Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.
Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tranh luận về vấn đề kinh tế báo chí, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng cần được định hướng rõ ràng, tập trung vào việc hỗ trợ báo chí thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách, chứ không chỉ là nguồn thu để duy trì hoạt động.
Theo ông Nghĩa, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất. Việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển, hiện 30% cơ quan báo chí là nhận từ ngân sách, còn 70% là tự bươn chải. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn lại không được hỗ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.
Do đó, việc Nhà nước đặt hàng truyền thông và chi trả kinh phí là một hình thức hỗ trợ báo chí. Tuy nhiên mô hình báo chí lý tưởng là mô hình đi bằng hai chân, kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ Nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường.
Tiếp tục chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết về những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng người dân đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật cũng như nhiều nội dung quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vậy giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí, giảm tình trạng tiêu cực trên?.
Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng khi mạng xã hội ra đời đã lấy mất nghề của báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có hàng chục triệu “phóng viên” không mất tiền. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội.
“Báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung để thông tin mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội. Đây là định hướng vai trò của báo chí cách mạng. Báo chí cần sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện. Trên các nền tảng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần xuất hiện để phổ cập tốt hơn”-ông Hùng nói.
Trong khi đó, ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.
Trước vấn đề trên, ông Hùng nói rằng, báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí. Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng trong khi nguồn thu lại giảm sút.
Ông Hùng cũng thông tin, trong Chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện.
“Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi. Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông”-ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau. Vì vậy báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
Nhắc lại trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ, ông Hùng mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực.