Sửa đổi Luật Tòa án nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp

Việt Thắng 09/11/2023 17:38

Chiều 9/11, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, dự thảo Luật gồm gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều.

Dự thảo Luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án. Đó là: “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW; “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vì đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử thực chất là giải thích, làm rõ trong bản án lý do áp dụng điều luật cụ thể trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án. Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc luật hóa nhiệm vụ đang thực hiện trên thực tiễn này nhằm đề cao trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong mỗi phán quyết tư pháp.

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để giải quyết, xét xử.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 15), Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật. Theo đó, đối với vụ án hình sự việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS). Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do CQĐT và VKS thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án; nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ thu thập chứng cứ (TTCC) và chứng minh thuộc về đương sự. Tòa án không có trách nhiệm TTCC mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự TTCC; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự TTCC.

Có ý kiến không tán thành với dự thảo Luật với lý do theo quy định của Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS, Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án chỉ tiến hành TTCC trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Theo đó, đối với vụ án hình sự nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án tạm ngừng phiên tòa để thực hiện; vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì Tòa án chỉ TTCC nếu đương sự không thu thập được và có yêu cầu. Việc TTCC ở nước ngoài thì Tòa án thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập. Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Do đó, đề nghị quy định những trường hợp Tòa án TTCC để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện của nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi Luật Tòa án nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO