Sức hút hoạt động đối ngoại Việt Nam

Mai Loan 09/09/2020 08:13

Tuần này là một tuần sôi động các hoạt động đối ngoại của Việt Nam với 2 sự kiến lớn mà chúng ta đăng cai tổ chức: Một là AIPA 41- hoạt động ngoại giao Nghị viện quan trọng nhất trong năm Chủ tịch AIPA của Việt Nam. Hai là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 (AMM 53) - hoạt động ngoại giao nhà nước quan trọng, chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN cuối cùng trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.

Lễ thượng cờ ASEAN trong Ngày ASEAN 2020 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Hai sự kiện trên diễn ra trực tuyến, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khá phức tạp trên thế giới và trong khu vực, nhưng vẫn thu hút nhiều đoàn tham dự. Với Đại hội đồng AIPA khai mạc hôm 8/9 có 30 đoàn, 380 đại biểu, trong đó có 230 đại biểu Quốc hội đăng ký dự. Với AMM 53 có 28 đoàn đến từ 4 châu lục và có múi giờ khác nhau đăng ký dự. Điều đó, hơn mọi lời giới thiệu, đã cho thấy sức hút của các hoạt động đối ngoại mà Việt Nam chủ trì rất lớn.

Chủ trì cùng lúc 2 sự kiện đối ngoại lớn chính là sự khẳng định tầm vóc và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại ngày nay. 25 năm, chặng đường 1/4 thế kỷ gia nhập ASEAN hay AIPA đã cho thấy lựa tham gia vào “sân chơi chung” của khu vực là hết sức đúng đắn và kể từ đó sự đóng góp của Việt Nam vào phát triển của nội khối cả trên bình diện ngoại giao nghị viện hay ngoại giao nhà nước là rất đáng kể. Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực, chủ động, sáng tạo và đầy trách nhiệm và ở nhiều hội nghị của khu vực, chúng ta còn thể hiện cả vai trò dẫn dắt.

Trang mạng Foreign Policy mới đây khi viết về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã đánh giá, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang bao trùm thế giới, mục tiêu chính của năm Chủ tịch 2020 của Việt Nam là duy trì sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN. Những kỳ vọng lớn từ các nước thành viên ASEAN khác và các đối tác đối thoại đã phản ánh mức độ tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam. Mới đây nhất, trong phiên toàn thể thứ nhất AIPA 41, Chủ tịch Hội đồng lập pháp (Quốc hội) Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib đã đánh giá cao sự “cống hiến và kiên định” của Quốc hội Việt Nam trong việc triệu tập AIPA 41.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp Việt Nam vẫn quyết tâm tổ chức AIPA 41 và tất cả các cuộc họp của ASEAN trong năm Chủ tịch của mình. Covid-19 khiến chúng ta xa nhau về khoảng cách nhưng không thể xa về hành động nhằm đưa đến sự bình thường mới trong mỗi quốc gia và cả khu vực.

Tại AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ: “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải đoàn kết hơn để thúc đẩy việc nối lại dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và người dân giữa các nước trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết những nhu cầu thiết yếu nhất trong giai đoạn này”. Những phát biểu ấy tại AIPA cho thấy việc nhóm họp AIPA, AMM hay ASEAN Summit là việc làm cần thiết mà chúng ta đã nỗ lực và làm được vì nội khối.

Trong phiên khai mạc AMM diễn ra vào sáng nay (9/9), chắc chắn những vấn đề được nhắc đến tại AIPA sẽ là những mối quan tâm của các Ngoại trưởng ASEAN. Bởi vì, dù là tổ chức nào, Nghị viện hay cộng đồng chung thì tất cả đều hoạt động vì mục tiêu chung là sự thịnh vượng, gắn kết của gần 600 triệu người dân ASEAN.

Bên cạnh việc bàn bạc những thách thức an ninh phi truyền thống, giờ đây, việc đề cập trực diện đến các thách thức an ninh truyền thống cũng không phải cái gì quá xa lạ. Với ASEAN, càng ngày chúng ta càng đạt được nhiều tiếng nói chung, chẳng hạn như trong phòng chống dịch Covid-19, trong gắn kết các tiểu vùng và ngay cả trong vấn đề Biển Đông.

Ngay trước thềm AMM 53, trang The Diplomat đã đưa ra quan điểm: ASEAN cần tiếp tục theo đuổi và củng cố các cơ chế song phương lẫn đa phương. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, ASEAN cần đoàn kết, thống nhất và mạnh mẽ, hướng đến tương lai. Trước mắt, ASEAN cần giữ vững, tiếp tục ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, xúc tiến đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Còn trong phiên toàn thể AIPA 41, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani đề cập đến một trọng tâm trong các chính sách phát triển của nước này là đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống: “Với tư cách là các Quốc hội ASEAN, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên ASEAN tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và bảo đảm những quyền, lợi ích chính đáng ở khu vực biển của những quốc gia ven biển. Hiện nay, COC cũng phải được xây dựng là một trong những nền tảng được các bên thống nhất lựa chọn để thúc đẩy đối thoại trong khu vực Biển Đông của các nước ASEAN để chúng ta có thể bảo đảm được khu vực Biển Đông của chúng ta”...

Vậy là không chỉ có các nhà quan sát mà ngay cả chính giới trong ASEAN cũng đã không ngần ngại, không né tránh các vấn đề nóng. Từ phòng họp AIPA đến phòng họp AMM vì thế chắc chắn sẽ có nhiều chủ đề thú vị và dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những hoạt động thực chất mà AIPA hay AMM, cũng như ASEAN Summit mang lại cho cộng đồng, cho người dân ASEAN. Đó là trách nhiệm của Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch AIPA 41.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức hút hoạt động đối ngoại Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO