Sáng ngày 15/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Về quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm”.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo nhằm góp ý để bổ sung, sửa đổi Quy định 263-QĐ/TƯ, ngày 8/10/2014. Gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành; các địa phương tham dự hội thảo.
Trình bày báo cáo đề dẫn về việc sửa đổi Quy định 263 năm 2014 (Quy định 263) của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, ông Phạm Đức Tiến – Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) khái quát, sau hơn 3 năm thực hiện Quy định 263 của Bộ Chính trị, việc áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng vi phạm đã rõ hơn về nội dung, tính chất, mức độ vi phạm.
Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng ngày càng bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời. Đến nay không còn tổ chức đảng bị kỷ luật khiếu nại.
Tuy nhiên, Quy định 263 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa có quy định về thời hiệu kỷ luật nên một số vi phạm xảy ra quá lâu, việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng không còn nhiều tác dụng.
Quy định cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng có hành vi bao che cho tham nhũng hoặc liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các vụ việc, vụ án tham nhũng mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý hoặc đã kết thúc xử lý.
Một số quy định còn gây lúng túng cho việc thực hiện như việc xác định trách nhiệm đảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật chưa được cụ thể nên việc thực hiện chưa thống nhất ở một số địa phương, đơn vị…
Sửa Quy định 263, theo ông Tiến, nguyên tắc trước hết được bổ sung là giới hạn hiệu lực của quyết định kỷ luật đối với tổ chức đảng là 1 năm kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật (Điều 3).
Ông Tiến phân tích, thực tế, một số nơi, tổ chức đảng bị kỷ luật, các đảng viên trong tổ chức đảng đó cũng bị coi như là bị kỷ luật nên không được quy hoạch, luân chuyển, đề cử, bổ nhiệm…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các đảng viên trong tổ chức đảng có vi phạm phải chịu trách nhiệm như kỷ luật áp dụng với cả tổ chức.
Vì vậy việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chỉ được thực hiện sau 1 năm khi quyết định kỷ luật đã hết hiệu lực.
Phát biểu tại hội thảo, tất cả các ý kiến tham luận đều cho rằng việc thực hiện Quy định 263 thời gian qua đã cho thấy nhiều cái được và nay UBKTTW sửa Quy định 263 là bước đi cần thiết nhằm tăng hiệu lực của kiểm tra Đảng.
Về nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật, UB Kiểm tra Trung ương dự kiến sửa đổi Điều 13 Quy định 263, cụ thể hoá, làm rõ hơn các dạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình cùng với những biểu hiện suy thoái đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4.
Cụ thể, vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm các quy định về bầu cử được quy định để xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng giới thiệu cán bộ sai, vi phạm công tác bầu cử trong thời gian vừa qua.
Vi phạm về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng được quy định để ngăn chặn và xử lý hành vi như chỉ đạo che giấu hồ sơ, tài liệu, không cung cấp cho các đoàn, kiểm tra khi có yêu cầu.
UBKTTW cũng muốn bổ sung quy định vi phạm về phòng chống tham nhũng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý các vi phạm về kê khai tài sản…
Ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh & xã hội bày tỏ tán thành nhận định cần thiết ban hành quy định này. Trong bối cảnh hiện tại cần sửa để quy định có tính khả thi, hợp thực tế.
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Thuân nói về sự cần thiết sửa đổi Quy định 263 và cho rằng, sửa đổi để: Đảm bảo cho cách hiểu, cách làm, cách xử lý thống nhất vì trong quy định 263 hiện hành có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất; sửa lần này để tăng hiệu lực kỷ luật Đảng.
Đảm bảo để quy định chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục đặc biệt với hành vi tham nhũng, các vụ án liên quan nhiều đến vấn đề kinh tế.
Một số nguyên tắc trong quy định 263 đảm bảo chặt chẽ hơn; hình thức, thời hiệu kỷ luật đảm bảo sự tương xứng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm ỦY ban Kiểm tra Trung ương Tô Quang Thu cho biết: Sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý.
Có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ thêm cơ sở lý luận thực tiễn về những đề xuất hoặc gợi mở ban biên tập cách tiếp cận mới.
“Về vi phạm của tố chức đảng và số phải kỷ luật ko nhiều nhưng trong nhiệm kỳ này ta đã xử lý 2 ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ là Đà Năng và Vĩnh Phúc với hình thức khiển trách và cảnh cáo. Quyết định kỷ luật cũng là của cấp uỷ cấp trên chứ ko phải do UBKTTW.”- ông Thu nói
Ông Thu cũng cho rằng: Thực tiễn đặt ra vấn đề phải nghiên cứu sâu hơn nữa. Có nhiều nội dung chưa được định lượng rõ ràng.
Rất nhiều cái mà bộ phận nghiên cứu cần tiếp thu để lượng hoá càng nhiều càng tốt.
Như Bác Hồ từng nói: 9/10 khuyến điểm của chúng ta là do công tác kiểm tra. Càng thực hiện thì thấy khẳng định đó càng là chân lý, rõ ràng, rành mạch.