Triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - một trong những chính sách được coi là đột phá trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này đó là thu hút, trọng dụng người có tài.
Tại dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này có bổ sung chính sách mới là cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó (doanh nghiệp khởi nguồn). Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (khoản 4 Điều 23).
Về quy định thu nhập tăng thêm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan thấy rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại TPHCM và một số địa phương khác để giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cụ thể nào để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao thì lại đang có nhiều ý kiến. TS Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất bảng lương có thể được xây dựng cao hơn 8 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự. Như mới đây, HĐND TP Đà Nẵng cũng đã thông qua Nghị quyết xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025 với mức chi từ 50 - 200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 đến gần 300 triệu đồng.
Theo GS Đào Trọng Thi - nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, việc có cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài về Thủ đô là điều cần thiết. Nhưng vấn đề nằm ở việc thực hiện cơ chế như thế nào, và phải ưu đãi trúng vào những người tài thật. Do đó cơ chế thực hiện cần chặt chẽ, lương có thể cao hơn gấp 10 lần nhưng cần chọn đúng người tài, và người đó phải thuyết phục được các người khác bằng tài năng của mình. “Nếu người đó không vượt trội hẳn và tài năng đó không được người khác thừa nhận thì sẽ nảy sinh tư tưởng tôi làm mấy chục năm, người mới vào trình độ có hơn tôi mấy đâu mà lương gấp 10 lần tôi” - ông Thi nói và đề nghị chính sách cần chặt chẽ để chọn đúng người tài. Vì lương cao gấp 10 lần nhưng họ lại đem lại lợi ích gấp 1.000 lần cho thành phố thì mức lương cao gấp 10 lần là xứng đáng.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút đội ngũ tinh hoa về cống hiến cho Thủ đô, xây dựng Hà Nội phát triển xứng tầm với Thủ đô của một quốc gia. “Trong Luật thì Hà Nội đề xuất là gấp 1,8 lần nhưng trong quá trình áp dụng nếu thấy việc khuyến khích thu hút này đạt kết quả tốt, cùng với sự lớn mạnh và thu ngân sách của Thủ đô nhiều hơn thì có thể xem xét không chỉ dừng ở 1,8 lần mà còn nhiều đặc thù khác để có thể thu hút người tài về cống hiến cho Thủ đô” - bà Nga nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nói rằng thu hút nhân tài liên quan đến nhiều chính sách; đến các Luật như: Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật lao động, Luật Thuế thu nhập cá nhân. “Nghĩa là chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cũng phải tháo gỡ từ các luật khác nữa chứ không phải cho cơ chế thì có thể thu hút được ngay người tài. Vì suy cho cùng thu nhập tăng thêm cũng chi trả từ ngân sách” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, theo TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với nhân tài như thành phố được quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thoả thuận. Lương trả cho nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên hiệu quả công việc và thường xuyên điều chỉnh, đảm bảo cạnh tranh với khu vực ngoài nhà nước.