự sướng” của Abdou Diouf, đến từ Dakar, nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán đạt kỷ lục trên mạng, thu hút hàng nghìn người quan tâm theo dõi cùng nhiều bình luận khích lệ anh chàng này.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều hoài nghi đến từ một số tài khoản Twitter khác cho rằng mục đích thật sự của người đàn ông trên không phải là ủng hộ người di cư. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng, hóa ra đây chỉ là một chiến dịch quảng bá cho một lễ hội ảnh được tổ chức ở phía Bắc Tây Ban Nha.
Cũng trong thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu, hàng loạt các bức ảnh cảnh báo về khủng bố cũng đồng loạt xuất hiện trên Fcebook. Một trong số đó là bức ảnh chụp một người di cư được cho là vào thời điểm mà người này còn là một tay súng IS.
“Nhớ gã này không? Từng xuất hiện trong các bức ảnh của IS hồi năm ngoái - và giờ là một người di tị nạn” - một tài khoản trên Facebook chia sẻ bức ảnh.
Người đàn ông trong bức ảnh này sau đó được xác nhận là Laith al-Saleh, một cựu tướng lĩnh của lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) - một trong số các nhóm nổi dậy ở Syria. Người này chạy trốn khỏi Syria và tới Macedonia vào tháng 8-2015. Sau khi sự thật được phơi bày, chủ tài khoản Facebook chia sẻ bức ảnh trên đã phải đưa ra lời xin lỗi.
Bức ảnh tại nhà hát Bataclan, Paris?
Sau sự kiện khủng bố liên hoàn đẫm máu ở thủ đô Paris của nước Pháp hồi tháng 11 vừa qua, câu chuyện vốn đã kinh hoàng lại bị thổi phồng lên bởi hàng loạt lời đồn thổi và các bức ảnh mang nội dung trái với thực tế.
Một trong số đó chính là bức ảnh chụp ban nhạc Mỹ có tên “Eagles of Death Metal” đang diễn trong nhà hát Bataclan trước đám đông người hâm mộ. Bức ảnh này được chia sẻ rộng rãi, trong đó nói rằng nó được chụp ngay trước khi những kẻ khủng bố ập vào nơi này và xả súng.
Nhưng hóa ra bức ảnh này sau đó được xác nhận là được chụp tại một buổi diễn khác của nhóm nhạc tổ chức ở nhà hát Olympia ở Dublin (Ireland), và từng được nhóm nhạc đăng tải trên Facebook của họ vào ngày trước khi xảy ra vụ tấn công ở Paris.