Môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…Thời gian qua, MTTQ các cấp đã rất nỗ lực cùng với chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề này, nhất là tại các xã nông thôn mới.
Mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật xây dựng ở các cánh đồng được nhiều địa phương áp dụng. Ảnh: Thiện Hải.
Khó thực hiện tiêu chí môi trường
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2000 - 2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%. Tuy vậy, hiện tiêu chí 17 về môi trường của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang có những vướng mắc, khiến các địa phương khó hoàn thành cũng như duy trì được tiêu chí này đối với các xã đã đạt chuẩn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…
Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường…
Tại tỉnh Bắc Kạn, theo tổng hợp, đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, đa số các xã đã triển khai đến các hộ thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào; công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại được và duy trì thường xuyên được thực hiện ở nhiều khu dân cư.
Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, còn nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình, hợp tác xã không có đủ kinh phí để đầu tư xây dựng hầm biogas, nên nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường; nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình hầu hết chưa được thu gom, xử lý. Việc thu gom, xử lý rác thải tại các xã còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhiều khu dân cư tình trạng đổ rác ra các khu vực sườn núi, vườn, khe, suối vẫn còn phổ biến;...
Còn tại Cao Bằng, qua thực tiễn triển khai, hầu hết các xã đều đánh giá môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh là trên 80%, tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh chuẩn đạt khoảng 40%. Các nội dung còn lại hầu hết đều chưa thực hiện được.
Đối với nội dung thu gom rác thải, chất thải sinh hoạt tập trung, tại khu vực nông thôn chưa có đội vệ sinh môi trường, chưa bố trí được khu vực tập kết chất thải. Việc thu gom và xử lý do người dân tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công.
Ngoài ra, chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.... ) chưa được thu gom một cách triệt để. Do đó, hiện tượng rác thải từ quá trình nông nghiệp và sinh hoạt tồn tại trên kênh mương, ao, hồ, hai bên đường giao thông còn khá phổ biến.
Theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, chưa quy hoạch đối với chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp và mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường và 35 xã có bãi chôn lấp rác thải riêng.
Với đặc điểm phân bố dân cư của tỉnh để thực hiện được chỉ tiêu này rất khó và lựa chọn biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các xã tính khả thi chưa cao. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đồng thời cũng làm mất đi mỹ quan đường làng ngõ xóm.
Xây dựng những mô hình điểm
Thời gian qua, với vai trò và vị trí của mình, MTTQ các cấp đã vào cuộc. Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường với phương thức: Ở mỗi tỉnh, thành phố, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, sau này nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng với các loại hình, tên gọi cụ thể: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” và “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”…Từ mô hình, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đa dạng, thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường.
Điển hình như tại xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao – Phú Thọ) để mô hình điểm tự quản bảo vệ môi trường triển khai hiệu quả, MTTQ xã đã tập trung vào công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân.
Các Ban công tác Mặt trận thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với phong trào “5 không 3 sạch”, vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng túi nilon.
Xác định công tác bảo vệ môi trường không chỉ bảo vệ sức khỏe con người, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, Chính vì thế, ở các xã thuần nông tại Sóc Trăng, việc sản xuất nông nghiệp luôn được gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng ở các cánh đồng được nhiều địa phương áp dụng.
Điển hình như tại huyện Mỹ Tú, mô hình này đã được Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện hỗ trợ cho Hội Nông dân xây dựng 23 hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở 6 cánh đồng sản xuất tập trung. Ngoài ra, mô hình công nghệ khí sinh học biogas cũng được áp dụng nhiều ở các xã: Long Hưng, Thuận Hưng, Mỹ Thuận…
Hội Nông dân huyện cũng vận động nông dân thành lập mô hình khu dân cư, xóm, ấp bảo vệ môi trường. Ở các địa phương khác, công tác bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cũng được xem không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn có trách nhiệm của nông dân. Qua các mô hình, nông dân từng bước nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường vùng nông thôn.