Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học (GDĐH) cần xuất phát từ hoạt động của thị trường lao động bậc cao, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để xem xét các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung.
Sửa đổi Luật GDĐH để gỡ bỏ những nút thắt hiện nay (ảnh minh họa).
Đây là nội dung đã được nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học chuyên đề “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.
Theo đó, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH là gỡ bỏ các nút thắt, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Quá trình sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật GDĐH hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, tập trung vào những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu “sửa đổi, bổ sung một số điều chứ không phải sửa đổi, bổ sung để thay thế Luật Giáo dục đại học hiện hành”.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật được Quốc hội ban hành. Thực thi Luật GDĐH mới phải tạo được môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng và hấp dẫn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, là khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo nền kinh tế tri thức cho đất nước.
Tại hội thảo, đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM báo cáo tóm tắt đề xuất “Nghiên cứu những luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH năm 2012”.
Trong bản thuyết trình đề tài, trường đưa ra kiến nghị sửa đổi hơn 30 điều trong 5 chính sách định hướng sửa đổi gồm mở rộng phạm vi tự chủ ĐH, về quản trị ĐH của trường tư thục, cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài, quản lý đào tạo, giảng viên và người lao động, quản lý nhà nước. Tiến độ thực hiện đề tài dự kiến 24 tháng (từ tháng 7/2017 – 72019).
Mục tiêu là tháng 5/2018 có thể trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, tháng 10-2018 thông qua kỳ họp thứ 6. Tổng kinh phí đề xuất cho việc thực hiện đề tài khoa học này là 3,5 tỉ đồng.
Cũng tại hội thảo này, các ý kiến góp ý của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số bộ ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia đã thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cũng như các hoạt động thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2017, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương tổng hợp rà soát gần 30 văn bản liên quan đến Luật GDĐH để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Quá trình soạn thảo phải trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát cung cấp các luận cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung Luật GDĐH, tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua, đó là: Mở rộng tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo và quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng GDĐH. B.T |