Bộ GTVT tập hợp ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải để liên Bộ xem xét và sớm ban hành sửa đổi Thông tư liên tịch 152 để công tác quản lý giá cước vận tải có hiệu quả, tôn trọng thị trường. “Dự thảo Thông tư sửa đổi đưa ra, khi giá nhiên liệu giảm 20% buộc các doanh nghiệp phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa”...
Chiều ngày 22/2, hàng loạt các hãng taxi tại TP HCM đã đăng ký giảm giá cước.
Dù giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” hoặc “trông” nhau không chịu giảm giá cước.
Tại buổi họp về giá cước vận tải ngày 22/2, ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong năm 2015 đã diễn ra 2 đợt giảm giá cước trên khắp các tỉnh, thành phố vào tháng 2 và tháng 10.
Số lượng các đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước tại các địa phương và tỷ lệ giảm giá mỗi loại hình xe, mỗi tuyến vận tải là khác nhau nhưng tổng hợp lại thì phần lớn các đơn vị vận tải đã kê khai giảm tỷ lệ phổ biến từ 3-5% trên mỗi lần kê khai giảm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp kê khai giảm giá đến 2-3 lần trong năm qua.
Vẫn theo ông Ngọc, hiện trong cơ cấu giá thành vận tải thì chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25-35% đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa), còn lại là 55-75% giá thành vận tải bao gồm các chi phí khác như khấu hao, sửa chữa phương tiện, nhân công, chi phí cầu đường, bến bãi...
Đã có doanh nghiệp vận tải thực hiện giảm giá cước với mức 1-33%, nhưng tại nhiều địa phương còn có đơn vị vận tải chưa giảm giá hoặc giảm chiếu lệ - ông Ngọc thừa nhận.
Còn theo Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, cả nước có trên 4.000 tuyến vận tải cố định nhưng mới có khoảng 1.000 doanh nghiệp giảm giá.
“Các doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều lý do khác nhau để giảm giá trong đó có lý do về trạm thu phí BOT, nhưng chỉ cần giá xăng tăng một cái là tăng cước vận tải ngay. Hai cái này phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia. Cần phân tích rõ nguyên nhân nào mà doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước theo giá xăng”- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nêu rõ.
Nói về lý do chần chừ giảm cước, ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho biết, trước Tết Nguyên đán 2016, các hãng taxi đã giảm giá, thấp nhất là 300-500 đồng/km. Với taxi thì nguyên liệu đầu vào là xăng đã khoán cho tài xế, nên khi xăng tăng thì tài xế đình công không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi chứ doanh nghiệp không được lợi gì ở việc này. Ông Hỷ cũng cho biết chiều ngày 22/2, hàng loạt các hãng taxi tại TP HCM đã đăng ký giảm giá.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, giá thành vận tải ôtô gồm nhiều yếu tố cấu thành, không phải mỗi giá nhiên liệu. Giá cước vận tải Nhà nước không định giá, để theo thị trường điều tiết.
“Không có chuyện xăng tăng là cước vận tải tăng nhanh, không đơn giản bởi việc điều chỉnh về cước phí tốn kém rất nhiều. Nên chăng việc cài đặt lại đồng hồ giao cho doanh nghiệp, không lo sợ các đơn vị này làm láo vì cơ quan chức năng hậu kiểm, đỡ tốn chi phí và rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp” - ông Thanh đặt vấn đề.
Theo đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý cũng không can thiệp, nhưng Nhà nước vẫn tham gia điều tiết. Việc kê khai giá cước đã làm thường xuyên, thủ tục không có gì nhiêu khê.
Bộ GTVT tập hợp ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải để liên Bộ xem xét và sớm ban hành sửa đổi Thông tư liên tịch 152 để công tác quản lý giá cước vận tải có hiệu quả, tôn trọng thị trường. “Dự thảo Thông tư sửa đổi đưa ra, khi giá nhiên liệu giảm 20% buộc các doanh nghiệp phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa” - theo đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính.
Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, mỗi một lần kê khai giảm giá cước là rất phức tạp, tốn kém cho doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, liên Bộ Tài chính và Giao thông sẽ nghiên cứu và đây là mấu chốt của vấn đề, cần làm nhanh. Trong tháng 2 này phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước.
Ông Trường cũng giao Vụ Vận tải và Hiệp hội Vận tải nghiên cứu, thu thập ý kiến của cơ quan kiểm định về việc điều chỉnh đồng hồ có thể để cho doanh nghiệp tự chủ được không?
“Sửa đổi Thông tư liên tịch 152 phải cầu thị với các ý kiến, góp ý của doanh nghiệp để trong tháng 2 cơ bản thu thập được tài liệu. Tháng tháng 3 ban hành thông tư này, để khi ban hành là đi vào cuộc sống, không gặp phải vướng mắc từ việc thực thi của các doanh nghiệp” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.