“0 đồng” - cụm từ này đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân trong những ngày một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Có những tình nguyện viên lặng lẽ góp sức mình mong muốn được giúp đỡ phần nào những hoàn cảnh khó khăn, sẻ chia gian nan với những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Đó là những tấm lòng thật cao quý.
Suất ăn 0 đồng
Chị Nguyễn Hoài Sương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những tình nguyện viên như thế. Chị Sương đã kết nối với nhiều anh chị em để thực hiện hàng trăm suất ăn 0 đồng. Những suất ăn trưa được gửi đến các lực lượng y tế, còn những suất ăn tối được chính chị Sương và các tình nguyện viên đi phát tận tay những người có hoàn cảnh vô gia cư, những người lao động vẫn đang miệt mài với công việc của mình khi đêm đã về khuya.
Căn hộ nhỏ của gia đình chị Sương đã trở thành một bếp ăn “dã chiến”. Hàng ngày, đều đặn các chị em chuẩn bị thức ăn, nấu nướng rồi chia thành từng suất ăn nhỏ. Ai có sức góp sức, ai có thực phẩm góp thực phẩm, ai có hộp góp hộp… Công việc khá vất vả nhưng không khí của bếp ăn luôn rộn rã tiếng cười. Đối với họ, việc giúp đỡ được thật nhiều người là động lực to lớn nhất.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chị Sương cho biết, chị là một người con của khúc ruột miền Trung - nơi thường “gánh chịu” nhiều thiên tai bão lũ. Chính bản thân chị Sương đã từng trải qua hoàn cảnh “ngồi trên nóc nhà gần 1 tuần liền” khi xảy ra mưa lũ và được những người không quen giúp đỡ vượt qua khó khăn. Hình ảnh ấy đi theo chị suốt những năm tháng của cuộc đời.
“Đến thời điểm này, tôi đã phần nào ổn định kinh tế, ổn định công việc. Chính vì vậy, tôi tình nguyện giúp đỡ mọi người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là lời cảm ơn đến những người đã từng giúp đỡ gia đình tôi vào thời điểm khó khăn nhất” - chị Sương mắt đỏ hoe nghẹn ngào kể.
Khi bắt đầu thực hiện bếp ăn 0 đồng, chị Sương đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các anh chị em tình nguyện viên khác. Thế là bếp ăn ngày một lớn dần, ngày càng nấu được nhiều suất ăn hơn. Và điều đặc biệt mà bếp ăn của chị Sương thực hiện đó là chuẩn bị bánh mỳ, xôi, cháo để phát cho những người hoàn cảnh khó khăn vào buổi tối muộn. Sau khi chuẩn bị xong các suất ăn, chị Sương cùng một số anh chị em chia thành 2 nhóm đi phát từng suất ăn đến tay mọi người.
Buổi tối muộn trong ngày giãn cách
21h30, chiếc xe ô tô đỗ tại sân chung cư, chị Sương kéo xe đồ ăn tới, tất cả “xúm lại” cùng chia vào từng túi nilong nhỏ. Mỗi suất ăn kèm theo 1 hộp sữa, 1 chai nước, có hôm kèm cả những chiếc khẩu trang. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Thời điểm 21h30 của những ngày giãn cách khiến đường phố vắng vẻ đến lạ thường, chiếc xe đi từ từ và dừng lại ở những điểm có các anh chị nhân viên vệ sinh đang quét dọn, gom rác về điểm tập kết. Mỗi anh chị được nhóm biếu 1 suất ăn, ai cũng cảm thấy ấm lòng hơn trong cái vắng lặng của buổi tối giãn cách.
Chiếc xe cứ “lầm lũi” đi những con đường của TP Hà Nội thật chậm để không bỏ sót bất cứ ai. 23h, chiếc xe dừng ở ngã tư phố Quang Trung giao phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các anh chị em xuống xe và lấy đồ để chia cho những người vô gia cư có mặt ở khu vực này. Đa phần là các cụ già, mưu sinh bằng nghề nhặt rác, họ không thuê trọ mà lang thang ở những con phố. Những cụ già đã bạc cả mái đầu, da nhăn nheo, dáng người lọm khọm ngồi bên vệ đường cùng vài ba chiếc túi bằng chất liệu như bao tải dứa - tất cả đồ đạc cá nhân của họ trong đó. Khi nhận được những suất ăn, họ cẩn thận mở ra, nâng niu từng hộp sữa, chai nước, suất xôi và cái bánh mỳ họ được nhận.
“Khi tôi ổn định hơn về công việc, có điều kiện kinh tế hơn thì ông bà tôi đã mất, tôi cũng không còn cơ hội chăm sóc ông bà của mình. Trong vài buổi tối đi phát đồ ăn, chúng tôi biết được khu vực này có nhiều cụ già nên thường ghé qua. Có những cụ già cũng tầm tuổi như ông bà mình, hình ảnh đó làm tôi chảy nước mắt, thương lắm. Đối với mình một suất ăn có thể không có giá trị lớn, nhưng đối với các cụ, nhất là lúc này, thật sự rất đáng quý” - chị Sương dừng lại chia sẻ với chúng tôi sau khi phát từng suất ăn cho các cụ.
Những phần ăn đong đầy tình yêu thương
Chiếc xe của nhóm tình nguyện cứ thế đi phát cho mọi người đến khi nào hết số suất ăn đã chuẩn bị, có những ngày kết thúc vào lúc 0h nhưng cũng có ngày kết thúc khi đồng hồ điểm 2h sáng. Chính vì thời gian phát suất ăn rất muộn nên thay vì chuẩn bị cơm, nhóm của chị Nguyễn Hoài Sương đã chuẩn bị bánh mỳ, xôi, cháo để mọi người có thể ăn luôn hoặc để dành tới sáng mai mà vẫn đảm bảo chất lượng đồ ăn.
Để chuẩn bị được xôi, chị Sương cũng phải ngâm gạo, đặt đồng hồ để đồ xôi. Nồi đồ xôi dành cho gia đình nên chị không thể đồ cùng lúc hàng chục suất. Vậy là chị đồ xôi thành nhiều lần, mỗi lần 40 phút và ngày đồ khoảng 8 lần. Trong lúc đồ xôi thì chị Sương cùng các chị em khác kho thịt, luộc trứng, nấu cháo. Quanh quẩn trong bếp với thời lượng lớn, nhiều khi các chị em quên cả bữa ăn của chính bản thân mình.
Trò chuyện thêm với chúng tôi, chị Sương cho biết, những ngày đầu tiên khi bắt đầu mở bếp ăn 0 đồng, có những đêm chị thức trắng bởi chỉ có một mình làm tất cả mọi việc. Và rồi sau đó, các chị em biết đến, cùng hỗ trợ, mọi thứ đã trở nên ổn thoả hơn rất nhiều. Chồng chị Sương là kiến trúc sư, những ngày này cũng làm việc đêm ngày tại Bệnh viện dã chiến Hoàng Mai, góp sức cùng anh em để bệnh viện có thể đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch. Hai bạn nhỏ ở cùng ông bà. Vậy là gia đình chia 3 nơi, hai vợ chồng mỗi người một việc nhưng đều góp phần công sức nhỏ bé của mình vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19.
“Tất cả những tình nguyện viên đều không ngại khó khăn, vất vả để nấu những suất ăn 0 đồng, mang tới tận tay những người cần. Mỗi tối đi phát đồ ăn, chỉ mong thời tiết ủng hộ để những hoàn cảnh khó khăn có thể nhận được đồ ăn” - chị Sương chia sẻ.
12h tối hôm ấy, những suất xôi đã hết, còn bánh mỳ với cháo, trời chuyển gió và cơn mưa ập xuống. Mưa như trút nước nhưng chiếc xe vẫn kiên trì đi trong mưa gió và anh chị em cố gắng phát hết những suất ăn cuối cùng trên xe. Sau khi hoàn thành công việc, họ trở về nhà, tranh thủ vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để sáng mai lại bắt đầu công việc cho một ngày mới.